| Hotline: 0983.970.780

Ngày xưa trồng cỏ nuôi bò, giờ trồng cỏ nuôi dê cũng rất hay

Thứ Sáu 15/04/2022 , 08:50 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Việc trồng cỏ không những chủ động được thức ăn thô xanh phục vụ phát triển đàn dê mà còn góp phần phòng, tránh được những rủi ro đáng tiếc khi chăn thả tự nhiên.

Nếu như trước đây, việc trồng cỏ phát triển chăn nuôi thường chỉ dành cho đàn bò thì nay cách làm này đã và đang được nhiều nông dân ở huyện Cư M’gar, (tỉnh Đăk Lăk) áp dụng cho cả đàn dê, nhất là những hộ chăn nuôi dê có quy mô lớn. Cách làm này đã mang lại hiệu quả cao, không chỉ giúp bà con tіết kiệm được nhiều chi phí chăn nuôi, công chăm sóc mà giúp dê lớn nhanh, mau xuất chuồng.

Anh Vi Văn Hữu ở buôn Thái là một trong những hộ chăn nuôi dê có quy mô lớn trên địa bàn xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar). Hiện nay, gia đình anh đang duy trì hơn 40 con dê lớn nhỏ trong chuồng, trong đó có 11 con mẹ.

Nhờ chú trọng chủ động trồng cỏ, người chăn nuôi ở huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) đã có điều kiện tăng đàn, nâng cao năng suất và giá trị từ vật nuôi này. Ảnh: Trung Dũng.

Nhờ chú trọng chủ động trồng cỏ, người chăn nuôi ở huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) đã có điều kiện tăng đàn, nâng cao năng suất và giá trị từ vật nuôi này. Ảnh: Trung Dũng.

Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn dê, từ năm 2019 đến nay anh Hữu đã chủ động trồng cỏ vào những chỗ trống trong vườn và rẫy với 3 loại cỏ chính gồm: Cỏ voi không lông, voi lùn và cỏ sả lá lớn. Đây là các giống cỏ lai có sức sinh trưởng và phát triển nhanh, cho năng suất và hàm lượng dinh dưỡng cao…

Anh Hữu chia sẻ: Mỗi ngày, đàn dê của gia đình ăn khoảng 1 tạ cỏ, nếu chỉ dựa vào nguồn cỏ, lá cây tự nhiên và nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp sẽ không thể đảm bảo được lượng thức ăn hàng ngày. Khi cho dê ăn, anh cũng chủ động bổ sung thêm một số loại thức ăn tinh để giúp chúng tăng cường tiêu hóa, cũng như giúp dê thích ăn hơn. Dê được cho ăn đầy đủ sẽ tăng trưởng nhanh, sức đề kháng tốt, cho năng suất, chất lượng thịt tốt hơn so với hình thức chăn nuôi truyền thống…”.

Tương tự, ngay khi áp dụng mô hình chăn nuôi dê, ông Bế Văn Liên ở buôn Drang (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) cũng dành hơn 1 sào đất để trồng cỏ cung cấp nguồn thức ăn cho đàn dê 30 con lớn nhỏ của gia đình. Dù diện tích trồng cỏ của gia đình tuy không lớn nhưng vẫn đảm bảo được nguồn thức ăn cho đàn dê…

Nông dân có thể tận dụng các diện tích đất xen kẹt để trồng cỏ. Ảnh: Trung Dũng.

Nông dân có thể tận dụng các diện tích đất xen kẹt để trồng cỏ. Ảnh: Trung Dũng.

Ông Liên chia sẻ: “Mỗi ngày cho dê ăn 3 bữa, sáng, trưa, chiều, mỗi bữa phải 2 vác cỏ lớn mới đủ, mình tôi chỉ cần tranh thủ ra cắt tý là được. Nếu đi lấy lá keo phải đi 2 người, người cắt, người gom lại và chở về, tuy nhiên giờ keo cũng không còn nữa, rất khó kiếm đủ lượng thức ăn cho đàn dê. Bên cạnh đó, việc trồng cỏ còn giúp người chăn nuôi tránh được những rủi ro đáng tiếc như dê ăn phải cỏ, lá bị phun thuốc trừ sâu, nhẹ thì bị đau bụng, tiêu chảy, nặng thì sẽ bị chết…”.

Hiện nay, các sản phẩm từ dê rất được người tiêu dùng ưa chuộng nên dê có giá khá ổn định, từ đó nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi dê theo hướng hàng hóa. Tính đến nay, tổng đàn dê toàn huyện Cư M’gar đã lên đến khoảng 22.356 con, tập trung nhiều tại các xã như Ea Kpam, Quảng Hiệp, Ea H’đing, Ea Drơng, Thị trấn Ea Pốk, Quảng Phú…

Việc trồng cỏ để phát triển chăn nuôi dê đã được người dân trên địa bàn huyện áp dụng từ nhiều năm trước nhưng những năm gần đây càng được người dân chú trọng và phát triển mạnh, đặc biệt là tại các hộ chăn nuôi dê theo hình thức trang trại, nhốt chuồng, nuôi dê vỗ béo.

Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm từ thịt dê ngày càng lớn, nên dư địa phát triển vật nuôi này rất tốt. Ảnh: Trung Dũng.

Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm từ thịt dê ngày càng lớn, nên dư địa phát triển vật nuôi này rất tốt. Ảnh: Trung Dũng.

Đa phần cỏ chủ yếu được người dân tận dụng những khoảng đất vườn, rẫy, những khu đất trống, dốc, không bằng phẳng, các bãi ven ao, hồ, sông, suối, hoặc những diện tích cây trồng kém hiệu quả để chuyển đổi sang trồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc với quy mô hộ gia đình.

Tùy theo quy mô chăn nuôi mà các hộ trồng nhiều hay ít, nhưng thường mỗi hộ chăn nuôi sẽ trồng từ 1 - 3 sào cỏ, với nhiều giống cỏ khác nhau để thay đổi khẩu phần thức ăn hàng ngày cho dê, giúp dê ăn ngon miệng, nhanh phát triển. 

Nhìn chung, các giống cỏ được người dân chọn trồng chủ yếu là cỏ voi xanh Đài Loan, cỏ sữa Đài Loan, cỏ bụi sả lá lớn...

Thực tế từ các hộ chăn nuôi cho thấy, các giống cỏ trên rất dễ trồng, sinh trưởng nhanh, không tốn nhiều công chăm sóc và phân bón..., do vậy chi phí đầu tư không đáng kể. Việc trồng cỏ không những chủ động được lượng thức ăn thô xanh phục vụ cho phát triển đàn dê mà còn góp phần phòng, tránh được những rủi ro đáng tiếc khi chăn thả trong tự nhiên như: Ăn phải thức ăn kém chất lượng, không an toàn. Tuy nhiên, để nuôi dê đạt hiệu quả cao và bền vững, người chăn nuôi cần bổ sung thêm thức ăn tinh GIÚP đàn dê sẽ lớn nhanh, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.