Ngư dân ra khơi ngóng chờ con nước. Nhưng đó là những con nước báo hiệu các dòng cá di chuyển giữa biển đông. Còn ngư dân ra vào luồng lạch cảng cá Cửa Tùng, chỉ khi thủy triều lên cao họ mới có thể dong thuyền ra khơi. Tàu cập cảng cũng phải nhắm lúc thủy triều dâng. Đến khổ!
Nỗi khổ ấy đã kéo dài từ hàng chục năm nay dường như chưa có lời giải.
Nắng như đổ lửa nhưng gần 12 giờ trưa, ngư dân Phan Thanh An, trú tại thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) vẫn cặm cụi cùng mấy người thợ sửa lại con tàu để mong sớm ngày ra khơi đánh bắt.
Đã 20 ngày nay, ông An, chủ con tàu mang số hiệu QT-21048 và các thuyền viên phải nằm bờ. Chừng ấy ngày trong vụ cá Nam, ông An thất thu hàng chục triệu đồng.
Trước đó, vào ngày 25/3, con tàu mang số hiệu QT-21048 đang di chuyển vào bờ, khi chỉ còn cách cảng Cửa Tùng 2,6 hải lý thì bị sóng đánh chìm.
Chủ tàu và các thuyền viên được cứu sống ngay trước lưỡi hái thủy thần. Con tàu được lai dắt vào cảng Cửa Tùng nhưng đúng thời điểm thủy triều xuống thấp. Nhiều tàu thuyền cùng hàng trăm ngư dân đã ra sức hỗ trợ.
Biết là con tàu khi trượt qua những bãi cát sẽ hỏng hóc nhưng nếu để ngâm thêm một con nước, máy móc sẽ không thể cứu vớt, ông An đành tặc lưỡi kéo tàu lên bờ.
“Tổng chi phí sửa chữa đợt này hết 300 triệu. Nhưng nếu luồng lạch cảng cá không bị bồi lấp thì ván, thoen và chân vịt sẽ không phải chi phí thêm 60 triệu đồng nữa. Đã bị chìm tàu lại gặp đúng lúc thủy triều xuống thấp, đúng là không còn gì đen hơn nữa”, ông An chua xót.
Thế nhưng, đó chưa phải là nỗi lo duy nhất của ngư dân thường xuyên ra vào cảng cá Cửa Tùng. Từ nhiều năm nay, việc ra khơi của ngư dân ở đây phụ thuộc hoàn toàn vào thủy triều.
“Nếu có kế hoạch ra khơi vào buổi chiều thì ngay từ sáng sớm, các thuyền cá phải ra khỏi luồng lạch cảng cá Cửa Tùng đúng thời điểm thủy triều lên cao. Nằm ăn, nằm chờ ngoài cửa lạch đến lúc xuất phát không chỉ tốn đá lạnh, tốn sức người mà còn có thể đối diện với nhiều nguy cơ rủi ro từ biển cả.
Còn lúc tàu cập cảng, nếu chỉ chậm một tích tắc, nhiều tàu phải chờ ở ngoài lạch 5-6 giờ đồng hồ mới cập được cảng. Lúc đó, cá giảm chất lượng, ngư dân không có thời gian nghỉ ngơi cho chuyến biển mới”, lão ngư Phan Thanh An buồn bã.
Thường xuyên phải đối mặt với luồng lạch cảng cá bị bồi lấp, ngư dân ra vào cảng cá Cửa Tùng phải tốn chi phí hàn thêm ky (làm bằng inox để bảo vệ chân vịt khi va vào cát). Tuy nhiên, nhiều tàu do đêm tối đâm phải bãi cát, không những ky và chân vịt hỏng mà còn bị thủng cả mạn thuyền.
Đại diện UBND thị trấn Cửa Tùng cho biết, tình trạng luồng lạch cảng cá bị bồi lấp đã xuất hiện từ hàng chục năm nay.
Thời gian qua, luồng lạch cảng cá Cửa Tùng đã được nạo vét nhưng chẳng bao lâu lại bị bồi lấp. Thực tế cho thấy, nếu luồng lạch cảng cá Cửa Tùng được nạo vét thì bãi tắm Cửa Tùng lại bị khoét sâu, việc phát triển tiềm năng du lịch gặp khó khăn.
Còn nếu không khơi thông luồng lạch, không những tàu cá tỉnh bạn không cập cảng mà tàu cá ngư dân địa phương cũng không có nơi bốc dỡ hàng hóa, tiếp vật tư nhiên liệu. Công tác xuất nhập cảng, cập nhật tình hình ra khơi của ngư dân cũng sẽ rất khó khăn.
Theo thống kê của UBND thị trấn Cửa Tùng, từ đầu năm 2023 đến nay có 14 chủ tàu thuyền nội tỉnh, 9 chủ tàu thuyền ngoại tỉnh thường xuyên ra vào cảng Cửa Tùng viết đơn cầu cứu, đề nghị chính quyền nạo vét, khơi thông luồng lạch. Trước tình hình trên, UBND thị trấn Cửa Việt đã làm tờ trình gửi UBND huyện Vĩnh Linh.
Sau khi nhận đơn của ngư dân, UBND huyện Vĩnh Linh đã về kiểm tra tình hình sau đó đã cùng Ban Quản lý cảng cá Cửa Tùng gửi công văn lên Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị mong tìm giải pháp khắc phục.
Tuy nhiên, để ngành chức năng tỉnh Quảng Trị tìm ra giải pháp “nhất cử lưỡng tiện” trong tình cảnh này không hề đơn giản.
Cần 7 tỷ đồng để nạo vét luồng lạch cảng cá Cửa Tùng
Khu vực cảng Cửa Tùng mỗi ngày có trên 100 lượt phương tiện ra vào, chủ yếu là các tàu cá dưới 60 CV; tàu 400 CV và tàu chở hàng trên 10 tấn không thể ra vào. Việc nạo vét để tàu cập cảng và tiêu thoát lũ hết sức cần thiết. Tháng 12/2022, Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị đã đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam bổ sung hạng mục nạo vét bãi cạn Cửa Tùng (Km0 đến Km2 sông Bến Hải), khối lượng nạo vét dự kiến khoảng 50.000 m3, kinh phí dự kiến khoảng 7 tỷ đồng.