Đề phòng trước diễn biến khó lường của cơn bão Conson, tỉnh Nghệ An đang gấp rút triển khai các phương án ứng phó.
Ghi nhận đến 10h ngày 9/9 có 3.041/3.444 phương tiện tham gia đánh bắt trên biển đã về tránh trú an toàn, số còn lại dự kiến sẽ vào bờ trong chiều tối nay. Trên 50.000 ha lúa hè thu đã thu hoạch xong, chiếm 75% diện tích…
Ở một diễn biến khác, nhờ nắm bắt được diễn biến, mức độ và quy mô của cơn bão Conson nên các Công ty Thủy lợi trên địa bàn đều sẵn sàng “phương án tác chiến”. Kịch bản vận hành các trạm bơm tiêu, cống tiêu chính theo phương châm “gạn triều tiêu úng” để bảo vệ hoa màu, khu nuôi trồng thủy sản, đồng thời chống ngập úng ở vùng trũng cơ bản đã lên sẵn lịch trình.
Tương tự, các công trình thủy lợi đầu mối đang trong giai đoạn thi công như Bara đô Lương, Thủy lợi Bản Mồng và các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện khác cũng đang thực hiện nghiêm túc theo phương án phòng chống thiên tai đã được phê duyệt. Ngoài ra, các trục tiêu chính và cống tiêu cuối hệ thống đều đã có phương án tiêu úng khi xảy ra mưa lớn...
Ngày 9/9, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng đoàn công tác đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại một số địa phương để nắm bắt và có phương án chỉ đạo, đốc thúc kịp thời.
Tại huyện Diễn Châu, đoàn công tác đã kiểm tra quá trình vận hành, tiêu thoát tại cống tiêu Diễn Thành. Công trình thủy lợi đầu mối này có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho sản xuất và dân sinh của 2 huyện Diễn Châu và Yên Thành. 2 ngày qua, trên địa bàn huyện Diễn Châu xuất hiện mưa lớn, địa phương đã chủ động phối hợp để tiêu thoát nước.
Đoàn công tác cũng tiến hành kiểm tra tại các huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc, lúc này vẫn còn một số diện tích lúa hè thu chưa kịp thu hoạch xong. Hiện các cống tiêu trên hệ thống thủy lợi Nam đang vận hành tối đa công suất, phòng trường hợp sẵn sàng tiêu úng cho vùng nội đồng…
Sau khi nắm bắt tổng quan tình hình, ông Hoàng Nghĩa Hiếu yêu cầu các đơn vị thủy lợi phải tổ chức vận hành tốt hệ thống tiêu úng, hạ thấp mực nước nội đồng để đề phòng mưa lớn gây ngập úng. Riêng những diện tích lúa hè thu đã chín từ 70%, phải huy động nhân dân khẩn trương thu hoạch để hạn chế tối đa thiệt hại (nếu có) do mưa lũ gây ra.
Song song với đó, phải khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về bến, đảm bảo an toàn cho phương tiện tại các khu neo đậu. Chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan hết sức chủ động, có giải pháp cụ thể trong quá trình di dời người dân ở các khu vực ven biển, vùng ngập lụt và có nguy cơ sạt lở đất trong trường hợp cần thiết.
Tại các huyện miền núi, hiện các hồ chứa đã có thông báo xả lũ, phải chủ động phương án theo dõi, nắm chắc tình hình, diễn biến, qua đó kịp thời có các giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là vùng hạ du.
“Cơn bão Conson có đường đi phức tạp, vận tốc đang có chiều hướng tăng dần. Trước dự báo diễn biến chung, tỉnh nhận thấy phải chủ động trong mọi tình huống, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là”, ông Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh.
Xã Mường Típ, Mường Ải, Bảo Nam của huyện Kỳ Sơn; bản Bủng Xát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông; bản Xiềng Hương, xã Xá Lượng, bản Minh Phương, xã Lượng Minh, bản Tùng Hương, Tân Hương, xã Tam Quang, huyện Tương Dương... là những điểm có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn Nghệ An.