| Hotline: 0983.970.780

Cần 'thông đường' cho nông nghiệp công nghệ cao Quảng Ninh

Thứ Ba 25/10/2022 , 07:30 (GMT+7)

Một số dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tại Quảng Ninh gần đây có dấu hiệu chững lại, chậm triển khai trên thực tế.

Vài năm trước, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn lần lượt đầu tư vào nông nghiệp tại Quảng Ninh, cùng tỉnh thực hiện lộ trình hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây được coi là điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Quảng Ninh.

Trong đó, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao WinEco của Tập đoàn Masan đã được giao 109ha tại xã Hồng Thái Tây (Thị xã Đông Triều); Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản của Tập đoàn Việt - Úc được giao 169,5ha tại xã Tân Lập (huyện Đầm Hà).

z3498249085372_a0a336e3a2180a9fc15fa85794986f3d

Mô hình trồng dưa nhà màng tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao WinEco. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tuy nhiên đến nay, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao WinEco mới chỉ bước đầu có các hoạt động sản xuất, chưa triển khai được các hạng mục cơ bản của khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Trong khi đó tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thuỷ sản tại Đầm Hà, việc triển khai bị chậm lại. Tập đoàn Việt - Úc đã đi sản xuất tôm giống đáp ứng nhu cầu toàn tỉnh cũng như các tỉnh, thành phố lân cận. Tuy nhiên, nhiều hạng mục khác vẫn chưa được triển khai. Hiện diện tích đang hoạt động tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao Đầm Hà chỉ khoảng 20ha, chiếm hơn 10% tổng diện tích cả Khu.

Theo đại diện Tập đoàn Việt - Úc, đơn vị lâu nay sẵn sàng các điều kiện để triển khai các hoạt động nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao. Tuy nhiên, cái vướng hiện nay là mặt bằng chưa được giao hoàn toàn, phần đã được giao diện tích nhỏ, chưa thực sự thuận lợi để triển khai các hạng mục như mong muốn. 

Ngoài 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kể trên, nông nghiệp Quảng Ninh có các mô hình nông nghiệp công nghệ cao khác liên quan đến nuôi tôm; chăn nuôi gà, bò; trồng hoa lan; chế biến hàu; trồng nấm đông trùng hạ thảo… Tuy nhiên, các mô hình này vẫn ở dạng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết...

Những năm qua, Quảng Ninh dành nguồn lực đầu tư cho những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích doanh nghiệp, nông hộ chủ động phát triển mô hình sản xuất của mình theo hướng này.

Đơn cử như HTX Sản xuất Kinh doanh nông nghiệp Tuyền Hiền (huyện Đầm Hà) đã áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất con giống. Đối tượng chủ lực hiện nay của HTX chính là giống gà bản Đầm Hà, vốn là giống gà ngon, có những ưu điểm nổi bật về chất lượng, hương vị, tốc độ phát triển, khả năng thích ứng môi trường, tuy nhiên, điểm yếu là khả năng sinh sản tự nhiên thấp.

20210713_093752

HTX Tuyền Hiền phục tráng gà bản Đầm Hà thành công nhờ thụ tinh nhân tạo. Ảnh: Nguyễn Thành.

Để có thể nhân giống gà bản địa, HTX Tuyền Hiền thay vì thực hiện theo phương pháp phối giống tự nhiên, truyền thống, đơn vị đã chủ động thực hiện thụ tinh nhân tạo cho gà. Đồng thời, sau nhân giống, gà giống được nuôi dưỡng trong môi trường nhà lạnh.

Từ công nghệ làm giống và dưỡng giống này, gà giống của Tuyền Hiền khi ra thị trường có sức đề kháng tốt, thích ứng tốt với môi trường, tốc độ sinh trưởng, phát triển đảm bảo, chất lượng thịt được giữ nguyên như khi nuôi chăn thả tự nhiên…

Từ việc làm chủ về công nghệ làm giống gà bản địa Đầm Hà, HTX Tuyền Hiền đã cung ứng giống và liên kết bao tiêu sản phẩm cho trên 100 hộ nuôi tại các địa phương Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ với tổng đàn từ 200.000 - 250.000 con mỗi năm, trong đó, HTX còn bao tiêu khoảng 60% sản lượng.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, những chính sách thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao sẽ được đơn vị tiếp tục tham mưu UBND tỉnh để triển khai. Đơn cử như chính sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án nông nghiệp có liên kết; hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến các khu nông nghiệp công nghệ cao; về mặt bằng và các chính sách thu hút tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp. Đây là điều kiện cần thiết để nền nông nghiệp công nghệ cao của Quảng Ninh khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.