| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang thêm 11 xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao

Thứ Sáu 09/12/2022 , 10:34 (GMT+7)

Kiên Giang Chiều 8/12, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức họp Hội đồng thẩm định xét, đề nghị công nhận 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 5 xã nông thôn mới nâng cao.

Nâng cao chất lượng đồi sống người dân nông thôn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung – Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp. Tạo cuộc họp, hội đồng đã nghe báo cáo tóm tắt kết quả thẩm định 19 tiêu chí xã nông thôn mới của 6 xã, gồm: Mỹ Hiệp Sơn, Bình Sơn (huyện Hòn Đất), An Sơn (Kiên Hải), Vĩnh Hòa Phú (Châu Thành), Vĩnh Điều (Giang Thành) và Vân Khánh Tây (An Minh).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung – Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp thẩm định xét, đề nghị công nhận 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 5 xã nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Trung Chánh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung – Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp thẩm định xét, đề nghị công nhận 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 5 xã nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống cho người dân ở nông thôn và làm nền tảng để thực hiện thành công các tiêu chí còn lại trong xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, các xã đã tập trung các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển các lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, tiêu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Từ đó, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tại các xã đều đạt từ 72 – 81%, trong đó lao động có bằng cấp đạt từ 22-66%.

Kết quả, năm 2022 thu nhập bình quân đầu người xã Mỹ Hiệp Sơn đạt 57,8 triệu đồng, Bình Sơn 59 triệu đồng, An Sơn 60,7 triệu đồng, Vĩnh Hòa Phú 54,5 triệu đồng, Vĩnh Điều 54,5 triệu đồng và Vân Khánh Tây 54,9 triệu đồng, đều vượt so với mức quy định (53 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo tại các xã giảm nhanh, theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, đều dưới 4% theo quy định.

Xây dựng nông thôn mới, người dân chung tay tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. Ảnh: Trung Chánh.

Xây dựng nông thôn mới, người dân chung tay tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. Ảnh: Trung Chánh.

Các xã đều có hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2017, đạt hiệu quả và mang lại lợi nhuận cho các thành viên tham gia. Tại các xã đã xây dựng được mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững như xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa, áp dụng kỹ thuật “1 phải - 6 giảm”. Trong đó, cánh đồng lớn tại xã Bình Sơn được Công ty TNHH MTV Lương thực An Giang liên kết tiêu thụ. Xã Vĩnh Điều xây dựng cánh đồng lớn hơn 2.000 ha/vụ, áp dụng theo quy trình canh tác lúa an toàn kiểm soát dư lượng thuốc BVTV, liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa với Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời. Cánh đồng lớn sản xuất lúa tại xã Vĩnh Hòa Phú có sự tham gia liên kết của Công ty TNHH Xuân Phương Kiên Giang.

Kết thúc buổi họp, các thành viên hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu và kết quả 100% đồng ý đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang quyết định công nhận 11 xã, trong đó có 6 xã nông thôn mới năm 2022 và 5 xã nông thôn mới nâng cao.

Xã đảo An Sơn có sản phẩm chủ lực là nuôi cá lồng bè trên biển, với các loại cá mú, các bóp… được Công ty TNHH Hiền Công liên kết thu mua, bao tiêu cá thương phẩm. Các xã Bình An, Vân Khánh Tây… có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 7.300 ha, sản lượng thu hoạch hơn 7.300 tấn/năm. Trong đó sản phẩm chủ lực là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển nuôi, được các công ty, doanh nghiệp Nguyễn Khách, Hoàng Phi An Minh liên kết tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho nông sản. 

Thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của các xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP. Các xã Mỹ Hiệp Sơn, Bình Sơn, Vĩnh Điều… đã được cấp mã số vùng trồng với diện tích sản xuất lúa đạt chuẩn, phục vụ chế biến gạo xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Các sản phẩm chủ lực tôm sú nuôi của xã Vân Khánh Tây, cá nuôi lồng bè trên biển xã An Sơn đang hoàn thiện hồ sơ truy xuất nguồn gốc.

Xã đảo An Sơn có sản phẩm chủ lực là nuôi cá lồng bè trên biển, với các loại cá mú, các bóp… được doanh nghiệp liên kết thu mua, bao tiêu cá thương phẩm cho ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.

Xã đảo An Sơn có sản phẩm chủ lực là nuôi cá lồng bè trên biển, với các loại cá mú, các bóp… được doanh nghiệp liên kết thu mua, bao tiêu cá thương phẩm cho ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.

Trên địa bàn các xã Bình Sơn, Mỹ Hiệp Sơn, An Sơn, Vân Khánh Tây, Vĩnh Điều và Vĩnh Hòa Phú đều có Tổ Khuyến nông cộng đồng hoạt động có hiệu quả về công tác chuyển giao khoa học công nghệ, triển khai các mô hình khuyến nông, tư vấn, tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất phù hợp. Đồng thời hỗ trợ, tư vấn phát triển cho các hợp tác xã, hỗ trợ kết nối thị trường và liên kết chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực về nông nghiệp của xã.

Tại xã Bình Sơn, có nghề truyền thống, làng nghề đan vá lưới phục vụ các tàu đánh bắt, khai thác hải sản, xã An Sơn có nghề làm lá khô truyền thống… Các nghề và làng nghề này được các địa phương quan tâm, có kế hoạch bảo tồn, phát triển, gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường.

Các xã nâng cao vượt qua tiêu chí khắt khe

Nông thôn mới nâng cao gồm 5 xã: Hòn Nghệ (Kiên Lương), Đông Yên (An Biên), Đông Thạnh (An Minh), Thạnh Hưng và Ngọc Thuận (Giồng Riềng). Đây là các xã có hình thức tổ chức sản xuất phát triển, nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân. Xây dựng các mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng cơ giới hóa các khâu, liên kết chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại các xã nông thôn mới nâng cao đều có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn từ 3, 4 sao trở lên, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị. Ảnh: Trung Chánh.

Tại các xã nông thôn mới nâng cao đều có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn từ 3, 4 sao trở lên, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị. Ảnh: Trung Chánh.

Tại các xã đều có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn từ 3, 4 sao trở lên. Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị. Đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung – Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá, đây là sự cố gắng lớn của các địa phương trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới thời gian qua. Vì chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao theo tiêu chí mới hết sức khắt khe. Ông Trung đề nghị các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, xem đây là yếu tố quyết định đến việc duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt được trong thời gian tới. Đồng thời, cần có kế hoạch cũng như cam kết để tiếp tục thực hiện những góp ý của các sở, ngành, nhằm hoàn thiện những tiêu chí nông thôn mới một cách thực chất.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.