| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Không chủ quan trước bệnh Dại

Thứ Năm 10/10/2019 , 09:30 (GMT+7)

Nhận thấy hậu quả nghiêm trọng mà bệnh Dại gây nên, thời gian qua ngành thú y tỉnh Nghệ An đã chủ động xây dựng phương án ứng phó. Dù vậy nhiều địa phương vẫn hết sức chủ quan.

Bệnh dại chủ yếu lây qua chó.

Bệnh Dại (Rabies) là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở động vật máu nóng gây ra do 2 loại virus Lyssa và Vesiculo gây nên.

Virus dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, thậm chí cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng. Qua theo dõi thực tế, tính cảm nhiễm cao nhất lần lượt là chó, chó sói, mèo, cáo rồi đến trâu, bò, ngựa, lợn, lạc đà, khỉ, gấu và chuột. Trong số này, chó là loài bị mắc bệnh nhiều nhất với tỷ lệ trên 90%.

Động vật sau khi nhiễm vi rút dại có thời gian ủ bệnh khác nhau, có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng hoặc lâu hơn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh thường chia làm 2 thể, gồm thể điên cuồng và thể câm (bại liệt).

Trên thế giới, bệnh dại lưu hành tại hơn 150 nước, tập trung chủ yếu ở khu vực Châu Á và Châu Phi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 60.000 người chết vì bệnh Dại (99% trường hợp tử vong do lây truyền virus dại từ chó, bình quân cứ 10 người chết thì có đến 4 trẻ em ở ngưỡng dưới 15 tuổi).

Ghi nhận tại Việt Nam, bệnh Dại xuất hiện khá phổ biến ở nhiều địa phương với nguồn truyền bệnh chính là chó, bệnh lây chủ yếu qua vết thương do cắn hoặc vết cào của động vật có mầm bệnh. Điều đáng nói là mức độ tử vong do bệnh Dại đang duy trì ở mức cao, điển hình như năm 2018 cả nước có 66 người, còn 6 tháng đầu năm nay con số trên là 32 người.

Nghệ An là tỉnh nằm trong nhóm đầu với tổng cộng 64 người tử vong trong 6 năm trở lại đây. Chi tiết hơn, giai đoạn 2013 - 2015 trung bình mỗi năm có 10 ca tử vong, khoảng 7.000 người bị chó cắn phải tiến hành điều trị dự phòng. Năm 2018 số ca tử vong giảm (8 người) nhưng số phải điều trị dự phòng tăng mạnh, lên tới 10.367 người. Trong 9 tháng đầu năm 2019, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi có đến 6 người chết (thuộc các huyện Nam Đàn, Đô Lương, Diễn Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông) và 7.696 trường hợp phải điều trị dự phòng.

Nhận thấy bệnh Dại ngày càng diễn biến khó lường, thời gian qua Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã bám sát chủ trương, định hướng của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và PTNT, chính quyền địa phương và các cơ quan, ban ngành liên quan để xây dựng kế hoạch, chủ động phương án phòng chống.

Thông qua các phương tiện truyền thông, nhiều phóng sự chuyên đề đã được phát sóng rộng rãi để người dân biết được diễn biến, đặc tính và sự nguy hiểm của bệnh Dại, qua đó có các biện pháp phòng chống kịp thời. Cùng với đó, nhiều lớp tập huấn đã được mở để phổ biến các nội dung trọng tâm.

Xác định phòng bệnh hơn chữa bệnh nên việc giám sát dịch bệnh được đặt lên hàng đầu, tất cả các kịch bản cũng đã được tính đến. Trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh hoặc có người chết do bệnh Dại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, UBND huyện, xã  triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống bệnh Dại để người dân biết và cùng phối hợp thực hiện.

Mặc dù phía đơn vị chuyên ngành đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thống kê đàn chó nhưng việc quản lý đàn chó nuôi chưa được các chủ hộ chấp hành nghiêm túc, tình trạng chó thả rông vẫn phổ biến, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi. Nhìn chung các địa phương chưa áp dụng đầy đủ các chế tài để xử lý các trường hợp vi phạm.

Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, ông Ngô Đức Quỳnh cho biết: “Chính quyền địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng trong chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống bệnh Dại. Người dân cần phải hiểu rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của bệnh Dại gây nên, từ đó chủ động  thực hiện đầy đủ các biện pháp theo quy định. Bệnh có nét đặc thù, nếu chủ quan, lơ là thì hậu quả sẽ rất khó lường”.

Thực hiện kế hoạch phòng chống dịch hàng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chủ động với chính quyền địa phương triển khai công tác tiêm phòng vắc xin vào tháng 4, sau đó tiêm bổ sung vào tháng 9 và 10.

Kết quả tiêm phòng tương đối thấp, chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn. Chỉ một số ít thực hiện tốt, gồm các huyện Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Đô Lương với tỷ lệ trên 60%, ngược lại các huyện miền núi cao lại hết sức lơ là, qua ghi nhận chưa đạt nổi 30%.

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Bệnh tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì để kiểm soát đường huyết

Đối với bệnh nhân bị tiểu đường thì chế độ ăn uống phù hợp là điều cần được chú trọng.

Chữa đau đầu bằng ngải cứu nhanh chóng, hiệu quả

Ngải cứu được biết đến với khả năng xoa dịu cơn đau thần kinh, thúc đẩy tinh thần tỉnh táo, giảm mệt mỏi, và cải thiện lưu thông máu đến não.