| Hotline: 0983.970.780

Người đàn ông dân tộc thiểu số mang đường về thôn bản

Thứ Tư 09/11/2022 , 19:16 (GMT+7)

QUẢNG NINH Ông Lý Văn Linh đã tập hợp bà con là người dân tộc thiểu số trong thôn Pò Đán đóng góp tiền và ngày công để xây dựng đường liên thôn phục vụ sản xuất.

Ông Lý Văn Linh giới thiệu con đường được bê tông hóa dẫn đến khu sản xuất. Ảnh: Viết Cường.

Ông Lý Văn Linh giới thiệu con đường được bê tông hóa dẫn đến khu sản xuất. Ảnh: Viết Cường.

Với đặc thù là huyện miền núi có xuất phát điểm thấp, công tác xây dựng nông thôn mới ở Bình Liêu gặp không ít khó khăn. Song đến nay, bộ mặt nông thôn Bình Liêu đã và đang thay đổi từng ngày.

Với nguồn kinh phí 150 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Bình Liêu đã tiến hành đầu tư cho 129 công trình, dự án trong đó có dự án quy hoạch cho 7 xã, 9 dự án phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng 113 công trình giao thông thủy lợi, trường học, nước sạch và vệ sinh môi trường.

Bên cạnh những tuyến đường được nhà nước đầu tư toàn bộ, bà con dân tộc thiểu số ở các thôn, xã cũng đã thay đổi suy nghĩ, mạnh dạn hiến đất làm đường để phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Trao đổi với phóng viên, ông Lý Văn Linh, người dân tộc Sán Chỉ sinh sống tại thôn Pò Đán, xã Húc Động, huyện Bình Liêu cho biết, các con đường ở thôn trước đây chỉ là đường đất, cứ đến mùa thu hoạch hồi, quế là bà con nơi đây phải cuốc bộ rất vất vả, mất hàng tiếng đồng hồ để đến được vùng sản xuất. Đường đi vốn đã khúc khuỷu, đầy đất đá mấp mô, lởm chởm, cách một đoạn lại có tảng đá to chắn ngang đường. 

"Nhớ lại khoảng thời gian trước, tôi được chứng kiến cảnh bà con phải xách gà lội qua những con đường đất trơn trượt. Còn với những người bán lợn thì phải hai, ba người khiêng, rất vất vả mới có được đồng tiền trang trải cuộc sống", ông Linh bồi hồi.

Phải làm sao để bà con đỡ vất vả? Suy nghĩ ấy luôn hiện hữu trong đầu người cán bộ về hưu ở thôn Pò Đán. Năm 2005, ông Linh vận động người dân hiến đất làm đường. Trái với suy nghĩ ban đầu sẽ rất khó khăn để thuyết phục xóm giềng, bà con dân tộc thiểu số ở trong thôn đều đồng lòng, nhất trí.

Đến năm 2008, sau gần 3 năm thi công thì cơn bão số 6 gây mưa lớn kéo dài làm trôi vật liệu, gây hư hỏng con đường đang làm dở khiến ông Linh như muốn khóc. Nhưng với quyết tâm phải làm đến cùng, làm bằng được của bà con dân tộc thiểu sốnơi đây, thôn Pò Đán đã có tuyến đường bê tông hóa đầu tiên, xe máy có thể đi được.

Thôn Pò Đán từng bước xây dựng nông thôn mới từ nỗ lực của bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Ảnh: Viết Cường.

Thôn Pò Đán từng bước xây dựng nông thôn mới từ nỗ lực của bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Ảnh: Viết Cường.

Những năm sau đó, người dân thôn Pò Đán vận động nhau cũng góp tiền của, ngày công để xây dựng thêm nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã. Mỗi gia đình nhất trí đóng góp 500.000 đồng và cử người đại diện tham gia làm đường. "Hiện chỉ còn 4 tuyến chưa được bê tông hóa nhưng trong tương lai sẽ làm xong để phục vụ bà con đi lại cũng như yên tâm lao động, sản xuất", ông Linh chia sẻ.

Chứng kiến con đường tới khu sản xuất được người dân chung sức xây dựng, bà con đi lại bớt vất vả hơn, ông Linh không giấu nổi niềm vui, sự phấn khởi. Ông Linh chia sẻ, với ông, hạnh phúc lớn nhất là được giúp bà con giao thương thuận lợi, phát triển kinh tế.

Giờ đây, bà con thôn Pò Đán có thể an tâm lao động sản xuất, rút ngắn thời gian đi lại và tăng thêm thu nhập qua từng năm. Từ đó, nụ cười dần thay thế cho những cái cau trán, nhíu mày, khi “con đường đau khổ” năm nào, nay đã trở thành “con đường hạnh phúc”.

Từ nhu cầu về nguồn vốn đầu tư của địa phương miền núi biên giới, huyện Bình Liêu đã trình HĐND tỉnh Quảng Ninh, HĐND tỉnh đã chấp thuận ban hành Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 về “Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”.

Theo Nghị quyết này, huyện Bình Liêu được phân bổ trên 1.000 tỷ đồng để thực hiện. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh gần 520 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện trên 377 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 26 tỷ đồng và vốn ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội trên 106 tỷ đồng.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.