| Hotline: 0983.970.780

Nghị định 67 ở Hà Tĩnh: Khó cho vay thêm!

Thứ Sáu 09/11/2018 , 15:30 (GMT+7)

Xét về tầm vĩ mô, chính sách cho vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 được xem là “phao cứu sinh” cho những ngư dân thực sự muốn vươn ra biển lớn nhưng hạn chế về nguồn lực.

Tuy nhiên, quá trình triển khai hơn 4 năm qua cũng cần phải rà soát, đánh giá lại tính hiệu quả, bởi không ít tàu đưa vào hoạt động nhưng thua lỗ triền miên, thậm chí ngừng hoạt động.

15-47-45_nh4
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, toàn huyện Cẩm Xuyên chỉ có 1 chủ tàu tiếp cận được chính sách NĐ67


Bất bình đẳng trong ngư dân

Từ thực trạng hàng loạt chủ tàu cố tình chây ỳ không trả nợ, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hà Tĩnh (BIDV Hà Tĩnh) cho hay, nếu bây giờ và sắp tới các ngư dân khác có nhu cầu vay vốn đóng tàu công suất lớn BIDV Hà Tĩnh cũng không dám mạo hiểm giải ngân thêm. “Để có được hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép, cán bộ ngân hàng phải “nhặt” từng đồng trong dân, thậm chí huy động mấy chục ngàn đồng từ những tài khoản thẻ ATM. Bây giờ ngư dân chây ỳ trả nợ, ngân hàng chịu “thiệt đơn thiệt kép”, vừa không thu được lợi nhuận vừa phải trả lãi tiền huy động vốn thì vô lý quá”, đại diện BIDV Hà Tĩnh nói.

Theo phân tích của đại diện BIDV Hà Tĩnh, lâu nay ngư dân chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà quên đi hiệu quả lâu dài. Lấy ví dụ, khi Nhà nước cho vay vốn trong vòng 16 năm (1 năm không thu lãi) đóng mới chiếc tàu vỏ thép trị giá 13 tỷ đồng; lãi suất ngư dân phải trả theo quy định là 7%/năm (trong đó, Nhà nước hỗ trợ 6%/năm). Nếu ngư dân thực hiện trả nợ theo đúng cam kết thì năm thứ 2 họ chỉ phải trả lãi 120 triệu đồng, còn 720 triệu đã có nhà nước hỗ trợ (tổng tiền lãi năm thứ 2 là 840 triệu đồng). Tính bình quân trong vòng 15 năm chủ tàu được hỗ trợ tổng tiền lãi lên đến trên dưới 6,5 tỷ đồng.

15-47-45_nh1
Hệ lụy từ việc chây ỳ trả nợ của ngư dân đóng tàu NĐ67 khiến cho rất nhiều tàu cá khác trên địa bàn Hà Tĩnh khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để sửa chữa tàu, mua sắm ngư lưới cụ.

Đồng quan điểm với BIDV Hà Tĩnh, ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh cho rằng, chính sách của NĐ67 đã dành ưu đãi rất lớn cho chủ tàu, song không ít chủ tàu cố tình không thực hiện theo đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng, tạo ra tiền lệ xấu, gây bất bình đẳng trong ngư dân. Nói cho dễ hiểu hơn, bây giờ một chủ tàu ôm hàng chục tỷ đồng tiền hỗ trợ của nhà nước để đóng tàu vỏ thép vươn khơi nhưng quá trình sản suất lại không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trong khi đó, rất nhiều ngư dân có nhu cầu vay 50 – 70 triệu đồng tu sửa ngư lưới cụ lại không thể vay được vì bị ngân hàng từ chối.

“Thực ra cũng phải hiểu cho ngân hàng. Họ là doanh nghiệp kinh doanh thu lợi nhuận nuôi cán bộ, công nhân viên. Rủi ro từ việc cho vay vốn đóng tàu theo NĐ67 buộc họ phải dè chừng với tất cả các khoản vay của những ngư dân khác. Điều này đã tác động xấu đến hoạt động khai thác thủy sản, làm mất động lực sản xuất trong ngư dân”, ông Sơn nói.

Tàu được phê duyệt không mặn mà tham gia

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh, trong tổng số 10 tàu được UBND tỉnh phê duyệt chưa được vay vốn thì có 5 tàu NHTM đã từ chối cho vay, gồm: 1 tàu dịch vụ của Cty TNHH Tân Tân Phú (huyện Nghi Xuân); 4 tàu khai thác của các ngư dân Lê Văn Thắm, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Văn Hồng (Nghi Xuân) và Lại Thế Sơn (huyện Cẩm Xuyên). 5 tàu còn lại chủ tàu không gửi hồ sơ vay vốn đến ngân hàng.

Sở dĩ các chủ tàu không gửi hồ sơ vay vốn đến ngân hàng, bởi theo quy định tại NĐ17/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP) thì 5 chủ tàu này không thuộc diện được vay vốn theo Nghị định 67 mà được chuyển sang thực hiện chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư. Theo bà Bùi Thị Huệ, Trưởng phòng Tổng hợp nhân sự và kiểm soát nội bộ (Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh), Điều 4 - NĐ67 quy định, chủ tàu đóng mới tàu cá vỏ thép có thể vay vốn tối đa lên đến 95% tổng giá trị đầu tư. Để đóng một con tàu vỏ thép chủ tàu chỉ cần nộp đối ứng 5% tổng giá trị đầu tư, số tiền còn lại NHTM sẽ cho vay, nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo từng năm. Tuy nhiên, sau khi NĐ17 có hiệu lực, chủ tàu phải bỏ ra 100% kinh phí đóng mới tàu cá, sau đó nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ 1 lần sau đầu tư với định mức hỗ trợ tối đa không quá 8 tỷ đồng/tàu.

15-47-45_nh2
 Hiệu quả sản xuất của các tàu 67 đã hạ thủy hạn chế khiến cho các chủ tàu chưa vay vốn không còn mặn mà tham gia chương trình.

“Khi thực hiện đóng mới tàu theo NĐ67 để xoay xở 5% vốn đối ứng đã khó nay thực hiện theo NĐ17 ngư dân phải bỏ 100% vốn đóng tàu ngay từ đầu thì càng khó triển khai hơn”, bà Huệ nói, đồng thời cho biết, năm 2015 Chính phủ ban hành NĐ89 đã có quy định, hỗ trợ đóng mới tàu cá với định mức còn cao hơn NĐ17, tuy nhiên hầu hết ngư dân cũng không mặn mà, bởi nguồn lực đầu tư ban đầu của bà con rất hạn chế.

Đã hơn 4 năm triển khai NĐ67 và gần 1 năm thực hiện NĐ17 nhưng đến thời điểm này toàn huyện huyện Cẩm Xuyên mới có một chiếc tàu của ngư dân Tôn Đức Vinh, xã Cẩm Nhượng được vay vốn. Chiếc còn lại của ngư dân Lại Thế Sơn (xã Cẩm Nhượng) bắt đầu làm hồ sơ xin vay vốn từ đầu năm 2016 tại các ngân hàng: Ngoại thương Hà Tĩnh, BIDV Hà Tĩnh và NN-PTNT Hà Tĩnh, song ngân hàng nào cũng từ chối cho vay vì chủ tàu không chứng minh được khả năng tài chính theo quy định và tính hiệu quả sản xuất để trả nợ ngân hàng.

“Khi triển khai đóng mới tàu theo NĐ67, ngư dân chỉ phải đối ứng 5% giá trị con tàu đã khó tiếp cận nay thực hiện theo chính sách của NĐ17 lại càng bất khả thi. Đặc biệt, sau khi chứng kiến đội tàu vỏ thép đã hạ thủy than thở càng khiến cho 5 chủ tàu còn lại không mặn mà làm hồ sơ vay vốn”, ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên nói.

Vị Trưởng phòng cho rằng, chính sách đóng mới tàu theo NĐ17 chỉ thuận lợi cho những doanh nghiệp có tiềm lực thực sự, còn hộ gia đình thì rất khó. Ông Hà phân tích, để đóng một tàu cá 800 – 1.000 CV cần 12 – 15 tỷ đồng, thậm chí có những tàu lên đến 18 – 20 tỷ đồng, trong khi từ trước đến nay ngư dân Hà Tĩnh chủ yếu đánh bắt vùng lộng, đội tàu xa khơi cũng tám, chín phần đi tàu vỏ gỗ công suất nhỏ nên số tiền tích góp được sau mỗi chuyến vươn khơi không đáng kể. Vì thế, để chọn được nhân tố là hộ gia đình có đủ tiềm lực đóng nguyên con tàu trước khi nhận hỗ trợ đúng là “hiếm có khó tìm”.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân và ngân hàng trong việc thu hồi nợ, ngoài đồng ý với các giải pháp Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất, UBND huyện Lộc Hà đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét thực hiện các giải pháp hỗ trợ ngư dân trả nợ vay ngân hàng do quá trình quản lý, hoạt động đánh bắt không hiệu quả, phải nằm bờ do ngư trường không thuận lợi, thiếu lao động có trình độ kỹ thuật, giá xăng dầu cao…; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay. Đồng thời, có chính sách cho vay vốn hỗ trợ lãi suất chuyển đổi nghề khai thác đối với các chủ tàu hoạt động không hiệu quả, phải nằm bờ như chuyển đổi nghề câu sang rê. UBND huyện cũng đã có chính sách hỗ trợ 800 triệu đồng cho 2 tàu (400 triệu/chiếc) để khuyến khích phát triển sản xuất. Sau khi nhận kinh phí hỗ trợ, các hộ đã trực tiếp trả số tiền trên cho ngân hàng.

 

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất