| Hotline: 0983.970.780

Bạc Liêu: Bảo tồn và phát huy giá trị nghề muối trước Biến đổi khí hậu

Chủ Nhật 27/11/2022 , 08:33 (GMT+7)

Bạc Liêu thực hiện tái cơ cấu ngành muối, với Đề án Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghề muối.

Bạc Liêu xây dựng đề án tái nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030. Ảnh: PTC.

Bạc Liêu xây dựng đề án tái nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030. Ảnh: PTC.

Bảo tồn và phát huy giá trị nghề muối

Tỉnh Bạc Liêu được xem là địa phương có đủ điều kiện tự nhiên, đất đai thuận lợi cho sản xuất muối, với 56 km bờ biển, diện tích đất ngập mặn ven biển rộng lớn, nguồn nước biển dồi dào, hệ thống kênh rạch chằng chịt, cùng với thời tiết 2 mùa mưa nắng rõ rệt, đây điều kiện tự nhiên thuận lợi cho nghề làm muối phát triển. Đặc biệt, theo nghiên cứu của các nhà khoa học vùng đất Bạc Liêu là loại đất có kết cấu chặt, có độ bay hơi nước biển rất cao và độ hấp thụ nhiệt của đất rất mạnh, không có các vùng đá vôi ven biển nên muối không có vị đắng.

Nghề làm muối truyền thống có từ lâu đời hơn 100 năm, đã đi sâu vào lịch sử, tâm linh, việc sản xuất gắn với tập quán canh tác, mang đậm bản sắc của người dân Bạc Liêu. Các đồng muối có vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng phát triển du lịch nông thôn.

Sản phẩm muối ăn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ công nhận chỉ dẫn địa lý năm 2013 và cuối năm 2020, bên cạnh đó nghề làm muối tỉnh Bạc Liêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, và 10 sản phẩm từ muối được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 đến 4 sao.

Trong đó, 7 sản phẩm muối của Công ty CP Muối và thương mại Bạc Liêu đạt OCOP 4 sao: Muối tinh Bạc Liêu, Muối tôm Bạc Liêu, Muối chay Bạc Liêu, Muối hạt Bạc Liêu, Muối Iod Bạc Liêu, Muối ớt Bạc Liêu, Muối tiêu Bạc Liêu  và 3 sản phẩm muối của Công ty cổ phần muối Đông Hải đạt OCOP 3 sao: Muối hạt sạch, Muối hạt sạch sấy, muối tinh sấy iôt.

Ông Nguyễn Hoàng Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Nguyễn Hoàng Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Nguyễn Hoàng Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Hiện nay, sản phẩm muối đa dạng, Diêm dân cần cù, chịu khó, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất muối và có thể tạo ra loại muối rất tốt cho sức khỏe con người, khi dùng làm thức ăn hàng ngày. Với ưu điểm này, hiện nay, sản phẩm muối của Bạc Liêu đã chinh phục thành công các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc...

Thách thức trước BĐKH

Bên cạnh những mặt thuận lợi thì ngư dân tỉnh Bạc Liêu cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức của BĐKH. Theo đó, đặc điểm của nghề làm muối phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết tự nhiên, nên việc biến đổi khí hậu ảnh hưởng rõ nét trong sản xuất muối, trong những năm gần đây thường xuyên xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa gây thiệt hại lớn về sản lượng muối của diêm dân, từ đó dẫn đến năng suất muối giảm.

Bên cạnh đó, giá muối thấp, thu nhập từ nghề làm muối không mang lại hiệu quả kinh tế cao như những nghề khác, từ đó nhiều hộ diêm dân đã chuyển đổi diện tích sản xuất muối sang nuôi trồng thuỷ sản làm cho diện tích sản xuất muối ngày càng giảm. Tình trạng đô thị hoá cũng góp phần giảm diện tích đất sản xuất muối, một số địa phương chuyển đổi đất sản xuất muối sang các loại đất phi nông nghiệp.

Tỉnh Bạc Liêu có 10 sản phẩm từ muối được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 đến 4 sao. Ảnh: Trọng Linh.

Tỉnh Bạc Liêu có 10 sản phẩm từ muối được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 đến 4 sao. Ảnh: Trọng Linh.

Theo đó, giá muối trong vụ mùa 2021-2022 cao hơn so với cùng kỳ, giá muối tăng chủ yếu vào cuối vụ do sản lượng thu hoạch thấp, lượng muối tồn trữ trong dân còn rất ít. Giá muối đen giá thấp nhất 800 đ/kg và cao nhất 1.500 đ/kg, giá muối trắng giá thấp nhất 1.200 đ/kg và cao nhất 2.000 đ/kg. Người sản xuất muối thủ công cơ bản đang bán muối thô, chất lượng thấp nên giá bán thấp.

Nếu diện tích sản xuất muối năm 2022 là 1.411 ha (Năm 2011 toàn tỉnh có hơn 3.000 ha sản xuất muối, thì đến năm 2015 giảm xuống chỉ còn hơn 2.600 ha), diện tích giảm dần trong những năm gần đây do thu nhập từ sản xuất muối thấp, người dân đã dần chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.

Việc diêm dân sản xuất muối theo phương pháp phơi nước phân tán truyền thống trên nền đất, khi hạt muối kết tinh bị lẫn nhiều tạp chất, chất lượng muối chưa đáp ứng được cho các ngành công nghiệp sản xuất hoá chất và y tế. Sản phẩm muối của Bạc Liêu nói riêng, Việt Nam nói chung ngày càng bị cạnh tranh về chất lượng và giá cả với các sản phẩm muối đến từ các quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ…

Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất muối là một nhu cầu tất yếu, giúp nâng cao sản lượng, chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường cả trong lẫn ngoài nước. Những năm gần đây, diêm dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất muối chất lượng cao bằng phương pháp trải bạt nhựa trên sân kết tinh. Ứng dụng phương pháp sản xuất này không chỉ mang lại năng suất gấp đôi mà muối cũng được bán với giá cao hơn so với phương pháp sản xuất truyền thống vì chất lượng tốt hơn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Quốc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Huy Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải, không có nhiều diêm dân áp dụng phương pháp này bởi chi phí đầu tư vượt quá khả năng của người dân.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến muối. Ảnh: Trọng Linh.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến muối. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Thực hiện tái cơ cấu ngành muối, tỉnh đã phê duyệt Đề án Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030. Theo đó, mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 duy trì diện tích sản xuất muối của tỉnh là 1.500ha, sản lượng muối đạt 55.000 tấn/năm; trong đó, diện tích muối kết tinh trên nền trải bạt 120ha.

Theo ông Thiều, đối với sản xuất muối thủ công, tỉnh đã định hướng cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối, nhất là hệ thống thủy lợi. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến muối, tăng năng suất tối thiểu 20%, nâng cao giá trị các sản phẩm muối, đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối, máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến muối gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, khẳng định với những giải pháp như vậy, nghề muối của địa phương sẽ có cơ hội phát triển trong thời gian tới. Khi ấy diêm dân mới gắn bó, yên tâm phát triển sản xuất và như vậy nghề sản xuất muối mới có thể được duy trì, chứ không phải chịu cảnh bấp bênh như lâu nay.

Mặt khác, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu tập trung hướng dẫn hỗ trợ các dự án xây dựng các mô hình liên kết ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và thích ứng với BĐKH trong sản xuất muối; ưu tiên cao cho dự án nghiên cứu sản xuất chế biến muối sạch, an toàn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, sản xuất chế biến muối biển nhạt nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng NaCl thấp có lợi cho sức khỏe.

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.