Đất rẻ như bèo
10 năm qua gia đình ông Trần Quang Miện (thôn 10, xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai) liên tục gõ cửa đơn vị liên quan trên địa bàn Nghệ An nhằm làm sáng tỏ những khúc mắc xung quanh việc thu hồi đất. Tuy nhiên đáp lại là thái độ lặng thinh, né tránh liên hồi.
Trao đổi với PV NNVN, ông Miện trình bày: Năm 2008 ông nhận được thông báo Nhà nước triển khai thu hồi đất rừng để tiến hành đắp đập hồ Vực Mấu. Gia đình ông bị lấy đi 6.688 m2 tại khu vực Rú Phe nhưng chỉ được đền bù 18.700.000 đồng. Quy đổi mỗi sào (500m2) thu về hơn 1 triệu đồng, quá rẻ mạt.
Không hài lòng, gia đình ông Miện đã yêu cầu UBND xã Quỳnh Trang giãi bày. Đáp lại, ông Lê Đăng Mỹ, cán bộ địa chính xã lúc bấy giờ cho hay “nếu không đồng ý thì số tiền trên sẽ đóng vào kho bạc nhà nước”.
“Ngay từ đầu chúng tôi đã tỏ rõ thái độ không hài lòng với cách làm của chính quyền địa phương, việc áp giá đền bù không phản ánh đúng giá trị tài sản lúc đó. Sự việc kéo dài đã lâu nhưng chưa được xử lý dứt điểm, chúng tôi mong mỏi cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân thấp cổ bé họng”.
Trong vụ việc này còn nhiều điều khuất tất, chính sự nhập nhằng, cộng với thái độ thờ ơ của cấp lãnh đạo xã Quỳnh Trang là nguồn cơn đẩy sự việc lên cao trào. Trên thực tế, vợ chồng ông Miện đã không ít lần đề xuất tâm tư nguyện vọng, muốn làm rõ năm rõ mười nhưng đều không nhận được câu trả lờ thỏa đáng.
“Trước sau chính quyền các cấp đều lảng tránh và đùn đẩy cho nhau, tôi năm nay đã 83 tuổi rồi, chân đã chùn gối đã mỏi, với tình hình này có khi đến lúc chết sự việc vẫn chưa được đưa ra ánh sáng”, ông Miện não nề.
Vụ việc cũng liên quan đến anh Trần Quang Lịch, con trai của ông Miện. Anh Lịch được cha mình chuyển nhượng lại 8 sào đất, chẳng hiểu vì lý do gì mà số tiền đền bù của toàn bộ diện tích này lại được chuyển sang cho ông Nguyễn Hữu Nam, nguyên Bí thư xóm 10, xã Quỳnh Trang. Mãi 3 năm sau, ông Nam mới trả lại cho anh Lịch… 4 triệu đồng.
Phân lô bán nền
Gia đình ông Trần Quang Miện khẳng định, mục đích chính của việc thu hồi đất rừng là lấy đất để đắp đê Vực Mấu. Dù vậy khi hoàn tất hạng mục này thì cấp chính quyền lại quy hoạch để phân lô bán nền trên nền đất cũ, động thái này khiến họ cảm thấy bất bình khi tài sản bị “phù phép”, cướp mất một cách trắng trợn.
“Chủ trương của nhà nước chúng tôi sẵn sàng tuân thủ nhưng quyền lợi chính đáng của nhân dân cần được bảo vệ, trước họ thu hồi với mức giá rẻ mạt, nay lại quy hoạch thành đất ở để bán lại cho người có nhu cầu với khung giá cao chót vót, thử hỏi ai chấp nhận cho được”, bà Hồ Thị Xuân, vợ ông Miện không dấu nổi bức xúc.
Ông Lê Đăng Thăng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang xác nhận: Vị trí trên có tổng cộng 18 lô đất, tất cả đã được bán hết.
Trước thắc mắc của người dân về việc phần đa cán bộ địa phương được ưu tiên mua đất, ông Thăng khẳng định bản thân mình không nắm rõ vì mới nhận nhiệm vụ cách đây không lâu (?!).
Vụ việc tại Quỳnh Trang đến nay đã qua 3 đời chủ tịch xã nhưng mãi loay hoay như gà mắc tóc, kiện tụng kéo dài liên miên khiến niềm tin của người dân đã chạm đáy. Để sự thể không đi quá xa, nhất thiết các cấp ngành tỉnh Nghệ An cần có phương án chỉ đạo rốt ráo để sớm tháo gỡ nút thắt.