Khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.
Xếp Ethanol vào nhóm chất gây 7 bệnh ung thư
TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm, tim mạch, tiểu đường, ung thư, hen phế quản, tắc nghẽn mạn tính - chiếm 37% tổng số các ca tử vong.
Tổ chức Nghiên cứu Ung thư thế giới mới đây đã công bố, ethanol là “thủ phạm” gây ra 7 căn bệnh ung thư (Ảnh minh họa) |
Tổ chức Y tế thế giới WHO năm 2012 cũng đưa ra cảnh báo, gánh nặng tử vong do ung thư xếp thứ 2 sau tim mạch ở cả nam và nữ, với tỷ lệ 13,5 và 11%. Tại Việt Nam, ung thư là nguyên nhân của 18% tử vong chung trên cả nước, trong đó, ung thư gan, phổi, khí phế quản dạ dày, đại trực tràng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong các tác nhân gây bệnh ung thư phải kể đến rượu bia. Tổ chức Nghiên cứu Ung thư thế giới xếp ethanol vào nhóm chất gây 7 bệnh ung thư gồm: khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ. Trước đây, nhiều người cho rằng uống rượu chỉ gây ung thư gan, nhưng thực tế nó tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể.
Theo TS Trương Đình Bắc, trước đây các nghiên cứu cho rằng uống rượu chỉ gây ung thư gan, nhưng giờ thì cho thấy rượu bia tác động đến 5 - 7 cơ quan khác nhau trong cơ thể.
"Có lẽ hiếm có nơi nào như nước ta giá rượu rất rẻ, mua rất sẵn, dễ tiếp cận, ai cũng mua được ngay cả đứa trẻ, mua vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Nhận thức về tác hại rượu bia với sức khỏe của người dân chưa cao nên việc kiểm soát tác hại của nó rất khó", TS Trương Đình Bắc nói.
Rượu - tác nhân gây ung thư như thế nào?
TS Trương Đình Bắc cho rằng, người dân không nên thử uống rượu hay thuốc lá, thử là quen dần. Khi đã uống rượu rồi thì cũng không nên lạm dụng bởi lá gan khỏe mạnh của cơ thể chỉ thải độc được 2 đơn vị rượu/ngày.
WHO quy định một đơn vị cồn bằng 10g cồn nguyên chất, tương đương với 3/4 chai bia 330ml (5%), một ly rượu vang 100 ml (13,5%), một cốc bia hơi 330 ml, hoặc một chén rượu mạnh 30ml (40%). Nếu uống quá chén thì sức thải qua gan của cơ thể sẽ hạn chế rất nhiều, gan càng làm việc nhiều, nguy cơ ung thư gan, xơ gan càng tăng.
Giải thích thêm cơ chế gây bệnh ung thư do rượu bia, TS Trần Thanh Hương, Viện phó Viện Nghiên cứu Ung thư, Bệnh viện K Trung ương cho hay: Rượu chuyển hóa thành acetaldehyde - một chất gây ung thư. Khi vào cơ thể, dưới tác dụng của enzym alcohol dehydrogenase, rượu được ôxy hóa thành acetaldehyde - một chất gây ung thư bằng cách gây tổn thương gene.
Uống rượu làm tăng acetaldehyde trong nước bọt, làm tổn thương ADN ở các tế bào niêm mạc miệng, họng, thực quản và đường hô hấp trên.
Rượu bia làm tăng mức độ estrogen và hoạt hóa các thụ thể của yếu tố tăng trưởng giống insulin, từ đó kích hoạt sự sinh sôi của các tế bào tuyến vú dẫn đến ung thư vú. Rượu gây xơ gan, tổn thương tế bào gan, từ đó dẫn tới ung thư gan. Rượu tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các chất gây ung thư thấm vào cơ thể như hút thuốc.
“Đặc biệt, rượu làm thay đổi chuyển hóa của folate, sự kém hấp thu folate gây trở ngại cho quá trình methyl hóa ADN, từ đó dẫn tới ung thư. Rượu kích thích cơ thể sinh ra các phân tử hoạt tính cao; các phân tử này thường gây tổn hại ADN của tế bào dẫn tới ung thư”, TS Trần Thanh Hương nhấn mạnh.
Để phòng ngừa bệnh, các chuyên gia cho rằng, không có một ngưỡng uống rượu bia nào được coi là an toàn vì thế, tốt nhất người dân không nên uống rượu bia, nếu uống thì nên có giới hạn. Để giảm thiểu tối đa tác hại của rượu bia đến sức khỏe, nam/nữ giới khỏe mạnh không nên uống quá 2 đơn vị cồn một ngày.