Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Dự án nâng cấp Quốc lộ 19) có chiều dài 143km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định do Ban Quản lý Dự án 2, Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (hơn 3.600 tỷ đồng), thi công từ cuối tháng 8/2021 và dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Theo ghi nhận của phóng viên, Quốc lộ 19 đang trong giai đoạn nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, Gia Lai đang bước vào mùa mưa, cộng với việc chủ đầu tư không duy tu, bảo dưỡng khiến gần như toàn bộ đoạn đường xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, tuyến đường đầy rẫy ổ gà, ổ voi và trở thành nỗi ác mộng của phương tiện tham gia giao thông. Chính điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đền việc đi lại, vận chuyển hàng hóa đi các địa phương khác.
Mặt khác, việc thi công tuyến đường chậm chạp khiến cho hàng trăm hộ dân khổ sở vì không có lối đi vào nhà. Cộng với việc mưa kéo dài khiến cho đất đá tràn vào nhà người dân gây hư hỏng tài sản, hoa màu.
Trước tình trạng đó, Cục Quản quản lý đường bộ III đã có nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư việc đảm bảo an toàn giao thông trong khi thi công dự án. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư vẫn cố tình chây ỳ, không chịu khắc phục.
Thậm chí, Cục Quản quản lý đường bộ III đã ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các nhà thầu thi công nhưng công tác khắc phục của các nhà thầu vẫn chưa được thực hiện. Chính vì nguy cơ gây mất an toàn giao thông, nên thời gian qua rất ít phương lưu thông trên tuyến đường này.
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai đã phải có văn bản gửi chủ đầu tư dự án nâng cấp Quốc lộ 19 yêu cầu bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thi công trên đường đang khai thác.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai, nhiều vị trí thi công nền đường đào sâu chưa được bố trí đầy đủ biển báo, cọc tiêu, rào chắn khu vực thi công, phương tiện lưu thông qua vị trí này rất nguy hiểm dễ gây TNGT, ách tắc giao thông (đặc biệt là các vị trí thi công cống ngang đường, cầu).
Đặc biệt trên các đoạn đang triển khai thi công đơn vị có cắm biển báo hiệu giới hạn tốc độ 40Km/h nhưng không có biển báo hiệu hết hạn chế tốc độ 40Km/h, gây khó khăn cho việc lưu thông và ức chế cho người điều khiển giao thông khi qua đoạn tuyến; đồng thời gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vì đây là tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa, kết nối cảng Quy Nhơn với các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng.