Hiện nay, nếu như đến các địa phương ở Quảng Ngãi và nhắc đến cây mía thì nhiều nông dân thể hiện sự ngán ngẩm. Bởi lợi ích kinh tế mà loại cây này mang lại quá thấp. Chính vì vậy, khoảng 5 năm trở lại đây, một số vùng chuyên canh cây mía ở tỉnh này đã được thay thế sang các loại cây trồng khác như bắp, đậu, ớt… Cây mía đang dần bị xóa bỏ.
Xã Nghĩa Lâm trước đây được xem là thủ phủ mía của huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi). Đã có thời điểm, diện tích trồng mía của cả xã lên đến 270ha. Khắp các gò đồi hay đồng ruộng bao phủ bởi 1 màu xanh ngút ngàn của cây mía. Thế nhưng, bây giờ tới đây để tìm được 1 ruộng mía cũng rất khó. Nếu có thì cũng chỉ một vài diện tích nhỏ trong vườn nhà của người dân.
Bà Nguyễn Thị Yến (trú thôn 7, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa) cho biết, người dân trong xã hầu như ai cũng bỏ cây mía để qua trồng các loại cây khác. Trước đây, có nhà máy đường Phổ Phong (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) thu mua mía của người dân nhưng bây giờ nhà máy ngừng hoạt động (từ niên vụ 2020 – 2021) nên không biết bán cho ai.
“Hơn nữa, hiệu quả kinh tế của cây mía quá thấp. Nhà tôi trước đây trồng 7 sào mía nhưng bán ra chỉ được vỏn vẹn có 1,4 triệu đồng. Thế nên, vụ năm ngoái, tôi liền chuyển qua trồng sắn. Cây sắn có thời gian sinh trưởng ngắn hơn cây mía nhưng lãi hơn gấp nhiều lần. Cũng với diện tích 7 sào, tôi thu được hơn 25 triệu đồng từ cây sắn”, bà Yến chia sẻ.
Ông Bùi Đức Quang, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm cho rằng, việc cây mía kém hiệu quả và người dân chuyển qua các loại cây trồng khác tại địa phương là hợp lý. Đến nay, từ một nơi từng là vựa mía của huyện thì Nghĩa Lâm bây giờ đã không còn diện tích mía.
“Toàn bộ 270 ha diện tích mía trước đây người dân đã chuyển qua các loại cây khác, trong đó có 190 ha cây sắn, 20 ha cây ngô, 30 ha cây keo, 7 ha ớt, 10 ha trồng cỏ chăn nuôi, 13 ha đậu các loại. Nhìn chung là đất đều chuyển đổi sản xuất hết, không có diện tích nào bỏ hoang. Địa phương cũng rất khuyến khích người dân chuyển đổi qua các loại cây có giá trị kinh tế hơn”, ông Quang nói.
Không riêng gì ở huyện Tư Nghĩa, mà các huyện khác ở tỉnh Quảng Ngãi có diện tích trồng mía như Sơn Tịnh, Đức Phổ, Mộ Đức, Bình Sơn… cũng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Tịnh thì khoảng 80 ha trồng mía trước đây của huyện này hầu như đã chuyển qua trồng bắp hoặc sắn. Hiện, chỉ còn một diện tích nhỏ (vài ha) người dân trồng để bán mía ép nước uống.
Được biết, theo Quyết định số 27 ngày 6/1/2017 của tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch diện tích trồng mía đến năm 2020 là 4.300 ha trong đó có mía đứng hàng năm là 3.655 ha và mía luân canh là 645 ha, năng suất 70 tấn/ha; định hướng đến năm 2025 diện tích mía quy hoạch là 4.400 ha. Tuy nhiên sau đó, tỉnh này đã ra Quyết định số 198 ngày 25/3/2019 và bãi bỏ quy hoạch này.
Theo Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, những năm qua, diện tích cây mía trên địa bàn liên tục giảm xuống. Đến năm 2020, diện tích mía của toàn tỉnh chỉ còn hơn 600 ha. Đến năm nay các huyện đều không có kế hoạch trồng mía nên không có số liệu báo cáo nhưng khả năng diện tích còn tiếp tục giảm.
Bà Trần Ngọc Yến Trang, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Trước đây, người dân Quảng Ngãi trồng mía chủ yếu để cung cấp cho 2 nhà máy trên địa bàn là Nhà máy đường Quảng Phú và Nhà máy đường Phổ Phong.
Tuy nhiên bây giờ cả 2 nhà máy này đều không hoạt động nữa nên khi sản xuất ra không có nơi tiêu thụ. Do đó, hiện nay tỉnh Quảng Ngãi không có kế hoạch phát triển cây mía nữa. Với những diện tích trồng mía trước đây, Chi cục chỉ có định hướng chung là chuyển qua cây trồng khác. Còn chuyển đổi qua cây gì thì tùy theo thực tế của mỗi địa phương”, bà Trang nói.