| Hotline: 0983.970.780

Người dân quanh hồ Sông Sinh cứ mưa to là lo ngập

Thứ Hai 15/07/2024 , 06:36 (GMT+7)

QUẢNG NINH Đập tràn hồ Sông Sinh có 8 cống xả thì 4 cống khó thoát nước do vướng vào công trình vườn hoa, dẫn đến dòng chảy bi thu hẹp, nước lũ thoát chậm.

Chợ Trung tâm thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh bị ngập lụt ngày 9/6. Ảnh: Cường Vũ.

Chợ Trung tâm thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh bị ngập lụt ngày 9/6. Ảnh: Cường Vũ.

Trận lụt lịch sử tại thành Uông

Đêm mùng 8 và ngày 9/6, do ảnh hưởng của rãnh thấp đi qua khu vực Bắc bộ kết hợp hội tụ gió trên cao, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra mưa to đến rất to kéo dài. Đây là đợt mưa to diện rộng được đánh giá là lớn nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Mưa lớn đã gây ngập lụt, thiệt hại về tài sản của người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó thành phố Uông Bí là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất với 1.064 hộ dân và 32 ô tô bị ngập; ngập úng trên 58ha hoa màu, 134ha ao đầm thủy sản, bị trôi 500 con gia súc, gia cầm; sạt lở 7 tuyến đường tỉnh lộ, đường liên phường và khu dân cư. Trước tình trạng này, nhân dân thành phố Uông Bí đã kiến nghị chính quyền xác định nguyên nhân và sớm có giải pháp chống ngập úng trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đình Hậu, người dân đang sinh sống và kinh doanh dịch vụ ăn uống tại đường bên hồ Sông Sinh (tổ 4, khu 2, phường Thanh Sơn), cho biết trước đây dù mưa to đến mấy khu này cũng không bị ngập. Tuy nhiên, sau khi thành phố cải tạo lại đập Sông Sinh, đã xảy ra 3 lần ngập nặng, vào khoảng năm 2015, 2022 và "khủng khiếp" nhất là vào đầu tháng 6/2024. Nói xong, ông Hậu đi ra chỉ tay vào cột nhà, kể lại trận lụt tháng trước "nước ngập đến đây (khoảng 1m) em ạ, còn ngoài cổng thì gần ngập đầu. Đồ đạc trong nhà anh như tivi, tủ lạnh, các thiết bị điện,… không chạy kịp bị hư hỏng, anh phải dừng kinh doanh từ hôm đó đến giờ. Một số hộ dân quanh đây cũng trong tình cảnh như vậy".

Ông Nguyễn Đình Hậu chỉ vào điểm ngập nước sau trận mưa to hôm 9/6. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Nguyễn Đình Hậu chỉ vào điểm ngập nước sau trận mưa to hôm 9/6. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo ông Hậu và nhiều người dân địa phương, nguyên nhân khu vực dân cư ven hồ bị ngập nặng do mưa lớn kéo dài, trong cơn lũ cuốn theo nhiều cây cối, rác thải gây tắc, cản trở dòng chảy tại đập tràn cầu Sông Sinh. Song, nguyên nhân chính được người dân "mổ xẻ", do cống xả nước của đập tràn sau khi được cải tạo kích thước nhỏ hẹp, có 8 cống thì 4 cống bị ngăn bởi công trình vườn hoa, dòng chảy bị cản trở, thu hẹp.

Đập tràn hồ Sông Sinh có 8 cửa xả thì 4 cửa đã bị chắn bởi công trình vườn hoa (bên phải ảnh). Ảnh: Cường Vũ.

Đập tràn hồ Sông Sinh có 8 cửa xả thì 4 cửa đã bị chắn bởi công trình vườn hoa (bên phải ảnh). Ảnh: Cường Vũ.

Từ nhận định trên, bà con sống quanh hồ Sông Sinh kiến nghị chính quyền thành phố Uông Bí sớm có biện pháp cải tạo lại đập tràn, dỡ bỏ khu vực vườn hoa đằng sau cửa xả để thông thoáng dòng chảy, tăng cường thoát lũ.

"Mong thành phố Uông Bí triển khai sớm để bà con yên tâm làm ăn sinh sống, chứ như này mỗi lần mưa to là chúng tôi lại lo nơm nớp, sợ nhất là mưa đêm", ông Hải, một người dân địa phương bày tỏ.

Cần sớm cải thiện hạ tầng chống ngập lụt tại Uông Bí

Theo đánh giá của Phòng Quản lý đô thị thành phố Uông Bí, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng sau mưa trên địa bàn. Đó là việc mưa trùng với thời điểm triều cường; một số hạ tầng tiêu thoát nước của đô thị Uông Bí lạc hậu, hoặc xuống cấp, có vị trí còn tồn tại bất cập, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiêu, thoát nước.

Hồ Sông Sinh là khu vực hạ lưu - nơi đón nước từ khắp nơi trên địa bàn đổ về khi có mưa lớn. Thời điểm có mưa lớn, triều cường nước sông Uông dâng cao, trong cơn mưa kéo theo nhiều chướng ngại vật gây tắc, cản trở dòng chảy khiến nước từ hồ thoát ra con sông này rất chậm, là nguyên nhân nhiều khu vực (trong đó có chợ Trung tâm Uông Bí, khu vực nhà dân quanh hồ Sông Sinh) ngập sâu và lâu.

Đập tràn khu vực cầu Sông Sinh bị ngập lụt sâu hôm 9/6. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đập tràn khu vực cầu Sông Sinh bị ngập lụt sâu hôm 9/6. Ảnh: Nguyễn Thành.

Còn tràn Nhiệt điện Uông Bí (phường Trưng Vương) có nhiều kết cấu bê tông mặt tràn, gây tắc rác cục bộ. Những kết cấu bê tông này thuộc Công ty Nhiệt điện Uông Bí quản lý, đã được xây dựng từ thời kỳ trước, hiện đã hết chức năng sử dụng, cần phải được phá bỏ.

Cùng với đó, hạ tầng phía Nam khu đô thị phường Yên Thanh được cho là yếu kém về lưu thoát nước. Công trình cống qua QL18A (đoạn đối diện Vincom+ Uông Bí, phường Yên Thanh) kích thước nhỏ hẹp, cần được mở rộng. Một số cống rãnh và các điểm trũng thuộc khu Cầu Sến, Bí Giàng (phường Yên Thanh) bị bồi lắng, cần được nạo vét, khơi thông…

Hiện nay, thành phố Uông Bí đang ưu tiên xử lý ngay những hạng mục công trình ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng ngập úng sau mỗi đợt mưa. Đầu tháng 7/2024, Công ty Nhiệt điện Uông Bí đã huy động xe, máy móc tập trung phá dỡ toàn bộ các kết cấu bê tông tại mặt tràn thuộc khu vực cầu Nhiệt điện Uông Bí. Sau khi phá dỡ các kết cấu bê tông này, dòng chảy được mở rộng, thông thoáng hơn, tránh được tình trạng tắc nghẽn rác, làm cản trở dòng nước, góp phần gỡ một điểm nguy cơ ngập úng trên địa bàn.

Trận lũ tháng 8/2015, khu vực hồ Sông Sinh nước ngập cao, tràn sang cả khu dân cư lân cận. Ảnh: Cường Vũ.

Trận lũ tháng 8/2015, khu vực hồ Sông Sinh nước ngập cao, tràn sang cả khu dân cư lân cận. Ảnh: Cường Vũ.

Ông Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí, cho biết: Các kết cấu bê tông tại tràn Nhiệt điện được xây dựng từ thời trước khá bền vững, số lượng nhiều, việc phá dỡ các hạng mục này trong tình trạng tràn ngập nước, nên tương đối khó khăn. Tuy nhiên, đơn vị đã khẩn trương lên phương án triển khai sớm, tổ chức tháo dỡ các khối bê tông ngay sau khi công trình này phát sinh sự cố tắc nghẽn dòng chảy trong đợt mưa lớn vừa qua. Hiện nay mặt tràn Nhiệt điện Uông Bí đã bằng phẳng, không xảy ra tình trạng cản trở dòng chảy như từng xảy ra.

Liên quan đến kiến nghị cải tạo lại đập tràn hồ Sông Sinh, trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, lãnh đạo thành phố Uông Bí cho biết thành phố đang cho lập dự án cải tạo, nâng cấp đập tràn. Tuy nhiên, vị lãnh đạo cũng thẳng thắn cho rằng việc đầu tư công phải làm từng bước chặt chẽ, đầu tiên là bổ sung danh mục đầu tư công trung hạn rồi bố trí nguồn vốn, tư vấn thiết kế, thẩm tra thẩm định, nói chung là phải qua rất nhiều bước, đúng quy trình chứ không thể làm tắt được.

"Không chỉ người dân bất an khi mưa to mà chính quyền cũng luôn lo lắng, rất muốn triển khai sớm để an dân nhưng vẫn phải làm đúng theo trình tự, thủ tục. Làm không đúng, được việc cho địa phương, cho người dân nhưng lại thành ra sai phạm", lãnh đạo Uông Bí trăn trở.

Để chủ động ứng phó tình huống trong thời gian tới khi xuất hiện mưa lớn, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh đề nghị UBND các địa phương rà soát lại các vị trí ngập lụt, đặc biệt là khu vực đô thị; tổ chức duy tu, nạo vét lại hệ thống thoát nước, kiên quyết di dời ngay những công trình tạm ra khỏi vị trí có nguy cơ sạt lở. Các địa phương rà soát lại các lán trại, công trình xây dựng trên địa bàn; tiếp tục tuyên truyền về nguy cơ, tình huống thiên tai mưa lớn để người dân chủ động phòng, chống, tránh để tình huống xảy ra rồi mới triển khai cứu hộ.

Xem thêm
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc

Ngày 20/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cụm khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Giảm chi phí, tăng năng suất nhờ ứng dụng bản tin thời tiết nông vụ

Sóc Trăng Hơn 291.000 nông dân ĐBSCL đã ứng dụng bản tin thời tiết nông vụ, giúp bà con đưa ra quyết định canh tác phù hợp, giảm rủi ro, tăng năng suất, cải thiện thu nhập.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.