Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TP Uông Bí (Quảng Ninh) đã tổ chức hội nghị tổng kết mô hình gieo cấy thử nghiệm giống lúa ST25 vụ mùa năm 2022 tại các phường Phương Đông, Trưng Vương.
Mô hình gieo cấy thử nghiệm giống lúa ST25 được triển khai thực hiện tại 150 hộ gia đình với quy mô 20ha. Tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 600 triệu đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 184 triệu đồng.
Kết quả ban đầu cho thấy, giống lúa ST25 khỏe, khả năng đẻ nhánh trung bình, khả năng sinh trưởng, phát triển tốt; hạt gạo thon dài, trắng, cơm mềm dẻo, thơm. Giống lúa ST25 có bộ lá gọn, đứng, thuận lợi cho quá trình quang hợp; lúa cứng cây, khả năng chống đổ và chống chịu sâu bệnh tốt. Sau hơn 5 tháng triển khai, mô hình gieo cấy thử nghiệm giống lúa ST25 cho năng suất trung bình đạt hơn 5,9 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, cho lợi nhuận hơn 44 triệu đồng/ha.
Bà Đỗ Thị Hương, hộ dân gieo cấy thử nghiệm giống lúa ST25 vụ mùa năm 2022 tại phường Trưng Vương chia sẻ: "Ngay khi gieo trồng, tôi đầu tư phân bón đảm bảo theo quy trình theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp và có đầu tư thêm phân hữu cơ trong quá trình canh tác.
Có lẽ vì điều kiện thổ nhưỡng của TP Uông Bí thích hợp nên giống lúa ST25 sinh trưởng, phát triển rất khỏe, cứng cây. Về sâu bệnh hại thì đặc biệt yên tâm. Với sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn, bạc lá hay đạo ôn lá… giống lúa này chỉ nhiễm nhẹ, không ảnh hưởng đến năng suất. Nông dân như chúng tôi vì thế cũng an tâm và mạnh dạn trồng các loại giống lúa mới như thế này để đa dạng các giống lúa tại địa phương".
Ông Nguyễn Duy Toàn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TP Uông Bí cho biết, việc gieo cấy, chăm sóc giống lúa ST25 đòi hỏi phải có kỹ thuật ngay từ khâu đầu tiên đến khâu thu hoạch, sơ chế; sử dụng phân bón hợp lý, cân đối, giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV, qua đó góp phần giảm thấp nhất tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người.
Qua đánh giá, giống lúa ST25 gieo cấy vụ mùa 2022 phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu tại địa phương. Việc thí điểm giống lúa mới ST25 hiệu quả sẽ góp phần thay thế những giống lúa cũ có năng suất, chất lượng thấp, phù hợp với với định hướng phát triển sản xuất lúa hàng hoá, đưa các giống chất lượng cao vào sản xuất trên địa bàn Thành phố.
Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TP Uông Bí sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, hướng dẫn quy trình chăm sóc cho từng nông hộ tham gia thực hiện. Trên tài liệu quy trình kỹ thuật sẽ có công bố số điện thoại liên hệ của cán bộ kỹ thuật trực tiếp triển khai chương trình để giải đáp thắc mắc, đưa ra khuyến cáo kịp thời cho bà con nông dân. Qua đó, Trung tâm sẽ đồng hành cùng nông dân triển khai một cách hiệu quả, phổ biến giống lúa ST25 tại địa phương.
"Các mô hình khuyến nông được triển khai thực hiện nhằm mục đích giới thiệu, chuyển giao kỹ thuật về các giống cây trồng, vật nuôi mới; đồng thời, giúp người dân tiếp cận với phương pháp phát triển sản xuất theo định hướng thị trường. Thông qua thực hiện các mô hình và tham gia các lớp tập huấn, nông dân dần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm. Nhiều hộ nắm vững kỹ thuật, biết bố trí thời vụ, sử dụng giống mới và bón phân hợp lý... Nhờ đó, hiệu quả chăn nuôi, trồng trọt được nâng cao", ông Nguyễn Duy Toàn cho hay.
Nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu, tạo bước đột phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, nhiều dự án khuyến nông ở TP Uông Bí đã được triển khai, giúp nông dân tiếp cận phương thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn, dần nâng cao nhận thức về tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thu nhập ổn định.
Hiện trung bình mỗi năm TP Uông Bí dành từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng cho công tác khuyến nông. Từ các mô hình khuyến nông có hiệu quả được thành phố hỗ trợ thực hiện, đến nay, trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình, điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp như: Mô hình phát triển đàn gà ri thuần, tôm thẻ chân trắng, mô hình trồng hoa cúc vàng kim cương...