| Hotline: 0983.970.780

Cả xã tin dùng vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Hai 30/12/2024 , 14:14 (GMT+7)

SƠN LA Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, huyện Phù Yên đã có bước ngoặt lớn trong công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.

Huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, đang trở thành một điển hình trong công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi nhờ tinh thần trách nhiệm cao của chính quyền và người dân, cũng như sự tin tưởng tuyệt đối vào hiệu quả của vacxin.

Công tác thanh kiểm tra các hộ nuôi lợn sau khi tiêm được diễn ra thường xuyên. Ảnh: ĐB.

Công tác thanh kiểm tra các hộ nuôi lợn sau khi tiêm được diễn ra thường xuyên. Ảnh: ĐB.

Hành trình đối phó với đại dịch

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tại Phù Yên từ năm 2020 và kéo dài đến 2023, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Trong giai đoạn này, toàn huyện ghi nhận 5.349 con mắc bệnh, phải tiêu hủy tới 263 tấn. Xã Huy Thượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với nhiều đợt dịch, trong đó các năm 2021 và 2023 lần lượt tiêu hủy 4 tấn và 2 tấn lợn.

Ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phù Yên chia sẻ: “Giai đoạn từ năm 2021, là thời điểm dịch hoành hành khốc liệt, thêm vào đó là ảnh hưởng của dịch Covid. Nhiều hộ phải bỏ chăn nuôi lợn, chuyển sang làm công ty để sinh kế. Vài thời điểm, muốn mua lợn ăn phải đợi hàng từ dưới xuôi”.

Trước tình hình đó, chính quyền huyện đã nhanh chóng hành động, tổ chức họp khẩn để quán triệt và triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Các phương án cụ thể bao gồm khoanh vùng dịch, lập chốt kiểm dịch động vật, cấm giết mổ gia súc trong vùng dịch, và tổ chức tuyên truyền đến từng hộ dân về các triệu chứng, đường lây lan của bệnh.

Năm 2023 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi vacxin dịch tả lợn Châu Phi được đưa vào thử nghiệm tại huyện Phù Yên. Loại vacxin AVAC ASF LIVE, do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sản xuất, đã mang lại kết quả tích cực sau những đợt tiêm phòng đầu tiên.

Toàn bộ 667 con lợn được tiêm vắc xin phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tại hai xã Huy Thượng và Huy Tân đã được xuất bán ra thị trường mà không ghi nhận bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Ông Lường Văn Xứng năm nay đã tái đàn 3 lần, với số lượng lên đến hàng chục con, yên tâm chăn nuôi mà không còn phải lo về dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Đức Bình.

Ông Lường Văn Xứng năm nay đã tái đàn 3 lần, với số lượng lên đến hàng chục con, yên tâm chăn nuôi mà không còn phải lo về dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Đức Bình.

Để đánh giá hiệu quả của vắc xin, vào ngày 20/02/2024 (28 ngày sau khi tiêm), Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp đã tiến hành lấy 20 mẫu máu từ đàn lợn tại xã Huy Thượng gửi đến Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương để xét nghiệm kháng thể.

Kết quả xét nghiệm, được trả lời qua phiếu số 845/CĐ-XN ngày 22/02/2024, cho thấy toàn bộ 20 mẫu máu đều dương tính với kháng thể dịch tả lợn Châu Phi, đạt tỷ lệ đáp ứng miễn dịch 100%. Điều này khẳng định vacxin đã phát huy hiệu quả cao, giúp bảo vệ đàn lợn trước nguy cơ dịch bệnh.

Ông Lường Văn Xứng, bản Ban, xã Huy Thượng chia sẻ: “Từ khi tiêm vacxin đến giờ, lợn nhà tôi vẫn khỏe mạnh, không còn xảy ra dịch bệnh. Gia đình tôi cứ tái đàn sẽ tiêm phòng dịch tả lợn Châu Phi để đảm bảo kinh tế”.

Như gia đình ông Xứng, mỗi khi tái đàn, gia đình đều chủ động tiêm phòng cho lợn con khi chúng đạt 4 tuần tuổi. Các thành viên trong bản cũng tích cực tìm hiểu thông tin về vacxin tả lợn Châu Phi, đảm bảo an toàn cho đàn lợn.

Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, lợn chết hàng loạt, và giá một liều tiêm vacxin khoảng 60.000 đồng, cộng thêm chi phí tái đàn, đã khiến nhiều hộ dân gặp khó khăn về tài chính. Trước tình hình đó, huyện đã đưa ra cơ chế hỗ trợ 100% tiền tiêm vacxin, dự trù khoảng kinh phí đền bù phòng trường hợp xấu xảy ra với đàn lợn, giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn và khôi phục chăn nuôi.

Cán bộ trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên đến kiểm tra tình hình sức khỏe đàn lợn của các hộ trong xã. Ảnh: Đức Bình.

Cán bộ trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên đến kiểm tra tình hình sức khỏe đàn lợn của các hộ trong xã. Ảnh: Đức Bình.

Lan tỏa ý thức tiêm phòng

“Không còn phải bắc loa gọi, hay giới thiệu gì nhiều, các hộ trong xã tự tìm hiểu, đăng ký để được tiêm vacxin tả lợn Châu Phi”, bác Xứng kể lại.

Nhờ sự thành công của giai đoạn đầu, huyện Phù Yên tiếp tục triển khai tiêm phòng giai đoạn 2 theo hình thức xã hội hóa. Giá vacxin khoảng 60.000 đồng/liều, mức chi phí mà hầu hết các hộ dân giờ đây đã đáp ứng được.

Những hộ chăn nuôi bắt đầu tăng quy mô đàn lợn để phục vụ nhu cầu thị trường. Anh Lò Văn Thỏa tại xã Huy Thượng chia sẻ: “Nhờ các hộ trong xã tiêm phòng đầy đủ, tôi cảm thấy yên tâm nuôi thêm nhiều lợn giống. Hy vọng trong tương lai, vacxin sẽ được áp dụng cho cả lợn nái để việc chăn nuôi càng ổn định hơn”.

Một số hộ dân trong xã đã tự tiến hành thử nghiệm tiêm cho lợn nái, nhưng chưa ghi nhận bất kỳ vấn đề bất thường nào. Nếu trong năm tới, các công ty sản xuất vacxin đưa ra được các báo cáo chi tiết và đạt yêu cầu về tính an toàn và hiệu quả khi tiêm cho lợn nái, xã sẽ nhanh chóng triển khai để người dân áp dụng sớm nhất.

Tuy nhiên, vấn đề khác nảy sinh với các hộ chăn nuôi có nhu cầu tái đàn: thường họ sẽ không mua lợn con đã được người bán tiêm phòng mà muốn tự tiêm để đảm bảo kiểm soát. Lý do lợn con chưa được tiêm phòng thường có giá 1,1 triệu đồng/con, trong khi lợn đã được tiêm vacxin bán thường có giá cao hơn, khoảng 1,3 triệu đồng/con. Điều này gây khó khăn trong việc mua bán vì không thể kiểm tra chính xác việc tiêm phòng của lợn trước khi mua. Do đó, các hộ thường chọn mua lợn chưa tiêm và tự tiêm tại nhà.

Vacxin AVAC ASF LIVE.

Vacxin AVAC ASF LIVE.

“Để đảm bảo hiệu quả, công tác tiêm phòng đòi hỏi sự hỗ trợ của các thú y viên có chuyên môn. Các bước tiêm, từ bảo quản đến kỹ thuật, đều cần tuân thủ quy trình nghiêm ngặt để vacxin phát huy tác dụng”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phù Yên chia sẻ.

Công tác tuyên truyền được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Nhờ các phương tiện như loa phát thanh, xe lưu động, và các buổi họp dân, bà con không chỉ hiểu rõ cách phòng chống dịch bệnh mà còn nhận thức được lợi ích kinh tế từ việc tiêm phòng. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng giấu dịch và sự e ngại khi sử dụng thịt lợn, góp phần ổn định tâm lý và phát triển chăn nuôi bền vững.

Vacxin AVAC ASF LIVE là loại nhược độc đông khô, được sản xuất bởi Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam. Sau khi tiêm, lợn sẽ bắt đầu phát triển khả năng miễn dịch với dịch tả lợn châu Phi trong khoảng 2 - 4 tuần. Thời gian miễn dịch kéo dài ít nhất 5 tháng, đảm bảo hiệu quả bảo hộ lâu dài. Vacxin được tiêm trực tiếp vào bắp thịt và chỉ định cho lợn thịt, giúp bảo vệ đàn lợn hiệu quả và ổn định trong giai đoạn phát triển.

Xem thêm
Nuôi vịt biển trên cù lao Tân Phú Đông

Tiền Giang Sau nhiều năm nuôi trên vùng đất mặn Tân Phú Đông, vịt biển có khả năng uống nước có độ mặn dưới 19 phần ngàn.

Trồng 6ha 'cây ăn quả nhà giàu', lãi 2 tỷ đồng mỗi năm

HÒA BÌNH Cam Canh và cam Vinh là cây trồng khó tính, được ví như 'cây nhà giàu', song nhờ tuân thủ quy trình canh tác chặt chẽ nên anh Cường vẫn lãi hơn 2 tỷ đồng/năm.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.