| Hotline: 0983.970.780

Người chống đò cuối cùng trên sông Trà Bương làm nông, làm gì cũng giỏi

Thứ Sáu 12/08/2022 , 09:28 (GMT+7)

PHÚ YÊN 10 năm trước, khi cây cầu được xây dựng bắc qua sông Trà Bương, ông Cư về với nghề nông, và nghề nào ông cũng làm giỏi.

Người dân đi tuyến đường thôn Phước Lộc (xã Xuân Quang 3) đến ngã ba thôn Phú Xuân A (xã Xuân Phước), rồi lên xã vùng cao Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) phải đi đò qua sông Trà Bương. Ông Nguyễn Cư (61 tuổi) ở đội 9, thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3) là người chống đò cuối cùng trên bến sông Trà Bương trước khi xây cầu bắc qua sông.

Gia đình ông Cư có đến 2 thế hệ chống đò, cha ông là Nguyễn Chín với 29 năm chống đò trên bến sông này. Khi cầu vượt lũ hoàn thành, ông Cư từ giã bến đò trở lại làm nông. Nói chuyện làm nông, ông không bỏ sót nghề nào, từ trồng mía, sắn, đến trồng cỏ nuôi bò. Ông quyết tâm làm nông dân “bốn chấm”.

Cây cầu bắc qua sông Trà Bương, một thời gắn với nghề chống đò của ông Cư. Ảnh: Mạnh Hoài Nam. 

Cây cầu bắc qua sông Trà Bương, một thời gắn với nghề chống đò của ông Cư. Ảnh: Mạnh Hoài Nam. 

Ông Cư cho hay: Trong xóm tranh tài nuôi bò lai. Bò lai Pháp tướng to con nhưng đít túm, còn bò lai Sind thì đít cối tiêu, nuôi bò 3B đít to thù lù, cân đầu cân đuôi. Bò 3B nuôi lớn đến đâu bung đùi đổ thịt, giống bò đít mập cơ bắp một đống thịt, trông như "bò lực sỹ", bán được tiền, ai cũng ham.

“Nuôi bò lai sướng lắm. Ngủ chưa dậy lái buôn đến ngồi đợi ở chuồng. Vào tận chuồng đặt hàng rồi xin số điện thoại, nuôi một thời gian kêu bán, khi mình đi làm xa, lái buôn đến chuồng xem “tướng tá” bò rồi trả giá, mình đồng ý bán, họ đưa tiền cho vợ rồi ngồi dắt bò đi”, ông Cư nói về cách bán bò từ xa qua điện thoại.

Cùng với nuôi con bò, ông Cư trồng thêm cây sắn, mía phát triển kinh tế gia đình. Ngăn cách xóm nhà ông với sông Trà Bương là soi mía. Nói về trồng mía, ông Cư chia sẻ: Thời còn trồng "mía ông bà”, tức là mía ta, nông dân bấm đầu ngón tay, chờ mưa mới cày trồng. Năm nắng hạn, mía mới trồng dọc triền soi chết héo xung quanh bờ, phải cấy. Lúa cấy đã đành, mía cũng cấy, bứng cây mía chỗ mọc dày trồng dặm chỗ đất trống.

Tận dụng vùng đất soi bão, ông Cư đã trồng cỏ nuôi bò rất thành công. Ảnh: MHN.

Tận dụng vùng đất soi bão, ông Cư đã trồng cỏ nuôi bò rất thành công. Ảnh: MHN.

Mía trồng dặm bén rễ, phát triển chậm, những cây “làm bé” chịu đời không nổi vì bị cây lớn che khuất ánh mặt trời nên chết sau đó, đám mía thưa thớt. Gặp năm nắng hạn kéo dài, mía “đói” phân, đỏ lá, héo úa, đến khi thu hoạch cây to bằng ngón tay út. Có năm mía héo queo khô cả lá lao (lá cuối cùng cây mía), năng suất không quá 30 tấn/ha.

Giờ đây, nông dân đã trồng giống mía cao sản giống KK3, nhờ có nước giải hạn cho mía nên cây to, chặt 10 cây đã đầy một bó. Năng suất mía bây giờ đạt 80 tấn/ha, chữ đường rất cao. “Tôi trồng mía cao sản, trồng mía rải vụ tránh mưa lụt. Còn trước đây trồng mía truyền thống ven soi, mùa mưa lụt, mía ngã sớm, vươn lóng sát đất rồi đâm chồi, ruột mía bị xốp nhẹ, chữ đường đạt thấp. Đối với bắp ven sông, nay cũng trồng giống bắp lai, trái dài cỡ cả gang tay người lớn… Thời đại 4.0, mình phải làm nông dân “bốn chấm”, ông Cư cười vui.

Hiện nay, nhiều giống mía mới cho năng suất cao đã được đưa vào trồng ở Phú Yên. Ảnh: MHN.

Hiện nay, nhiều giống mía mới cho năng suất cao đã được đưa vào trồng ở Phú Yên. Ảnh: MHN.

Gần 10 năm từ giả bến đò về làm nông, nhà ông ở cuối dòng Trà Bương, nơi dòng sông hòa nhập vào sông Lỳ Lộ. Dù không còn chống đò nhưng nhiều người trong xóm vẫn gọi là “ông Cư chống đò”, vì tên gọi ăn sâu vào lòng dạ của người dân nơi đây. Chẳng hạn như ai đó hỏi thăm, ở đội 9 gần nhà “ông Cư chống đò” không?

Còn trong lòng ông Cư cũng không quên nghề chống đò. Có những ngày ông qua lại cây cầu bắc qua sông Trà Bương, nhìn xuống bến đò cũ, dòng nước cuộn chảy. Dòng sông ngắn nhưng những kỷ niệm bến sông Trà Bương lặng lẽ, chảy dài trong tâm hồn ông mải miết.

Ông Võ Xuân Lộc, Trưởng thôn Thạnh Đức cho biết: “Ông Nguyễn Cư tham gia Chi hội Nông dân trong thôn. Trước đó ông chống đò rất yêu nghề. Sau khi rời bến đò, ông gắn bó với quê hương, đồng ruộng, chăn nuôi, áp dụng nhiều cách làm tiên tiến mới trong chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng gia đình ấm no. 

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.