| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân Quảng Nam được mùa mực biển

Thứ Năm 21/03/2024 , 15:17 (GMT+7)

Giá mực cao, sản lượng nhiều hơn các năm trước nên sau một đêm đánh bắt trên biển, các ghe thuyền ở Quảng Nam có thể thu về hàng chục triệu đồng.

Năm nay, sản lượng mực khai thác được của ngư dân ở xã Tam Tiến (Núi Thành, Quảng Nam) cao hơn so với cùng thời điểm năm ngoái. Ảnh: L.K.

Năm nay, sản lượng mực khai thác được của ngư dân ở xã Tam Tiến (Núi Thành, Quảng Nam) cao hơn so với cùng thời điểm năm ngoái. Ảnh: L.K.

Từ 5h sáng, chợ cá Tam Tiến (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đã tấp nập tàu cá cập bến vận chuyển hải sản đánh bắt được bán cho thương lái. Mùa này, nhiều ghe thuyền của ngư dân địa phương trở về với hàng tạ mực các loại. Mực đầu mùa giá bán cao nên các chủ tàu phấn khởi khi thu lãi hàng chục triệu đồng.

Ngư dân Nguyễn Văn Nhật (trú xã Tam Tiến) cho biết, những ngày qua, thời tiết thuận lợi, sóng biển êm nên hoạt động khai thác của ngư dân khá hiệu quả. Chuyến đi vừa qua, tàu anh đánh được hơn 100kg mực gồm mực ống, mực cơm, mực lá, bán cho thương lái được hơn 20 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí hao tổn, mỗi thuyền viên cũng kiếm được từ vài trăm đến 1 triệu đồng.

Theo các ngư dân, mùa khai thác mực ở địa phương thường bắt đầu từ đầu tháng 2 cho đến hết tháng 8 âm lịch, trong đó trúng đậm nhất là từ tháng 2 đến tháng 3. Trung bình mỗi tàu trở về đánh được khoảng từ 100 – 200kg mực. Thời điểm này giá mực cao, sản lượng bao nhiêu cũng đều được thương lái thu mua hết, ít mặc cả nên đa số các tàu đánh bắt đều có lãi.

Sau 1 đêm đánh bắt, trung bình mỗi tàu cá trở về với khoảng 100 - 200kg mực các loại. Ảnh: L.K.

Sau 1 đêm đánh bắt, trung bình mỗi tàu cá trở về với khoảng 100 - 200kg mực các loại. Ảnh: L.K.

Ngư dân Đỗ Minh Việt (trú thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến) chia sẻ, các tàu khai thác mực trong xã thường có công suất nhỏ, chỉ vài chục CV nên đánh bắt ở khu vực cách bờ trên dưới 10 hải lý với các nghề lưới vây hoặc câu. Tàu thường xuất bến vào khoảng 14 -  15 giờ chiều hàng ngày đến tầm 4 giờ sáng ngày hôm sau sẽ quay về bờ.

“Mỗi ghe tàu đánh bắt mực đi khoảng từ 7 - 10 thuyền viên. Toàn bộ chi phí cho mỗi chuyến đi hết từ 4 – 5 triệu đồng. So với các năm trước, năm nay nhìn chung được mùa hơn, giá bán cũng tương đương so với cùng thời điểm năm ngoái”, anh Việt chia sẻ.

Sau khi ghe thuyền neo ở cách bờ khoảng 100m, mực sẽ được đưa lên thuyền thúng rồi vận chuyển vào bờ. Phía trên, hàng chục thương lái đã đứng đợi sẵn để thu mua, đem đi tiêu thụ. Qua ghi nhận, mỗi loại mực có giá khác nhau. Trong đó, mực cơm loại nhỏ giá từ 120.000 – 140.000 đồng/kg. Mực ống giá từ 180.000 - 260.000 đồng/kg. Loại đắt nhất là mực lá có giá trên dưới 400.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Hữu Tơ, thương lái chuyên thu mua mực tại chợ cá Tam Tiến cho biết, trung bình mỗi buổi sáng ông nhập khoảng vài trăm kg mực các loại từ các tàu cá. Mực vừa đánh bắt còn tươi nên rất được thị trường ưa chuộng. Sản phẩm sau khi thu mua sẽ được bán lại cho các chợ, nhà hàng ở TP Tam Kỳ, huyện Núi Thành và những khu vực lân cận.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.