Chỉ có 1 tàu cá neo đậu cố định
Cảng cá Cửa Hội được xây dựng từ giữa năm 1997, đến đầu năm 2001 chính thức hoàn thành đưa vào sử dụng, công trình này có tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng. Qua 15 năm hoạt động, hệ thống cơ sở hạ tầng của cảng cá đã xuống cấp thấy rõ, quy mô cầu cảng cơ bản không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra, đặc biệt là việc neo đậu và bốc dỡ hàng hóa.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Nghệ An và ngành nông nghiệp địa phương đã đề xuất bố trí kinh phí để nâng cấp, mở rộng. Xét thấy tính chất cấp thiết, Trung ương đã chấp thuận chủ trương phê duyệt kinh phí hơn 106 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng cảng cá Cửa Hội vào năm 2018. Nhờ được “tiếp sức” kịp thời, diện mạo cảng cá đã được nâng tầm thấy rõ, có điều hiệu quả hoạt động lại không thực sự tương xứng, nhất là những năm gần đây.
Qua tìm hiểu được biết, hơn 5 năm trước, cảng cá Cửa Hội là điểm neo đậu “hot” bậc nhất trên địa bàn Nghệ An, được phương tiện nghề cá trong và ngoài tỉnh ưu tiên chọn lựa. Lúc đỉnh điểm, tàu thuyền ra vào không ngớt, tình hình sản xuất, kinh doanh thuận lợi đã tạo điều kiện phát triển rầm rộ các loại hình dịch vụ đi kèm. Điều này cũng góp phần tạo nguồn thu ổn định cho Ban quản lý cảng cá Nghệ An - đơn vị quản lý cảng cá Cửa Hội.
Tuy nhiên, số lượng tàu thuyền cập cảng cá Cửa Hội thưa thớt dần. Riêng 2 năm trở lại đây, cảng chỉ là nơi “quá cảnh” của một số phương tiện vừa và nhỏ vào tiếp nhiên liệu là chính, trong khi tàu cỡ lớn neo đậu cố định chỉ duy nhất… 1 chiếc.
Ông Nguyễn Đình Thi, phụ trách cảng cá Cửa Hội đi thẳng vào vấn đề: “Hệ thống cửa lạch ngoài phao số 1 và phao số 2 đang bị bồi lấp nghiêm trọng, phương tiện di chuyển gặp nhiều khó khăn nên các chủ tàu không mặn mà ra vào cảng, đặc biệt là tàu ngoại tỉnh. Không tính tàu chuyên dụng của lực lượng vũ trang, biên phòng, hơn 1 năm nay chỉ có tàu vỏ gỗ đóng theo Nghị định 67 của ông Nguyễn Sỹ Thiết vào neo đậu”.
Ông Thi khẳng định, thực trạng này hoàn toàn trái ngược so với thời điểm ngành thủy sản Việt Nam bị EC cảnh báo "thẻ vàng" về khai thác IUU. Sau khi bị cảnh báo "thẻ vàng", ngành thủy sản cả nước tập trung đẩy mạnh công tác chống khai thác IUU, trong đó ưu tiên việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng hóa qua cảng. Lực lượng chuyên môn làm “rát”, kết hợp luồng lạch ra vào bất thuận khiến các chủ tàu chùn chân, về sau họ ưu tiên mua bán tại các bến cá nhân dân vốn khá lỏng lẻo trong công tác quản lý.
Mòn mỏi tìm lối thoát
Phạm vi luồng lạch nêu trên thuộc quản lý của Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc. Mặc dù Ban quản lý cảng cá Nghệ An và các đơn vị liên quan đã nhiều lần nêu rõ thực trạng, qua đó kiến nghị xử lý, khơi thông dòng chảy, tuy nhiên đến nay mọi thứ cơ bản vẫn lặng như tờ. Sự thể không thông làm liên đới đến nhiều bên.
“Trong phạm vi cảng có khoảng 20 doanh nghiệp kinh doanh đủ mặt hàng, từ thu mua sản phẩm hải sản đến bán xăng dầu, đá lạnh…, mọi thứ không thuận khiến ngành nghề dịch vụ hậu cần rơi vào cảnh đình trệ. Cảng cá cũng giống như bến xe, không có phương tiện ra vào tất sẽ thiếu hụt trầm trọng nguồn thu.
Nếu thuận tiện, mỗi tàu cá cập cảng thu về 100.000 đồng/lượt, hàng hóa thủy sản thu 20.000 đồng/tấn, ngoài ra các mặt hàng khác là 8.000 đồng/tấn, sau khi hạch toán đơn vị được giữ lại một phần để chi lương và một số đầu việc khác”, ông Nguyễn Đình Thi cho biết.
Trước đây khi tàu thuyền ra vào tấp nập, cảng cá bố trí đến 6 người trực vận hành kiêm bảo vệ, quán xuyến chung. Do nguồn thu trồi sụt nên đơn vị này buộc phải cắt giảm nhân lực, hiện chỉ giữ lại 3 người dưới dạng lao động hợp đồng, luân phiên mỗi người trực 1 ngày 1 đêm. Khối lượng đầu việc giảm tải đi nhiều nhưng vẫn phải dàn quân cáng đáng nhiệm vụ chuyên môn 24/24, đó là nút thắt dai dẳng tại cảng cá Cửa Hội suốt bấy lâu.
Nhân đây chúng tôi cũng trao đổi với ông Nguyễn Sỹ Thiết, chủ tàu cá “độc nhất” đang neo đậu tại cảng Cửa Hội. Chẳng ngại ngần, ông Thiết bày tỏ quan điểm:
“So với vài năm trước luồng lạch đã lệch trên 2 hải lý, dịch chuyển sát khu vực đảo Ngư, qua quá trình bồi lắng đã hình thành những cồn cát dài dằng dặc, điều này gây muôn vàn khó khăn cho chúng tôi. Chiều ra còn đỡ, gay go nhất là những thời điểm tránh trú gió bão, lắm khi cấp bách nhưng nước cạn đành bó tay. Tại cửa lạch này nhiều thuyền nhỏ mắc cạn, sau đó bị sóng đánh chìm, bản thân tôi đã có lần cùng cảnh sát biển trực tiếp ra ứng cứu”.
Bà Mai Thị Thao, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp (Ban quản lý cảng cá Nghệ An) cô đọng tình hình trong 2 năm qua của cảng cá Cửa Hội: Trong diện biên chế giảm 2 người, 1 người khác xin nghỉ hưu trước tuổi, riêng hợp đồng ngắn hạn thì ra vào thường xuyên, không cố định. Nhìn chung đồng lương không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, như trường hợp của ông Nguyễn Đình Thi, dù thâm niên trong nghề hơn 18 năm rồi, thời điểm nghỉ hưu đã cận kề nhưng tổng thu nhập hàng tháng chỉ hơn 8 triệu đồng.