Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê, đơn vị trực thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi, trong niên vụ này, tổng diện tích mía trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai của nhà máy nằm trên địa bàn các huyện: KBang, Đăk Pơ, Kông Chro và TX An Khê còn 17.500ha. Nhờ thời tiết thuận lợi, từ tháng 5/2020 đã có mưa kéo dài đến tháng 11/2020, nên năng suất mía trong vùng đạt bình quân khoảng 63 tấn/ha, cao hơn mức dự kiến 3 tấn/ha.
Thêm vào đó, bản đồ hiện trạng dinh dưỡng đất vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai do Công ty CP Đường Quảng Ngãi phối hợp với Công ty Phân bón Việt Nhật thành lập cũng đã góp phần nâng cao năng suất mía trong vùng. Căn cứ bản đồ hiện trạng dinh dưỡng đất, Nhà máy Đường An Khê khuyến cáo nông dân sản xuất, kinh doanh mía trên địa bàn vùng nguyên liệu sử dụng phân bón hợp lý để phát triển cây mía theo hướng bền vững, giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh tế và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
“Theo bản đồ hiện trạng dinh dưỡng đất vùng nguyên liệu, Nhà máy Đường An Khê phối hợp với Công ty Phân bón Việt Nhật sản xuất các loại phân đặc hiệu bón cho cây mía trong vùng nguyên liệu góp phần nâng cao năng suất”, ông Nguyễn Hoàng Phước cho hay.
Một nguyên nhân khác dẫn tới năng suất mía trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai trong niên vụ này được nâng cao là nhờ Nhà máy Đường An Khê thông báo sớm giá thu mua mía với giá cao, nên nông dân phấn khởi, mạnh dạn đầu tư phân bón, chăm sóc cây mía tốt hơn mọi năm.
Căn cứ tình hình thực tế trên đồng mía và thị trường hiện nay, trong niên vụ sản xuất mía đường 2020-2021, Nhà máy Đường An Khê đã điều chỉnh giá thu mua mía nguyên liệu đến 3 lần. Lần điều chính mới nhất vào ngày 20/2/2021, Nhà máy Đương An Khê đã thông báo sẽ thu mua mía với giá 980.000đ/tấn mía thuần 10 CCS (chữ đường) tại ruộng. Nhà máy sẽ hỗ trợ chi phí vận chuyển từ bến bãi về đến nhà máy tùy theo cự ly xa gần, bình quân 130.000đ/tấn, cộng với chi phí trung chuyển 30.000đ/tấn mía thuần qua cân. Riêng đối với mía sạch, có tạp chất dưới 2%, nhà máy sẽ được hỗ trợ thêm 20.000đ/tấn. Vị chi mỗi tấn mía khi đưa vào sản xuất có giá thành là 1.160.000đ. “Với giá thu mua mía hiện hành, người nông dân đang có lãi rất tốt, thu nhập của người trồng mía tăng cao, trở lại thời điểm cách đây 7-8 năm”, ông Nguyễn Hoàng Phước khẳng định.
Trong niên vụ 2020-2021, Nhà máy Đường An Khê tiếp tục thực hiện chính sách đầu tư để phát triển vùng nguyên liệu. Theo đó, nhà máy đầu tư tiền hom giống mía trồng tơ đối với 3 giống Uthoong11, KK3, LK92-11 với mức từ 5-10 triệu đồng/ha, không đầu tư cho diện tích mía trồng các giống khác. Hỗ trợ không thu hồi tiền bã bùn từ 50-70 tấn/ha tùy từng loại đất đã được nhà máy kiểm tra. Về phân bón, nhà máy sẽ đầu tư từ 800-1.000kg phân/ha cộng với 1.000kg vôi/ha và công cày, bừa, trồng bằng cơ giới do nhà máy thực hiện, tất cả các khoản đầu tư đều không tính lãi.
Ngoài ra, hiện đang là thời điểm trồng tơ, trong điều kiện nắng hạn, đất khô sẽ làm ảnh hưởng đến tỷ lệ mọc mầm của mía. Để hỗ trợ 1 phần chi phí cho hộ trồng mía trong vùng nguyên liệu tận dụng nguồn nước bơm tưới cho diện tích mía tơ, Nhà máy Đường An Khê sẽ hỗ trợ không thu hồi 1,5 triệu đồng/ha. “Nhờ Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đường nhập lậu có xuất xứ từ Thái Lan nên hiện giá đường trong nước đã ổn định, tăng cao hơn trước. Hiện giá nhà máy xuất bán khoảng 16.000đ-17.000đ/kg, theo đó, giá thu mua mía nguyên liệu của nhà máy tăng cao theo, đồng nghĩa thu nhập của người trồng mía khởi sắc hơn so những năm trước”, ông Phước phân tích.
“Khi mía được thu mua với giá cao, cộng với chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu của nhà máy, chắc chắn khoảng 2 năm sau vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai sẽ tăng lên đến 30.000ha, đáp ứng đủ công suất của nhà máy là 2,5 triệu tấn mía nguyên liệu/vụ sản xuất”, Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê Nguyễn Hoàng Phước, khẳng định.