| Hotline: 0983.970.780

Rào cản 'vô hình’ trong đầu tư chăn nuôi heo ở Tây Nguyên

Thứ Ba 07/05/2024 , 06:15 (GMT+7)

Nhiều rào cản trong thủ tục pháp lý cũng như khó khăn về quỹ đất khiến cho nhiều nhà đầu tư chăn nuôi heo quy mô lớn ở Tây Nguyên nản chí, muốn bỏ cuộc.

Trang trại chăn nuôi heo của Ricky Farms. Ảnh: Tuấn Anh.

Trang trại chăn nuôi heo của Ricky Farms. Ảnh: Tuấn Anh.

Hành trình gian nan

Việc phát triển trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, tập trung đang là xu thế tại các tỉnh Tây Nguyên. Nơi đây, các trang trại chăn nuôi với các trang thiết bị máy móc hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong quá trình quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như hạn chế rủi ro dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, việc đầu tư các trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn ở Tây Nguyên vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là rào cản về thủ tục pháp lý khiến cho các doanh nghiệp “chùn chân”.

Bước chân lên Tây Nguyên từ cuối năm 2019, nhận thấy được tiềm năng đất đai rộng lớn, chi phí đền bù giải tỏa thấp, cùng với khả năng thiết lập hàng rào an toàn sinh học trong hoạt động chăn nuôi cao, Công ty Cổ phần Tập đoàn Ricky Farms đã mạnh dạn triển khai các dự án trọng điểm từ huyện Buôn Đôn, Ea Súp (tỉnh Đăk Lăk) cũng như tại địa bàn huyện Phú Thiện, Chư Pưh (tỉnh Gia Lai). Tuy nhiên, đến lúc đi vào triển khai xây dựng, hàng loạt vấn đề phát sinh bắt đầu xuất hiện. Rào cản bắt đầu từ “phương án sử dụng đất” cho đến “quy hoạch chung về xây dựng nông thôn”.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Ricky Farms cho biết, tại huyện Ea Súp tuy đã có quy hoạch sử dụng đất phù hợp với mục đích xây dựng trang trại chăn nuôi heo nhưng dự án không thể triển khai do vướng về nguồn gốc đất. Đến thời điểm này, quy hoạch về xây dựng nông thôn tại xã Cư Mlan (huyện Ea Súp) vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt nên các dự án đầu tư bị ách tắc. Cho dù nhà đầu tư đã thỏa thuận với các hộ dân để đền bù hoa màu và tài sản gắn liền với đất. Người dân cũng đã bàn giao quyền sử dụng đất để nhà đầu tư lập hợp đồng thuê đất với nhà nước khi được cấp chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn không thể triển khai gây lãng phí không nhỏ cho doanh nghiệp cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội, công ăn việc làm cho người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

“Tốc độ xử lý văn bản và cách thức phản hồi của địa phương đã không được như kỳ vọng khiến không ít doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi bức xúc”, ông Tùng thông tin.

Các trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn được thiết kế hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, quản lý vật nuôi. Ảnh: Tuấn Anh.

Các trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn được thiết kế hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, quản lý vật nuôi. Ảnh: Tuấn Anh.

Trong khi đó, tại địa bàn tỉnh Gia Lai, Công ty TNHH Hà Ngân Gia Lai đăng ký đầu tư trang trại quy mô 3.600 heo nái tại xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) cũng đang gặp không ít rảo cản về thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất.

Ông Nguyễn Khánh Trung, Giám đốc Công ty TNHH Hà Ngân Gia Lai cho biết, hiện nay nhiều cán bộ còn yếu về quy định pháp luật đất đai. Chẳng hạn, chưa phân biệt được việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm khác sang đất nông nghiệp khác, phục vụ xây dựng trang trại chăn nuôi heo không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc cán bộ thiếu căn cứ pháp luật dẫn đến thụ lý hồ sơ vượt quá thời gian quy định và luôn trì hoãn.

“Chúng tôi nhiều lần kiên trì giải thích bằng văn bản, đối thoại trực tiếp nhưng hầu như không có kết quả. Điều này khiến cho các nhà đầu tư có suy nghĩ tiêu cực về môi trường đầu tư tại tỉnh Gia Lai”, ông Trung chia sẻ.

Mô hình chăn nuôi heo theo quy trình khép kín. Ảnh: Tuấn Anh.

Mô hình chăn nuôi heo theo quy trình khép kín. Ảnh: Tuấn Anh.

Tương tự tại Kon Tum, nhiều nhà đầu tư chăn nuôi heo cũng gặp nhiều khó khăn với hoàn cảnh tương tự. Một doanh nghiệp đầu tư trang trại heo trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) cho biết, để đầu tư trang trại heo quy mô lớn tại Tây Nguyên là rất vất vả. Ngoài việc vị trí xây dựng trang trại heo phải đảm bảo yêu cầu xa khu dân cư, thì thủ tục pháp lý đòi hỏi rất rườm rà, phải qua kiểm duyệt của gần như tất cả các ban ngành.

“Cứ mỗi ban, ngành mất vài tháng kiểm duyệt, để hoàn thiện được các thủ tục pháp lý phải mất nhiều năm. Điều này khiến không ít doanh nghiệp nản chí, bỏ đi cơ hội đầu tư, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế của địa phương”, đại diện doanh nghiệp cho biết.

Theo tìm hiểu được biết, các doanh nghiệp tham gia đầu tư các trang trại quy mô lớn ở Tây Nguyên, đặc biệt có sự hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia như: Tập đoàn C.P (Thái Lan), CJ Agri (Hàn Quốc), Marvin (Úc)… đều có cơ sở vật chất quy trình chăn nuôi hiện đại. Tuy nhiên, điều khó nhất vẫn là hành lang pháp lý, thẩm tra hồ sơ để được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Sớm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư

Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên đến khoảng 846.000ha, cùng điều kiện khí hậu thuận lợi, tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh thu hút đầu tư 210 dự án chăn nuôi, tổng vốn đầu tư 36 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 34 trang trại đi vào hoạt động, nhiều dự án khác vẫn chưa thể triển khai như mong muốn.

Hệ thống xử lý nước thải của các trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn luôn đảm bảo tiêu chuẩn. Ảnh: Đăng Lâm.

Hệ thống xử lý nước thải của các trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn luôn đảm bảo tiêu chuẩn. Ảnh: Đăng Lâm.

Trước những tồn tại mà doanh nghiệp gặp phải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Dương Mah Tiệp đã có kết luận liên quan đến kết quả kiểm tra các dự án đầu tư chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, ông Tiệp yêu cầu các sở, ngành và địa phương căn cứ theo lĩnh vực, nhiệm vụ phân công phụ trách chủ động xử lý và hướng dẫn hoàn thiện các hồ sơ thủ tục cho các nhà đầu tư theo quy định. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Từng sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để theo dõi đôn đốc, định kỳ hàng tháng kiểm tra, kịp thời phát hiện chấn chỉnh các thiếu sót nếu có, đảm bảo các dự án chăn nuôi thực hiện đúng quy định từ bước hoàn thiện hồ sơ, chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng hoàn thành dự án và đi vào hoạt động”.

Các trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn luôn đảm bảo về an toàn dịch bệnh. Ảnh: Đăng Lâm.

Các trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn luôn đảm bảo về an toàn dịch bệnh. Ảnh: Đăng Lâm.

Cũng trong kết luận, ông Tiệp đã yêu cầu Sở NN-PTNT Gia Lai chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát đánh giá lại thực trạng đầu tư và hoạt động các dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Trong đó, các vấn đề về điều kiện thổ nhưỡng và hiệu quả sử dụng đất từng địa phương, cũng như vấn đề tác động đến môi trường, xử lý thải trong chăn nuôi và các nội dung khác, nếu cần thiết đề xuất điều chỉnh lại mật độ chăn nuôi.

“Tiếp tục kiểm tra rà soát để ưu tiên đầu tư các dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, tập trung với quy mô lớn. Thường xuyên cập nhật, công khai thông tin về tình hình đầu tư, định hướng phát triển, mật độ chăn nuôi còn lại của từng địa phương và hướng dẫn nhà đầu tư biết đăng ký thực hiện dự án theo quy định”, ông Tiệp khẳng định trong kết luận.

Trước những rào cản doanh nghiệp đang gặp phải, ông Thái Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, để giúp đỡ, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất chăn nuôi theo đúng quy định, các cơ quan ban ngành của tỉnh luôn phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…

“Hàng tháng, Sở NN-PTNT Gia Lai luôn thông báo công khai, rộng rãi về tình hình dịch bệnh, mật độ chăn nuôi tại các địa phương để thuận lợi cho các nhà đầu tư tính toán và định hướng phát triển chăn nuôi”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Đoàn Bá Quyết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, doanh nghiệp khi đầu tư vào chăn nuôi công nghệ cao thường “vướng” nhiều vấn đề mà Luật Đất đai và môi trường đã quy định như thủ tục đất đai, khoảng cách xây dựng trang trại và đặc biệt là vấn đề tác động môi trường…

“Phía ngành nông nghiệp tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định như cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Mặt khác, chỉ dẫn thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường… để các doanh nghiệp sớm hoàn thành và đi vào hoạt động”, ông Quyết chia sẻ.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất