| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân trở thành đồng quản lý biển

Thứ Tư 26/04/2023 , 10:45 (GMT+7)

Huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã triển khai 2 tổ đồng quản lý biển cho ngư dân ở các xã Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc.

Thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, Chi cục Thủy sản Quảng Bình phối hợp cùng UBND huyện Lệ Thủy thành lập và đi vào hoạt động 2 tổ đồng quản lý  biển cho ngư dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình cho hay, trước đây ngư dân chỉ biết khai thác, đánh bắt trên vùng biển gần bờ. “Bây giờ, ngoài đánh bắt, bà con có quyền quản lý vùng biển mà được nhà nước giao quyền”, ông Linh nói.

Những thành viên Tổ đồng quản lý biển được tập huấn về tổ chức hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Thanh Nga.

Những thành viên Tổ đồng quản lý biển được tập huấn về tổ chức hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Thanh Nga.

Để triển khai tốt việc này, Sở NN-PTNT và huyện Lệ Thủy tổ chức hội nghị phổ biến một số quy định liên quan đến công tác đồng quản lý trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho 60 thành viên trong tổ đồng quản lý và đại diện lãnh đạo các đơn vị, địa phương liên quan.

Tại xã Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy), tổ đồng quản lý biển được thành lập với 41 thành viên tham gia. Ông Nguyễn Hữu Dĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy được bầu làm Tổ trưởng.

Theo ông Dĩnh, các thành viên tổ đồng quản lý đã được phổ biến về tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ thủy sản. Mục đích hoạt động, quyền hạn và nghĩa vụ của tổ đồng quản lý. Ngoài ra, các thành viên và mọi người được nghe phương án tổ chức khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. 

Theo quy định, Tổ đồng quản lý biển được quản lý vùng biển cách bờ 6 hải lý và chiều dài dọc bờ biển trong địa phận của xã. Việc khai thác, sử dụng phương tiện, ngư lưới cụ khai thác trên vùng biển được Tổ đồng quản lý đưa ra phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Ngư dân Nguyễn Văn Hai rất vui mừng khi là thành viên Tổ đồng quản lý biển. Ông cho rằng, những người tham gia đều nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở địa phương.

“Từ nay ra biển, chúng tôi không chỉ khai thác mà đưa việc bảo vệ nguồn lợi từ biển lên hàng đầu. Sẽ không còn nạn khai thác biển tận diệt bằng xung điện, chất nổ xảy ra vì chúng tôi luôn có lực lượng giám sát trên vùng biển”, ông Hai nói chắc chắn.

Tại xã Ngư Thủy Bắc, Tổ đồng quản lý biển được thành lập với sự tham gia của 10 thành viên. Những thành viên này đều có phương tiện tàu thuyền ra khơi trong vùng lộng. Ông Ngô Văn Đang, Tổ trưởng cho hay: “Chúng tôi đi vào hoạt động và sẽ vận động thêm nhiều ngư dân vào Tổ đồng quản lý biển”.

Hoạt động của Tổ đồng quản lý biển sẽ tạo được môi trường và nguồn lợi thủy sản cho vùng biển bãi ngang. Ảnh: Thanh Nga.

Hoạt động của Tổ đồng quản lý biển sẽ tạo được môi trường và nguồn lợi thủy sản cho vùng biển bãi ngang. Ảnh: Thanh Nga.

Để tạo môi trường cho các loại thủy sản, trên vùng biển bãi ngang của 2 xã Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc, tỉnh Quảng Bình cho thả trên 4.000 rạn nhân tạo ở vị trí cách bờ biển khoảng 3 hải lý. Mỗi rạn nhân tạo được đúc bằng xi măng có kích thước 3m x 3m và rỗng ở bên trong.

Ông Lê Ngọc Linh cho hay: ‘Những  rạn nhân tạo này sẽ là nơi trú ngụ, sinh sản của các loại tôm, cá. Thời gian tới, lượng tôm cá trên vùng lộng này sẽ nhiều hơn và mang nguồn lợi đến với bà con”.

Ông Linh cũng cho biết thêm, để hỗ trợ cho hoạt động kiểm soát ngư trường, Chi cục đã cấp cho mỗi Tổ đồng quản lý biển 1 ca nô cao tốc có công suất lớn. “Lực lượng đồng quản lý biển sẽ có thêm phương tiện tốt nhằm giám sát có hiệu quả việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng gần bờ”, ông Linh nói.

Huyện Lệ Thủy cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sẵn sang hỗ trợ các thành viên các Tổ đồng quản lý biển ở 2 xã để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường biển. Lực lượng Bộ đội Biên phòng Đồn Ngư Thủy cũng đã có kế hoạch phối hợp, hỗ trợ cho các Tổ đồng quản lý biển trong việc phát hiện, xử lý vi phạm nếu xảy ra.

Được biết, đây là 2 Tổ đồng quản lý biển được thành lập sớm nhất trong cả nước. Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho hay: “Đẩy mạnh hoạt động của các Tổ đồng quản lý biển sẽ hạn chế tình trạng khai thác, đánh bắt hủy diệt làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Qua đó, góp phần phát triển nghề cá bền vững, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập cho người dân vùng biển bãi ngang”.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.