| Hotline: 0983.970.780

Dự án lấy đất thi công xong, dân vẫn chờ đền bù

Thứ Năm 25/08/2022 , 08:58 (GMT+7)

Dự án lấy đất của hàng trăm hộ dân thực hiện công trình kênh mương nhưng đến nay hơn 2 năm dân vẫn chờ đền bù theo quy định.

Giao đất rồi mỏi mòn chờ đền bù

Dự án hồ thủy lợi Ia Mơr (giai đoạn 2, kênh và công trình trên kênh đoạn qua địa bàn tỉnh Đăk Lăk) chiều dài hơn 33km, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 159 tỷ đồng, mục đích dẫn nước từ hồ thủy lợi Ia Mơr (tỉnh Gia Lai) phục vụ tưới cho 4.000ha đất canh tác thuộc địa bàn xã Ia Lốp và một phần xã Ia Jlơi (huyện Ea Súp).

Do tính cấp bách của dự án và để thi công kịp tiến độ, UBND tỉnh Đăk Lăk đồng ý chủ trương cho chủ đầu tư thực hiện thu hồi đất thi công trước rồi bồi thường sau. Đến nay chủ đầu tư dự án đã thu hồi, giải phóng mặt bằng đất của 354 hộ dân tại xã Ia Lốp và thực hiện xong công trình. 

Khi chủ đầu tư thực hiện dự án, hàng trăm người dân tại xã Ia Lốp đồng thuận và tiến hành bàn giao mặt bằng để triển khai dự án trong năm 2020. Cuối năm 2021, công trình đã hoàn thành thi công, nhưng đến nay, quyền lợi của người dân bị thu hồi đất vẫn chưa được giải quyết.

z3654819547476_0b011e1bfea1e581af53f58e71359c62

Mương thủy lợi của công trình kênh Ia Mơr đã hoàn thành nhưng đến nay dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Ảnh: Quang Yên.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Nghĩa (ngụ thôn Trung, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) là một trong những trường hợp bị ảnh hưởng nhiều khi công trình kênh tưới đi qua.

Ông Nghĩa cho biết, gia đình có hơn 6 sào đất trồng nhãn, xoài đang thời kỳ kinh doanh. Khi có chủ trương thực hiện dự án, gia đình biết thiệt hại về kinh tế nhưng rất ủng hộ việc bàn giao 1.600m2 đất cho chủ đầu tư vì mục đích chung. Tuy nhiên đến nay, gia đình cũng như hàng trăm hộ khác đến nay vẫn chờ tiền đền bù.

“Chúng tôi nhiều lần lên xã để hỏi về việc nhận tiền đền bù nhưng cán bộ đều chỉ lên huyện. Đến nay hơn 2 năm dự án triển khai xong nhưng dân vẫn chưa nhận được đồng tiền nào để chuyển đổi cây trồng”, ông Nghĩa bức xúc.

Dự án hồ thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, dung tích gần 180 triệu m3 nước, cấp nước cho 10.000ha đất canh tác tại tỉnh Gia Lai và 4.000ha đất canh tác tại tỉnh Đăk Lăk. Dự án do Ban quản lý đầu tư và thủy lợi 8 (Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư. Kênh chính Đông có tổng chiều dài 35,6km nằm trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk, kênh chính Tây dài hơn 15km nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Tương tự, ông Bùi Tấn Tài (ngụ thôn Trung, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) cũng bị thu hồi hơn 2.000m2 để xây dựng mương tưới nước. “Đơn vị thi công xong cũng không hoàn trả mặt bằng như ban đầu để gia đình canh tác. Việc không có tiền đền bù, đất không thể canh tác lúa nước khiến gia đình gặp nhiều khó khăn”, ông Tài thông tin.

274719449_4540831026023105_5205005880332807095_n

Đất người dân bị ủi nham nhở, không thể canh tác. Ảnh: Quang Yên.

Hàng trăm hộ dân tại xã Ia Lốp khi biết dự án được triển khai sẽ đưa nước tưới về cho vùng đất khô khát này nên rất ủng hộ. Hầu hết bà con đều đồng thuận và bàn giao mặt bằng để xây dựng công trình, trung bình từ 0,5 - 1 sào/hộ. Nhưng đến nay dự án đã hoàn thành nhưng người dân vẫn đang chờ tiền đền bù từ cơ quan chức năng.

Chưa bồi thường vì đang xây dựng kế hoạch sử dụng đất

Theo UBND huyện Ea Súp, năm 2021, UBND tỉnh đã giao địa phương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu áp dụng chế độ, chính sách giải phóng mặt bằng để phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với công trình hồ thủy lợi Ia Mơr.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, địa phương gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, UBND huyện Ea Súp vướng mắc liên quan đến nguồn gốc sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất, áp dụng khung chính sách, xác định tuổi cây trồng và hỗ trợ hộ nghèo…

2_2_20220802063723

Hiện chính quyền địa phương mới bổ sung quy hoạch sử dụng đất nên người dân chưa thể nhận tiền bồi thường. Ảnh: Quang Yên.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, việc hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân thuộc dự án thực hiện kênh mương tại xã Ia Lốp còn vướng mắc.

Cụ thể, dự án thực hiện theo chủ trương thi công trước đề bù sau. Tuy nhiên đến nay huyện vẫn chưa phê duyệt được quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Ngoài ra, một số chính sách để hỗ trợ cho dân bị ảnh hưởng từ dự án, huyện đang xin chủ trương của tỉnh.

“Ban thường vụ Tỉnh ủy đã làm việc với huyện để đưa ra hướng giải quyết cho người dân. Dự án đã có tiền nhưng do quy hoạch sử dụng đất không theo kịp nên đang vướng chỗ này”, ông Nhiệm nói.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng dự án gần 20 tỷ đồng, hiện đã có sẵn. Tuy nhiên, phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa được huyện Ea Súp thẩm định, phê duyệt nên chưa thể chi trả cho người dân. “Khi UBND huyện hoàn thành các thủ tục và trình phường án để Ban thẩm định là có thể chi tiền cho người dân”, lãnh đạo này nói.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.