| Hotline: 0983.970.780

400ha vải chín sớm Phương Nam mang về 61 tỉ đồng

Thứ Năm 06/06/2024 , 08:30 (GMT+7)

QUẢNG NINH Năm nay, khoảng 400ha vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí) được mùa, được giá. Hiện toàn bộ 1.600 tấn vải đã được tiêu thụ, cho doanh thu gần 61 tỷ đồng.

Áp dụng kỹ thuật để vải chín sớm hơn

TP Uông Bí (Quảng Ninh) có khoảng 400ha trồng vải chín sớm, trong đó, diện tích đang áp dụng quy trình sản xuất VietGAP là trên 290ha. Đây được xem là vùng trồng vải lớn nhất tỉnh Quảng Ninh.

Vải chín sớm tại Uông Bí được trồng tập trung tại phường Phương Nam, nhiều nhất là các khu: Bạch Đằng 1, Bạch Đằng 2, Hiệp Thanh, Phong Thái, Hồng Hà, Hồng Hải, Đá Bạc, Cẩm Hồng. Quả vải chín sớm Phương Nam có cùi dày, màu trắng trong, giòn, vỏ mỏng, khi chín có màu đỏ tươi và mùi thơm đặc trưng, vị ngọt mát, chua dịu, không chát, được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Thời gian thu hoạch vải kéo dài từ trung tuần tháng 5 đến trước ngày 6/6, trước khi vải thiều bắt đầu vào vụ.

Niềm vui của người trồng vải ở phường Phương Nam (TP Uông Bí) vì vải được mùa, giá cao. Ảnh: Cường Vũ

Niềm vui của người trồng vải ở phường Phương Nam (TP Uông Bí) vì vải được mùa, giá cao. Ảnh: Cường Vũ

Theo ông Bùi Văn Trà, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam, để quả vải chín sớm, TP Uông Bí đã xây dựng mô hình khống chế lộc đông và kiểm soát cây vải phân hoá mầm hoa ổn định để ra quả đều hàng năm trên giống vải chín sớm Phương Nam.

Ngay từ đầu năm, nông dân vùng vải đã chủ động khắc phục nguy cơ mất mùa vải sớm bằng việc cắt tỉa các cành ra lộc, cành trong tán để tập trung dinh dưỡng nuôi hoa, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng khi cây vải ra lộc. TP Uông Bí đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên ngành hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP. Vì vậy, vụ vải năm nay chỉ có khoảng 20% diện tích không đạt sản lượng như kỳ vọng của người dân.

"Mục tiêu của chúng tôi là nâng cao chất lượng của quả vải chín sớm Phương Nam, duy trì mỗi kg vải chỉ từ 18 - 20 quả và thúc đẩy thời gian chín sớm hơn. Hiện nay, thời gian vải chín tập trung vào khoảng 10 - 15/4 âm lịch nên gần trùng với thời gian thu hoạch vải chín sớm của một số địa phương khác, vì vậy giá bán không cao hơn nhiều. Vừa qua, chúng tôi đã xây dựng mô hình khống chế lộc đông và kiểm soát cây vải phân hóa mầm hoa ổn định để ra quả đều và sớm hơn", ông Trà chia sẻ.

Ông Phạm Văn Trị (khu Đá Bạc, phường Phương Nam, TP Uông Bí) tại vườn vải trĩu quả của mình. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Phạm Văn Trị (khu Đá Bạc, phường Phương Nam, TP Uông Bí) tại vườn vải trĩu quả của mình. Ảnh: Nguyễn Thành.

Chị Ngô Thị Chung (khu Hiệp Thanh, phường Phương Nam) phấn khởi cho biết: "Trước đây, việc chăm sóc cây vải của người dân địa phương chưa theo quy trình kỹ thuật chuẩn, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm là chính khiến vải chưa cho năng suất, chất lượng cao. Mấy năm gần đây, gia đình tôi bám sát quy trình VietGAP, cộng thêm kinh nghiệm của bản thân nên hiệu quả nâng cao rõ rệt, quả vải chín đều, to hơn hẳn, ít sâu đục cuống".

Số hóa vùng trồng vải

Ngoài việc chăm sóc vải theo quy trình VietGAP, từ năm 2022, Hội Nông dân phường Phương Nam đã hướng dẫn bà con trồng vải theo hệ thống tiêu chuẩn OTAS để nông dân nắm bắt được toàn bộ quá trình trồng và chăm sóc vải như: Các loại phân bón được sử dụng tại vùng trồng, liều lượng dùng; tình hình sinh vật gây hại… Đồng thời khi đưa ra thị trường, người tiêu dùng có thể truy xuất và xác thực nguồn gốc sản phẩm vải chín sớm Phương Nam.

Mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam theo hệ thống tiêu chuẩn OTAS được thực hiện trên diện tích 30ha, với trên 100 hội viên nông dân tham gia. Dự án nhằm mục tiêu chuẩn hóa trên nền tảng số các thông tin của sản phẩm vải chín sớm Phương Nam từ quy trình chăm sóc, tuổi cây, đặc tính sinh trưởng, thời gian thu hoạch, cách phòng trừ sâu bệnh từng thời kỳ bằng. Từ đó, thuận tiện cho việc quảng bá sản phẩm và có chỉ dẫn địa lý trên Google Maps quốc tế.

giá vải chín sớm Phương Nam năm nay cao hơn từ 7.000 - 10.000đ/kg so với năm ngoái. Ảnh: Vũ Cường.

giá vải chín sớm Phương Nam năm nay cao hơn từ 7.000 - 10.000đ/kg so với năm ngoái. Ảnh: Vũ Cường.

"Đây là dự án rất quan trọng được triển khai nhằm số hóa phát triển nông nghiệp để phục vụ sản xuất và nâng cao thương hiệu sản phẩm vải chín sớm Phương Nam", ông Bùi Văn Trà, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam cho biết.

Livestream bán vải chín sớm

Để nâng cao giá trị, chất lượng quả vải, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, vụ vải năm 2023 - 2024, UBND phường Phương Nam đã tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng mở các lớp tập huấn cho hàng trăm lượt hộ trồng vải về cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây vải. Hệ thống đường giao thông nội đồng đã được từng bước nâng cấp mở rộng, đảm bảo an toàn giao thông; công tác đảm bảo an ninh trật tự được duy trì thường xuyên phục vụ mùa thu hoạch vải. Đồng thời, UBND phường đã kịp thời cập nhật tin tức, quảng bá thương hiệu vải chín sớm Phương Nam tới người tiêu dùng.

Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại được đổi mới theo hướng chủ động kết nối các doanh nghiệp, thương lái với các hộ sản xuất. Năm 2024 là năm đầu tiên các đơn vị tổ chức livestream quảng bá hình ảnh quả vải chín sớm Phương Nam trên các nền tảng mạng xã hội.

Livestream quảng bá vải chín sớm Phương Nam trên fanpage của Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh. Ảnh: Cường Vũ

Livestream quảng bá vải chín sớm Phương Nam trên fanpage của Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh. Ảnh: Cường Vũ

Sự kiện nằm trong chương trình "Tuần hàng Việt Nam - Uông Bí năm 2024 do Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh tổ chức.

Với cách nói chuyện gần gũi, dí dỏm của Tiktoker "Cô Thơ Nông Sản", phiên livestream quảng bá vải chín sớm Phương Nam đầu tiên đã thu hút hàng nghìn lượt xem và thích, hàng trăm lượt bình luận và chia sẻ.

Cũng tại buổi livestream, những nông dân đã bỏ những bộ trang phục lao động quen thuộc, thay bằng tay cuốc tay kéo, họ diện trang phục lộng lẫy, cùng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội chuyên "review" về nông sản, đặc biệt tại các tỉnh thành có thể quảng bá được nhiều hơn về vải chín sớm Phương Nam đến du khách.

Việc livestream bán sản phẩm là cách làm mới, thiết thực để tôn vinh, quảng bá thương hiệu vải chín sớm Phương Nam.

Vụ vải năm nay, người trồng vải ở TP Uông Bí đón nhận niềm vui lớn khi vải chín sớm Phương Nam được mùa, được giá, việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi. Bà con nông dân trồng vải chín sớm Phương Nam cũng rất phấn khởi vì nhờ các chương trình tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật canh tác vải một cách khoa học, bài bản của địa phương và ngành nông nghiệp, năng suất, chất lượng quả vải ngày càng tốt hơn rất nhiều, đời sống của người dân nơi đây khấm khá hơn trước.

Nông dân phường phường Phương Nam diện trang phục bắt mắt tham gia livestream bán vải. Ảnh: Cường Vũ.

Nông dân phường phường Phương Nam diện trang phục bắt mắt tham gia livestream bán vải. Ảnh: Cường Vũ.

Ông Phạm Văn Trị (khu Đá Bạc, phường Phương Nam, TP Uông Bí) hào hứng khoe: "Vườn nhà tôi có hơn 100 cây vải, sản lượng mỗi cây đạt khoảng 40kg. Năm nay tuy sản lượng vải có giảm nhẹ so với mọi năm nhưng được cái giá cao và ổn định. Giá vải bán cho thương lái đóng hàng lạnh tăng khoảng 7.000 đồng/kg, còn giá bán tiêu thụ ngoài chợ cao hơn 10.000 đồng/kg so với năm ngoái".

Theo nhẩm tính của ông Trị, năm nay vườn vải gia đình ông cho lãi gần 200 triệu đồng. Với số tiền này, ông Trị có thể chăm lo cho cuộc sống gia đình và tái đầu tư, chăm sóc để nâng cao năng suất và chất lượng vườn vải.

Bằng việc kết hợp nhiều hình thức quảng bá, chỉ trong vòng 20 ngày, 100% sản lượng vải chín sớm Phương Nam đã được tiêu thụ với giá bán trung bình 38.000 đồng/kg (giá bán trung bình năm 2023 là 25.000 đồng/kg), đạt tổng doanh thu gần 61 tỷ đồng, tăng 10,8 tỷ đồng so với năm 2023. Giá bán tăng cao đã mang lại thu nhập tốt cho các hộ trồng vải.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.