| Hotline: 0983.970.780

Người dân mong muốn duy trì chương trình dinh dưỡng

Thứ Năm 08/09/2022 , 10:03 (GMT+7)

QUẢNG NAM Nhận thức của người dân về vai trò của bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ được nâng lên, tuy nhiên việc áp dụng vào thực tế đang gặp không ít khó khăn.

Khi nói về việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai, trẻ nhỏ trên địa bàn, bà Đinh Thị Ngơi, Chủ tịch UBND xã Sông Kôn (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) thừa nhận rằng, trước đây vấn đề này hầu như người dân trong xã ít khi chú ý đến. Với đa số cư dân đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nên người dân ở Sông Kôn phải chật vật mưu sinh.

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi ở thôn K8 (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, Quảng Nam) lên đến 85%. Ảnh: Đăng Lâm.

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi ở thôn K8 (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, Quảng Nam) lên đến 85%. Ảnh: Đăng Lâm.

Bởi vậy mà dù mang thai người phụ nữ cũng phải lên nương, làm rẫy, ăn cơm nắm qua ngày. Có người đã cận kề ngày sinh nhưng vẫn đi làm rồi sinh con ngay trên nương. Sinh xong chỉ 1 tuần lại tiếp tục đi làm. Những đứa trẻ vừa sinh chưa được bao lâu thì cứ sáng sớm đã phải xa mẹ, dù khát sữa nhưng đến trưa mới được mẹ về cho bú.

Không được sự chăm bẵm thường xuyên, người mẹ ăn uống lại không có đủ chất nên tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi ở xã Sông Kôn luôn ở mức cao. Tại thôn K8 (xã Sông Kôn), theo chị Blúp Thị Cưa, Cán bộ y tế thôn thì tỷ lệ này lên đến 85%.

Ngoài nguyên nhân do người mẹ bận rộn công việc, không hiểu biết về dinh dưỡng thì còn bởi phong tục, tập quán của người dân tồn tại lâu nay khó thay đổi. Bên cạnh đó, kinh tế gia đình cũng không đủ điều kiện để mua các thực phẩm bồi dưỡng cho trẻ.

Từ thực tế đó, Trường Cao đẳng Lương thực - thực phẩm Đà Nẵng đã triển khai dự án về dinh dưỡng gắn với Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” tại thôn K8. Mục tiêu nhằm nâng cao kiến thức về dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và cho con bú, giảm dần tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi tại địa phương này.

Chị Blúp Thị Cưa cho biết, khi dự án đưa về thôn, chị em phụ nữ rất phấn khởi. Mặc dù thôn K8 chỉ có 15 trẻ (từ 7 tháng đến 3 tuổi) được chọn để thực hiện thí điểm nhưng trong các lớp tập huấn đã thu hút rất nhiều người tham gia. Họ rất muốn tìm hiểu xem phải nuôi con của mình như thế nào cho đúng cách, để trẻ phát triển toàn diện.

Các bà mẹ có con nhỏ ở thôn K8 được tập huấn về chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và cho con bú. Ảnh: Đăng Lâm.

Các bà mẹ có con nhỏ ở thôn K8 được tập huấn về chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và cho con bú. Ảnh: Đăng Lâm.

Tại thôn K8, dự án đã tổ chức được 3 lớp tập huấn kiến thức về dinh dưỡng cho các bà mẹ với mỗi lớp trung bình khoảng 30 người tham gia. Sau các lớp tập huấn, các bà mẹ chia nhau thực hành nấu các bữa ăn cho trẻ. Mỗi ngày, trẻ được ăn đầy đủ các chất như cá, thịt, trứng, các loại rau, bột dinh dưỡng... Hoạt động này kéo dài liên tục trong vòng 1 tháng.

“Dù thời gian ngắn nhưng lại rất đạt hiệu quả, chị em chúng tôi cũng dần hiểu được vai trò của bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ. Các cháu ăn ngon, nhiều bé tăng cân rõ rệt. Thế nhưng, chi phí cho những bữa ăn này khá cao. Bởi đây là địa bàn miền núi, giá cả các loại thực phẩm nhỉnh hơn ở các vùng khác. Do đó, để duy trì thực hiện cũng không phải dễ”, chị Cưa nói.

Cũng theo chị Cưa, khi kết thúc dự án, nhiều chị em cũng đã áp dụng kiến thức đã được tập huấn, thực hành về chế biến bữa ăn trong gia đình. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, lo sợ con mình sau này yêu cầu nhưng không đáp ứng được, nhiều hộ đành chấp nhận dừng thực hiện. Cuối cùng lại quay về kiểu: Cha mẹ ăn gì con ăn đó.

“Chúng tôi mong muốn chương trình tiếp tục được thực hiện nhưng kéo dài thời gian hơn, thường xuyên, liên tục xem kẽ hợp lý. Ví dụ như trong 1 năm sẽ thực hiện từ tháng 1 đến tháng 3. Sau đó, từ tháng 9 đến tháng 10 lại tiếp tục. Như thế, người dân sẽ không quên kiến thức. Bên cạnh đó, cần tính toán chi phí cho phù hợp với điều kiện kinh tế của các gia đình ở địa phương”, chị Cưa đề nghị.

Bà Đinh Thị Ngơi, Chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho biết: “Nhờ những lớp tập huấn từ chương trình “Không còn nạn đói” mà hiện nay các chị em phụ nữ trong xã đã biết cách ăn uống, dưỡng thai, lao động có chừng mực. Họ nhận thức được việc chú trọng sức khỏe của người mẹ, trong thời gian mang thai, sau khi sinh, chế độ dinh dưỡng, cho con bú. Bây giờ đa số chị em đều cho con bú theo đúng giai đoạn, ít nhất liên tục trong 3 tháng”.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.