| Hotline: 0983.970.780

Người có nhiều sáng tạo thâm canh và chọn lọc các giống nhãn quý

Thứ Ba 11/09/2018 , 06:01 (GMT+7)

Chỉ với 2 lao động chuyên canh 0,5ha nhãn, mỗi năm gia đình anh Phi “bỏ ống” được trên 200 triệu đồng. Để luôn có được nguồn thu nhập cao nói trên, anh Phi đã kết hợp thâm canh nhãn ăn quả đặc sản, với sản xuất kinh doanh cây nhãn giống.

Không sinh ra và lớn lên từ cái “nôi” nhãn tiến vua, nhưng anh Nguyễn Văn Phi ở thôn Bình Lăng, xã Tiền Phong, huyện Ân Thi, Hưng Yên, có khá nhiều sáng tạo trong thâm canh và chọn lọc các giống nhãn quý hiếm.

09-44-54_cy_nhn_trong_theo_phuong_php_moi
Anh Phi bên cây nhãn trồng theo phương pháp mới

Để luôn có được nguồn thu nhập cao nói trên, anh Phi đã kết hợp thâm canh nhãn ăn quả đặc sản, với sản xuất kinh doanh cây nhãn giống. Theo đó, trong 0,5ha ruộng canh tác chuyển đổi, anh Phi đã qui hoạch 0,35ha trồng nhãn khai thác quả và 0,15ha gieo ươm, chiết/ghép kinh doanh cây nhãn giống.

Trên diện tích nhãn ăn quả, anh Phi chỉ chọn trồng các giống nhãn có giá trị kinh tế cao như, nhãn đường phèn, nhãn lồng và nhãn cùi. Để cây sinh trưởng, phát triển nhanh, sớm cho sản lượng quả cao, anh Phi đã bồi đất theo hình nấm và trồng ghép 3 cây nhãn giống/1 nấm đất theo thế chân kiềng, trong đó các ngọn cây được ghép chụm với nhau.

Khi vết ghép liền thân và cây nhãn sinh trưởng ổn định, tiến hành cắt bỏ 2 ngọn cây yếu, để lại 1 ngọn cây giống khoẻ làm thân chính. Cách làm này đã tạo ra 1 cây nhãn được nuôi từ 3 gốc cây giống (trồng chân kiềng), giúp cho cây nhãn sinh trưởng, phát triển rất nhanh, chống đổ rất tốt, sau trồng 3 - 4 năm đã cho thu quả cao sản.

Tuy nhiên, trong một số năm đầu trồng nhãn, gia đình anh Phi đã gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nhãn quả. Do quê anh không phải là địa phương trọng điểm sản xuất nhãn của tỉnh, lại ở khá xa trung tâm huyện lỵ, nên không được nhiều người biết đến. Để khắc phục các hạn chế nêu trên, anh Phi đã chủ động mang nhãn quả của gia đình, đi tham gia các hội thi bình tuyển nhãn trong tỉnh, và các hội chợ xúc tiến thương mại trên địa bàn.

Kết quả, 1 cây nhãn của gia đình anh đã được Sở NN-PTNT Hưng Yên cấp chứng nhận là cây đầu dòng. Kết hợp với tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, sản phẩm nhãn của gia đình anh đã được nhiều người tiêu dùng biết tới, được các thương lái tìm đến hợp đồng bao tiêu ổn dịnh.

Trong sản xuất cây giống, anh Phi cũng phải tìm mua rất nhiều sách báo chuyên về nhân giống cây ăn quả, đặc biệt là về cây nhãn. Sau đó tự gieo/ươm, chiết/ghép cây giống trong vườn nhà. Và cũng phải trải qua hàng trăm lần thất bại, anh Phi mới chiết/ghép thành công cây nhãn trong mọi điều kiện thời tiết, tỷ lệ sống của cây giống sau ghép đạt gần 100%.

Nhờ vậy, ngoài tự sản xuất kinh doanh cây nhãn giống tại gia đình, anh Phi còn thường xuyên được các nhà vườn trong và ngoài tỉnh, tìm đến hợp đồng thuê ghép nhãn, với thù lao hơn 1 triệu đồng/ngày.

Dù vậy, anh Phi vẫn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, sưu tầm, chọn lọc các giống nhãn ưu tú khác biệt, về gieo trồng, khảo nghiệm trong vườn nhà. Sau nhiều năm tìm tòi, đánh giá anh đã chọn được 1 giống nhãn có thể ra hoa, đậu quả ngay cả khi thời tiết mùa đông ấm nóng, mà không cần tác động thêm bất kỳ biện pháp kỹ thuật nào.

Vườn nhãn của anh Phi luôn được mùa

Theo anh Phi, để có được cây nhãn giống tốt, nhà làm vườn cần chọn mua các cây khoẻ, thân mập, lá xanh dày, vết ghép không sần sùi và đúng giống (giống nhãn cùi, lá có màu xanh đậm, phiến lá phẳng, có 8 - 10 lá đơn/1 lá kép. Giống nhãn lồng, lá khá to, phiến lá gồ ghề, có 12 - 14 lá đơn/1 lá kép. Nhãn đường phèn, cành non có màu tím, có 10 - 12 lá đơn/1 lá kép. Giống nhãn nước chỉ có 6 - 8 lá đơn/1 lá kép).

Anh Phi cho rằng: “Giàu nghèo không phải do số phận, vượt được lên chính mình mới là quan trọng”. Ví như anh ở tuổi niên thiếu đã bị hen suyễn khá nặng, nhìn thân hình gầy gò ốm yếu, ai cũng ái ngại lo cho cuộc sống của anh sau này.

Nhưng không thể phó mặc cuộc đời cho số phận, anh Phi đã kiên trì luyện tập thể dục dưỡng sinh, vượt qua được bệnh tật, tạo được sức khoẻ dẻo dai, lao động sáng tạo, làm ra hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Một vài thành tích nổi bật của anh Phi mới đạt được trong những năm gần đây là: Giành giải Khuyến khích hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Hưng Yên lần thứ nhất (năm 2016), cho giải pháp trồng cây ăn quả bằng phương pháp mới. Được Đài Tiếng nói Việt Nam tặng thưởng 1 điện thoại Smartphone dành cho thính giả tham gia chương trình đặc biệt ngày 2/9/2013. Anh cùng gia đình mỗi năm sản xuất được hơn 10 tấn nhãn quả và trên 5.000 cây nhãn giống. Hiện tại đã ở tuổi 55, nhưng anh Phi vẫn không ngừng lao động.

"Thâm canh nhãn phải gắn với hệ sinh thái VAC hoặc kết hợp với 1 ngành nghề sản xuất phụ nào đó, mới có thể cho thu nhập cao bền vững", anh Phi chia sẻ.

 

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất