| Hotline: 0983.970.780

Nghề “đi trể” trên phá Tam Giang

Thứ Tư 24/10/2012 , 09:58 (GMT+7)

Đi trể là một nghề, một phương thức đánh bắt đơn giản nhưng hiệu quả, khi mà những vuông lưới hiện đại chưa có sẵn như bây giờ.

Một thời, nghề “đi trể” trên phá Tam Giang (tỉnh TT-Huế) được xem như một phương thức chính để đánh bắt cá tôm cho ngư dân vùng đầm phá. Qua thời gian, những ngư cụ hiện đại xuất hiện với hiệu quả khai thác cao hơn, song người dân vùng đầm phá vẫn không quên được món nghề độc này.

Kỳ công

Thiên nhiên sông nước Tam Giang là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài thủy hải sản có giá trị lớn về kinh tế. Vùng sóng nước đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang) đã sản sinh ra rất nhiều nghề gắn liền với đầm phá. Trở về hai ngôi làng An Truyền (làng Chuồn) và Triều Thủy của xã Phú An không khó để bắt gặp hình ảnh ngư phủ người rám nắng, chênh vênh trên chiếc thuyền con đi trể kiếm tôm cá mưu sinh.

Nghề đi trể đã tồn tại và phát triển ở đây từ rất lâu. Theo những ngư phủ từng sinh sống, bươn chải trên đầm phá một thời với nghề này, thì từ thời ông cha của họ, nó đã có và trở thành phương thức SX chính để họ mưu sinh. Đi trể là một nghề, một phương thức đánh bắt đơn giản nhưng hiệu quả, khi mà những vuông lưới hiện đại chưa có sẵn như bây giờ.

Vừa trở về từ đầm Chuồn, lão ngư Hồ Đắc Vinh (65 tuổi, thôn Thủy Triều) tất tả thu gom ngư lưới cụ, van vê điếu thuốc nghỉ chân bên bờ đê. Hỏi về nghề đi trể, cụ bảo: “Công cụ chính của nghề là chiếc trể (hay thuyền trể), thường được đóng với chiều dài 12 - 15 m, chiều rộng khoảng 1 m và cao 0,8 - 1 m, nó được chia thành nhiều khoang với kích thước bằng nhau. Ở phần lái của chiếc trể người ta đóng một cái bệ có tên gọi là “bản cờ” (có hình dáng giống chữ H) với một thanh gỗ đóng ngang ngăn cách tạo thành hai ô rỗng hình vuông.


Đi trể là món "nghề độc" của cư dân phá Tam Giang

Hai ô này là điểm để đặt thanh đà mà người dân nơi vùng đầm phá quen gọi là “đòn ghanh”. Đòn ghanh thực chất là một thanh gỗ tròn dài khoảng 2 m, một đầu đặt vào một trong hai ô rỗng hình vuông ở bản cờ, đầu còn lại người ta mắc vào đó một hòn đá với khối lượng vừa đủ nặng để khiến chiếc trể nghiêng một góc nhất định theo ý của người làm nghề”.

Nghệ thuật đánh bắt thủy sản

Nghề đi trể là một sáng tạo của ngư dân vùng sông nước. Ông Vinh cho biết thêm, vật dụng thứ hai không kém phần quan trọng trong nghề đi trể đó chính là cây tre. Tre được chọn phải là tre già, thẳng, đặc và chắc nặng. Sau khi chọn được tre, người ta bỏ bớt một bên nhánh của cây tre. Nhánh tre được vót nhọn sau đó bổ dọc thành hai phần bằng nhau.

Chuẩn bị xong, người làm nghề buộc nó vào mép trên mạn của chiếc trể, phần nhánh tre hướng xuống phía dưới. Vật liệu cuối cùng cho một chuyến đi trể là cây bòng bong. Bòng bong là một loại dây leo hoang dã, mọc chằng chịt và đan ven vào nhau thành từng mớ, tận dụng những đặc tính đó, người dân nơi đây đã dùng nó đặt vào giữa các khoang của chiếc trể.

Theo những ngư phủ dày dạn kinh nghiệm, đi trể phải đi vào lúc thủy triều bắt đầu xuống, như vậy mới bảo đảm độ nghiêng của chiếc trể vừa đủ để những nhánh của cây tre chạm được vào mặt đất mà nước không thể tràn vào trong trể. Khi chiếc thuyền nghiêng, các nhánh tre chạm vào mặt đất, người làm nghề lội ở phía sau phần lái của chiếc trể, một tay họ đặt lên đầu của đòn ghanh để giữ độ nghiêng phù hợp, một tay họ bám vào phần lái của chiếc trể và đẩy nó đi.

So với các cách đánh bắt hủy diệt trên đầm phá, nghề đi trể vẫn mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nhưng không ảnh hưởng đến môi sinh của các loài thủy sản. Vì thế, cho đến nay, trải qua thời gian, nghề đi trể vẫn tồn tại, trở thành một nghề độc của cư dân vùng sông nước phá Tam Giang.

Chiếc trể di chuyển về phía trước, những nhánh tre khi chạm vào mặt đất sẽ tách ra làm hai phần, và cứ thế, trên quỹ đạo di chuyển của chiếc trể, những nhánh tre như những chiếc kẹp, những gọng kìm liên tục lia quét vào những sinh vật sống dưới nước mà nó gặp phải trên đường đi.

Những tôm, cá khi chạm vào các nhánh tre, với đặc tính và phản xạ bản năng vốn có, chúng búng nhảy ngược lên khỏi mặt nước và bị vướng vào những mớ bòng bong mà các người làm nghề đã xếp sẵn trong các khoang. Càng vùng vẫy, chúng càng lún sâu xuống dưới đáy của chiếc trể, không thể thoát ra ngoài. Đó chính là sự tài tình trong nghệ thuật sắp đặt và tiến hành của nghề đi trể.

Từ khi con nước chuẩn bị hạ cho đến khi nước bắt đầu lên, là chu kỳ của một lần đi trể. Sản phẩm thu được rất phong phú với nhiều loại tôm cá như: tôm rằn, tôm đất, tôm càng, tôm sú, cá kình, cá đối... trong đó chiếm phần lớn số lượng và có giá trị hơn cả là giống tôm rằn.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.