Thời gian qua, Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương ven biển tích cực thực hiện các biện pháp quản lý, kiểm tra việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá của ngư dân.
Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình cho hay: “Qua hoạt động này, chúng tôi bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động khai thác thủy sản (KTTS). Hạn chế được rủi ro chính là tăng năng suất khai thác trên biển”, ông Linh nói.
Nhiệm vụ được Chi cục Thủy sản Quảng Bình đưa lên đầu là việc kiểm tra an toàn kỹ thuật (ATKT) của tàu cá trước lúc rời bến ra khơi.
Chỉ tính riêng trong năm 2022 và những tháng đầu năm nay, lực lượng của Chi cục đã kiểm tra gần 1.500 tàu cá. Trên cơ sở số tàu cá thuộc diện đăng kiểm trong năm, Chi cục đã đã rà soát, kiểm tra, cấp đăng ký và cấp giấy phép khai thác cho trên 1.500 tàu.
Trên thực tế thì các chủ tàu cũng luôn chú trọng ATKT trước mỗi chuyến ra khơi bám biển. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp thiếu kiểm tra nên dẫn đến phải quay tàu về khi chưa đến ngư trường vì sự cố. Vì vậy, việc Chi cục Thủy sản triển khai tốt việc giám sát kiểm tra cũng là điều kiện tốt cho ngư dân trong mỗi chuyến hành trình.
Ngư dân Ngô Văn Bốn (xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới) cho hay, trung bình mỗi tháng mỗi chuyến bám khơi xa nên cũng có khi “quên” việc kiểm tra kỹ thuật hoặc có trường hợp máy tàu mới nên cũng chủ quan.
"Vì vậy mà việc trục trặc máy, thiết bị cũng luôn xảy ra. Tàu của tôi cũng có bận ra đến ngư trường là phải quay vào bờ vì kỹ thuật. Lúc đó là không thể chần chừ mà phải vào bờ ngay vì rủi ro là rất lớn và chưa thể biết xảy ra lúc nào", ông Bốn chia sẻ.
Nhiều ngư dân khi được hỏi cũng rất sốt sắng cho rằng việc cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát an toàn tàu cá khi ra khơi cũng đã làm cho ngư dân thấy an tâm hơn nhiều.
Ông Phan Văn Vinh (ngư dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch), nói với chúng tôi: “Khi tàu được lực lượng chức năng kiểm tra an toàn làm chúng tôi thấy tự tin khi xuất bến. Bởi khi đó, tàu, trang thiết bị đã hoạt động tốt. Trên những con tàu như vậy vươn khơi bà con chúng tôi như thấy có thêm động lực”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình cho rằng để công tác quản lý tàu cá có hiệu quả, bảo đảm an toàn hoạt động KTTS, chống KTTS bất hợp pháp thì phải tăng cường việc giám sát, kiểm tra.
“Chúng tôi đã tham mưu cho Sở NN-PTNT, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý tàu cá, quản lý KTTS, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản, tham mưu công bố hạn ngạch giấy phép KTTS vùng lộng theo đúng quy định”, ông Linh nói thêm.
Để nhiệm vụ kiểm tra, giám sát an toàn tàu cá có hiệu quả, Chi cục Thủy sản Quảng Bình phối hợp với địa phương, các đồn Biên phòng tuyến biển trong việc rà soát, chốt số liệu tàu cá, cũng như thực hiện việc quản lý tàu cá, cấp giấy phép KTTS theo hạn ngạch.
Cùng với nhiệm vụ trên, công tác quản lý giám sát tàu cá hoạt động trên biển được tăng cường nhờ áp dụng công nghệ. Lực lượng giám sát bờ thông qua 1.133 thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá và qua các thông tin do Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cung cấp đã xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
"Thời gian qua, chúng tôi đã phát hiện 91 trường hợp tàu cá vượt ranh giới trên biển. Thông qua công nghệ đã rà soát, xác minh cụ thể 50 chủ tàu, 41 trường hợp còn lại đang đôn đốc các địa phương tiếp tục rà soát, xác minh để xử lý theo quy định", ông Lê Ngọc Linh nói thêm.