| Hotline: 0983.970.780

Phát triển giao thông nông thôn, mở đường về đích nông thôn mới

Thứ Năm 06/06/2024 , 06:00 (GMT+7)

Nhiều năm qua, tỉnh Yên Bái tập đã trung mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, tạo ra đổi thay ở từng vùng quê.

Đề án phát triển giao thông nông thôn ở Yên Bái đã đạt được kết quả tích cực, tạo tiền đề cho các địa phương bứt phá trong xây dựng NTM. Ảnh: Thanh Tiến.

Đề án phát triển giao thông nông thôn ở Yên Bái đã đạt được kết quả tích cực, tạo tiền đề cho các địa phương bứt phá trong xây dựng NTM. Ảnh: Thanh Tiến.

Kiên cố hóa gần 100km đường giao thông mỗi năm là kỳ tích

Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, đặc thù địa hình chia cắt bởi hệ thống núi cao, khe suối dày đặc. Hệ thống giao thông chưa phát triển, việc đi lại, giao thương buôn bán của bà con còn gặp nhiều khó khăn.

Trên 90% dân số Mù Cang chải là đồng bào dân tộc Mông, có tập quán sinh sống trên núi, vì vậy đường đến các bản của họ thường chênh vênh, quanh co, dốc đứng.

Khoảng 5 năm về trước, hệ thống giao thông ở Mù Cang Chải còn khá sơ sài, đường đến các thôn, bản đa phần là đường đất, dốc đá cheo leo. Chính điều này làm chậm công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nơi đây.

Khoảng 5 năm trở về trước hệ thống giao thông nông thôn ở huyện Mù Cang Chải còn chậm phát triển, đa phần là đường đất. Ảnh: Thanh Tiến.

Khoảng 5 năm trở về trước hệ thống giao thông nông thôn ở huyện Mù Cang Chải còn chậm phát triển, đa phần là đường đất. Ảnh: Thanh Tiến.

Những năm gần đây, chính quyền huyện Mù Cang Chải đã huy động lồng ghép các nguồn lực để xây dựng hệ thống giao thông đảm bảo thông suốt. Đặc biệt, nhiều thôn, bản đã huy động được nhân dân đóng góp ngày công, nguyên vật liệu để thi công các tuyến đường giao thông…

Tuyến đường bê tông hóa dài 1,5km vào bản Háng Cơ và bản Nậm Pẳng, xã Nậm Có mới được thi công hoàn thành đưa vào sử dụng trước Tết nguyên đán. Cả đoạn đường quanh co, dốc đứng được kiên cố hóa bê tông rộng 2m đã là kết quả sức mạnh của sự đồng thuận, chung tay của dân bản. Đây là mong muốn lâu đời của bà con để đưa con em đi học, vận chuyển hàng hóa nông sản dễ dàng hơn, không phải đi đường đất nhỏ hẹp, trơn trượt vào mùa mưa như trước nữa…

Người dân Mù Cang Chải vẫn hay ví von những con đường vừa làm mới là những tuyến đường của ý Đảng, lòng dân. Những tuyến đường này mở ra không chỉ giúp cho việc giao thương hàng hóa được thuận lợi hơn mà còn góp phần trong phát triển kinh tế - xã hội, là tiền đề để phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM của địa phương.

Năm 2023, toàn huyện Mù Cang đã kiên cố hóa hơn 80 km đường giao thông nông thôn. Ảnh: Thanh Tiến.

Năm 2023, toàn huyện Mù Cang đã kiên cố hóa hơn 80 km đường giao thông nông thôn. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025 huyện Mù Cang Chải phấn đấu thực hiện kiên cố hóa 345 km đường giao thông nông thôn với bề rộng mặt đường từ 3m trở lên. Trong đó thực hiện Đề án giao thông nông thôn khoảng 127km, từ các chương trình khác 218km…

Năm 2023, huyện Mù Cang Chải đã tổ chức kiên cố hóa được 83,5km mặt đường bê tông xi măng, nâng tổng chiều dài đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa trên địa bàn huyện gần 400/904km đường giao thông nông thôn...

Ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết, chi phí đầu tư kiên cố 1km đường giao thông nông thôn ở Mù Cang Chải thường cao hơn từ 2 - 3 lần so với vùng thấp bởi việc làm nền đường khó khăn, giá vật liệu tăng cao. Chính vì vậy, với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, sự chung tay đóng góp của người dân mỗi năm toàn huyện kiên cố gần 100km đường giao thông là cả một kỳ tích.

Chi phí đầu tư 1 km đường giao thông ở huyện vùng cao Mù Cang Chải thường cao gấp 2-3 lần so với vùng thấp. Ảnh: Thanh Tiến.

Chi phí đầu tư 1 km đường giao thông ở huyện vùng cao Mù Cang Chải thường cao gấp 2-3 lần so với vùng thấp. Ảnh: Thanh Tiến.

Cùng với hạ tầng giao thông đổi thay, bức tranh kinh tế xã hội của Mù Cang Chải cũng đang có nhiều chuyển biến tích cực nhờ đẩy mạnh xây dựng NTM. Hệ thống giao thông nông thôn phát triển giúp cho Mù Cang Chải phát huy các tiềm năng thế mạnh, đặc biệt là bản sắc văn hóa, khí hậu thổ nhưỡng, cảnh quan… phát triển và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là điều kiện quan trọng để thu hút nhà đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bản sắc, hấp dẫn, thân thiện môi trường. Gắn du lịch với phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi và ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống...

Điểm sáng phát triển hệ thống giao thông nông thôn

Trước những năm 2020, hệ thống giao thông ở huyện Văn Yên - thủ phủ của vùng quế Yên Bái còn kém phát triển. Các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã Mỏ Vàng, Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng… là những nỗi ám ảnh của người dân bởi gồ ghề đá sỏi, nắng bụi, mưa lầy.

Theo số liệu báo cáo của UBND huyện Văn Yên, đến hết năm 2020, toàn huyện mới có 54% đường GTNT được rải nhựa và bê tông, còn lại đường đất, cấp phối; có 12 xã chưa đạt tiêu chí số 2 về giao thông; trong đó có 9 xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn. 

Trước thực trạng khó khăn về giao thông, chính quyền huyện đã huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, nguồn vốn để đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Đồng thời, phát huy nội lực trong nhân dân hiến đất, đóng góp công lao động, góp tiền để kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn.

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của nhà nước, phong trào làm đường giao thông được người dân hưởng ứng bằng việc hiến đất, đóng góp tiền, công lao động. Ảnh: Thanh Tiến.

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của nhà nước, phong trào làm đường giao thông được người dân hưởng ứng bằng việc hiến đất, đóng góp tiền, công lao động. Ảnh: Thanh Tiến.

Từ giai đoạn 2021 đến nay, huyện Văn Yên luôn là điểm sáng trong phong trào kiên cố hóa đường giao thông nông thôn ở tỉnh Yên Bái. Từ năm 2021 - 2023, toàn huyện đã kiên cố hóa gần 350km đường, kiên cố mở rộng mặt đường hơn 15km, mở mới, mở rộng nền đường gần 100 km. Ngoài ra, đã xây dựng 7 cầu ngầm, 148 cống các loại... Riêng trong năm 2023, huyện đã kiên cố hóa bê tông gần 140 km đường giao thông, trở thành huyện dẫn đầu toàn tỉnh về phát triển hệ thống giao thông nông thôn.

Ông Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, đề án phát triển giao thông nông thôn được tỉnh hỗ trợ vật liệu chính như xi măng, cát, sỏi, người dân hiến đất, làm nền đường và đóng góp công đổ bê tông. Nhờ phát huy sức mạnh nội lực đã từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và nhu cầu đi lại của nhân dân, phục vụ tốt hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa và phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Hệ thống giao thông phát triển sẽ góp phần phấn đấu đưa huyện Văn Yên trở thành huyện NTM trong năm 2024. Ảnh: Thanh Tiến.

Hệ thống giao thông phát triển sẽ góp phần phấn đấu đưa huyện Văn Yên trở thành huyện NTM trong năm 2024. Ảnh: Thanh Tiến.

Đến hết năm 2023, tổng chiều dài đường giao thông được kiên cố hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái được hơn 6.000km, đạt 75%. Tổng số vốn huy động trong 3 năm thực hiện để kiên cố hóa đường giao thông nông thôn là hơn 1.800 tỷ đồng.

Trong năm 2024, huyện Văn Yên tiếp tục xây dựng kế hoạch kiên cố hóa đường giao thông, chú trọng huy động, lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách và các nguồn vốn ngoài ngân sách, nguồn vốn của doanh nghiệp và trong nhân dân. Phấn đấu kiên cố hóa khoảng 100km đường giao thông nông thôn, góp phần hoàn thành tiêu chí về giao thông đưa huyện Văn Yên trở thành huyện NTM trong năm nay.

Phát triển giao thông là tiền đề xây dựng NTM

Theo số liệu của sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái, giai đoạn từ năm 2021 – 2023, toàn tỉnh Yên Bái đã kiên cố hóa được gần 1.800km đường; mở rộng mặt đường hơn 70km; mở mới gần 240km. Ngoài ra, xây dựng 1.710 công trình thoát nước, trong đó có 42 công trình cầu, ngầm và hơn 1.600 công trình cống thoát nước các loại.

Ông Đào Ngọc Hùng, Phó giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái cho biết thêm, đề án phát triển giao thông nông thôn của tỉnh có phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhân dân tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công xây dựng công trình và Nhà nước hỗ trợ vật liệu chính như (xi măng, cát, sỏi hoặc đá) đến chân công trình đối với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới và các thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 106 xã đạt chuẩn NTM. Ảnh: Thanh Tiến.

Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 106 xã đạt chuẩn NTM. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc phát triển hạ tầng giao thông đã góp phần xây dựng Nông thôn mới, xây dựng đô thị và hình thành các khu công nghiệp, vùng kinh tế. Đến nay, toàn tỉnh có 106/150 xã đạt chuẩn NTM chiếm 70%; 4 địa phương đạt chuẩn huyện Nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới là Trấn Yên và Yên Bình, thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ.

Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển mạng lưới, kết cấu hạ tầng giao thông nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần phát triển tỉnh Yên Bái nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông sẽ là động lực quan trọng giúp tỉnh Yên Bái hình thành các trục kinh tế theo Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. 

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất