| Hotline: 0983.970.780

Nghiên cứu KH-CN lâm nghiệp: Tránh làm đề tài rồi "đắp chiếu"

Thứ Sáu 19/12/2014 , 13:23 (GMT+7)

Nghiên cứu KH-CN trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt về giống lâm nghiệp đang thuộc hạng yếu nhất trong ngành nông nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ có khoảng 8-10% số công trình nghiên cứu được đưa vào áp dụng trong SX.

Thực trạng đáng buồn này đã được các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lí đưa ra mổ xẻ tại Hội thảo xác định ưu tiên nghiên cứu phục vụ tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp được Bộ NN-PTNT tổ chức hôm qua (18/12).

Chỉ thấy keo, bạch đàn

Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp giai đoạn 2013-2020 đã chỉ ra mục tiêu đưa ngành lâm nghiệp nước ta từng bước chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và tăng năng lực cạnh tranh, tăng thu nhập cho người trồng rừng.

Theo đó, mục tiêu cụ thể là tăng giá trị SX bình quân 4-4,5%/năm bằng các giải pháp nâng cao chất lượng rừng, đặc biệt là rừng trồng gỗ lớn có giá trị hàng hóa theo hướng thương mại. Đề án đặt mục tiêu nâng trữ lượng rừng tự nhiên lên mức 4-5 m3/ha (tăng 25% so với hiện nay), tăng năng suất rừng trồng lên mức bình quân 15 m3/ha/năm, trong đó tỉ lệ gỗ thương phẩm bằng 80% trữ lượng và phấn đấu đạt 40% gỗ lớn, 60% gỗ nhỏ...

Một trong những vấn đề then chốt để thực hiện những mục tiêu này, đó là phải giải quyết được vấn đề giống cây lâm nghiệp gỗ lớn có giá trị, tăng trưởng nhanh, mà trước mắt là phải đưa tỉ lệ giống mới được công nhận vào SX lên từ 60-70% vào năm 2020, trong đó giai đoạn 2013-2020 phải tạo được ít nhất 10-15 giống mới. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng nghiên cứu giống lâm nghiệp hiện nay, xem ra để thực hiện được mục tiêu này là bài toán nan giải.

GS.TS Nguyễn Xuân Quát (Viện Quản lí rừng bền vững và Chứng chỉ rừng) cho biết: Tính đến năm 2014, đã có tổng cộng tới 192 giống lâm nghiệp mới được công nhận, gồm 27 giống quốc gia và 165 giống tiến bộ kỹ thuật.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là trong 10 năm qua, theo đánh giá chỉ có khoảng 30% số giống mới này được đưa vào ứng dụng trong SX. Đáng nói là trong số này, chiếm hầu hết vẫn là các giống phổ thông như keo, bạch đàn, tràm...

Đề xuất cho phương hướng nghiên cứu giống trong giai đoạn tới, nhiều quan điểm trái chiều đã được đưa ra. TS Nguyễn Hoàng Nghĩa (Viện KHLN Việt Nam) cho rằng, nhóm cây rừng trồng chủ lực giai đoạn tới vẫn nên xác định gồm một số giống như keo lá tràm, keo tai tượng, keo lai; một số giống bạch đàn như bạch đàn Uro, bạch đàn lai và một số giống thông...

Theo đó cần tiếp tục đầu tư cho việc chọn giống năng suất, chất lượng, chống chịu nhằm tăng năng suất khoảng 1,5 lần cho nhóm cây này, đồng thời ứng dụng công nghệ sinh học vào chọn giống như chuyển gen sinh trưởng, gen kháng bệnh, chọn tam bội, cấy phôi sô-ma...

Theo TS Nguyễn Quang Dương, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN-PTNT), hiện ngành lâm nghiệp cũng đã xây dựng hàng chục mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và mô hình chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn đối với keo lai và keo tai tượng tại 6 tỉnh gồm Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Đăk Nông và Cà Mau với diện tích mỗi mô hình khoảng 20 ha.

Ông Phạm Đức Tuấn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho rằng, việc xác định sản phẩm chiến lược cho ngành lâm nghiệp mới là vấn đề quan trọng nhất. “Tại sao lại phê phán chúng ta chỉ có nghiên cứu ra toàn giống keo và bạch đàn? Brazin, Chile họ chỉ đầu tư mỗi cây bạch đàn thôi, năng suất gỗ tới 50-70 m3/ha/năm. Malaysia họ chỉ chú trọng mỗi cây cọ, mỗi năm đem về tới 25 tỉ USD. Vấn đề không phải là giống gì mà là chúng ta xác định cây nào có thế mạnh chủ lực. Keo hay bạch đàn mà tốt, cạnh tranh được, đem lại hiệu quả cao thì tại sao lại phê phán?” – ông Tuấn nêu quan điểm.

Trái với quan điểm ông Tuấn, GS.TS Nguyễn Xuân Quát phản biện: Về chọn loài, đến nay chúng ta đã chọn được 146 loài và giống cây lâm nghiệp, trong đó có 58 loài và giống cây chủ yếu cho rừng SX và rừng phòng hộ có chất lượng rất tốt, điều này cho thấy không hẳn chúng ta thiếu bộ giống lâm nghiệp tốt, sinh trưởng nhanh, khỏe, chống chịu, cho gỗ lớn, chất lượng cao...

Tuy nhiên lâu nay, việc chọn giống mới bản địa để đưa ra SX không được chú trọng, mà chủ yếu đi nhập ngoại các loài keo, bạch đàn ưa sáng, mọc nhanh về trồng theo kiểu “ăn xổi”. Điều này đang khiến bạch đàn, và nhất là keo đang trở thành cây lâm nghiệp phủ kín khắp mọi nơi.

90% đề tài “đắp chiếu” đang ở đâu?

Vì sao số lượng đề tài nghiên cứu, đặc biệt về giống lâm nghiệp không thiếu, nhưng tỉ lệ ứng dụng thực tiễn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay? Ông Phạm Đức Tuấn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho rằng, cơ chế nghiên cứu đang khiến hàng loạt các đề tài khoa học lâm nghiệp đắp chiếu.

Theo ông Tuấn, nghiên cứu cây lâm nghiệp có đặc thù khác hẳn với các lĩnh vực khác như trồng trọt, chăn nuôi khi đòi hỏi phải có đầu tư lớn, thời gian dài, cần quỹ đất thực nghiệm rất lớn.

Cụ thể, một đề tài nghiên cứu giống lâm nghiệp chí ít cũng phải cần 10 ha đất, thậm chí có đề tài phải cần tới 80-100 ha đất thực nghiệm, tuy nhiên để tìm ra diện tích đất như vậy hiện nay không dễ.

Về thời gian, ông Tuấn cho rằng việc bó buộc đề tài chỉ 3-5 năm khiến hầu hết các đề tài đều dang dở, chưa thể ra sản phẩm cuối cùng. “Có đề tài triển khai phải đến 4 năm mới bố trí xong thí nghiệm thì đã phải báo cáo nghiệm thu. Kết quả chưa có gì nhưng vẫn phải báo cáo sản phẩm trên giấy. Đề tài lâm nghiệp mà chỉ có 3-5 năm thì tỉ lệ ứng dụng dưới 10% sẽ còn tiếp diễn” – ông Tuấn ngán ngẩm.

Với thực trạng hàng loạt đề tài nghiên cứu lâm nghiệp dang dở, TS Vũ Tiến Thịnh, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái rừng và Môi trường đặt câu hỏi: Hiện mới chỉ 8-10% số nghiên cứu được đưa ra ứng dụng thời gian qua, vậy hơn 90% nghiên cứu còn lại đang nằm ở đâu? Nên chăng cần phải rà soát lại để lôi các nghiên cứu này ra nghiên cứu tiếp theo chứ không thể bỏ dở vô cùng lãng phí.

“Rất nhiều nghiên cứu bị đắp chiếu không phải là không có giá trị, nhưng do đang nghiên cứu dở thì hết hạn, phải nghiệm thu vội vàng. Vì vậy các đề tài có giá trị phải được tiếp tục hoàn thiện” – ông Thịnh nêu ý kiến.

Đồng tình với ông Thịnh, GS.TS Đỗ Đình Sâm (Viện KHLN Việt Nam) cho rằng, hiện nay việc nghiên cứu lâm nghiệp đề tài nhiều nhưng mạnh ai nấy làm. Vì vậy thời gian tới, Bộ NN-PTNT cần phải có các nhóm đề tài theo hướng liên kết theo chuỗi với nhau hoặc chia thành các pha để sản phẩm có thể hoàn thành tới cuối cùng. Cũng theo ông Sâm, việc nghiên cứu phải lấy DN làm trung tâm, điều này hiện nay ngành lâm nghiệp đang rất lỏng lẻo.

“Tôi không hiểu sao rất nhiều hội nghị về ngành lâm nghiệp nhưng chỉ có các nhà khoa học ngồi bàn với nhau mà chẳng thấy anh DN nào. Xét cho cùng thì nghiên cứu là để SX, mà SX thì phải có DN. Chúng ta ngồi bàn với nhau mà không có DN thì không hiểu bàn để làm gì” – ông Sâm ngao ngán.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ KH-CN và Môi trường (Bộ NN-PTNT) cho biết thêm, rất nhiều hội nghị tái cơ cấu ngành nông nghiệp gần đây, kể cả hội nghị do Phó Thủ tướng chủ trì, DN trong ngành lâm nghiệp luôn vắng bóng, mặc dù đơn vị này đã nhiều lần đánh giấy mời.

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.