| Hotline: 0983.970.780

Người dân Thanh Hóa hiến gần 1,5 triệu m2 đất xây dựng nông thôn mới

Thứ Tư 10/04/2024 , 19:36 (GMT+7)

Người dân Thanh Hóa đã thể hiện tấm lòng thơm thảo, sẵn sàng phá dỡ nhà, công trình phụ để hiến đất cho chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.

Đảng viên đi trước, làng nước theo sau

Trước đây, đường giao thông nông thôn, thôn Nhơn Trạch (xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) khá chật hẹp, đường trục thôn chỉ rộng từ 3-4m, đường ngõ xóm chỉ rộng từ 2,5-3m nhưng xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại, sản xuất kinh doanh của nhiều hộ dân.

Năm 2021, khi xã, thôn triển khai chủ trương nâng cấp, mở rộng hệ thống đường giao thông để xây dựng nông thôn mới nâng cao, ông Nguyễn Văn Quế, trưởng thôn Nhơn Trạch đã bàn với gia đình để hiến đất mở đường.

“Bản thân tôi và gia đình vô cùng vui mừng và phấn khởi khi biết chính quyền địa phương có chủ trương mở rộng đường thôn, ngõ xóm, bởi khi hiến đất làm đường giao thông, việc đi lại của người dân sẽ thuận tiện hơn và giá trị đất ở tăng lên, cảnh quan môi trường cũng được sạch sẽ, khang trang hơn”, ông Quế cho biết.

Nhờ xây dựng nông thôn mới, nhiều vùng quê tại Thanh Hóa không khác gì đô thị. Ảnh: Quốc Toản.

Nhờ xây dựng nông thôn mới, nhiều vùng quê tại Thanh Hóa không khác gì đô thị. Ảnh: Quốc Toản.

Theo ông Quế, ban đầu việc triển khai mở rộng đường giao thông nông thôn tại thôn Nhơn Trạch gặp khá nhiều khó khăn do nhận thức của một bộ phận người dân chưa đầy đủ về hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới. Một số người dân có tư tưởng trông chờ ỷ lại yêu cầu cấp trên hỗ trợ. Đặc biệt, việc vận động người dân sống dọc đường thôn, xóm rất khó khăn vì đất có giá trị cao.

Để tạo sự đồng thuận của người dân trong thôn trong việc thực hiện chủ trương hiến đất làm đường, gia đình ông Quế đã gương mẫu đi đầu, tự nguyện tháo dỡ tường rào, hiến gần 100m2 đất ở và tự bỏ kinh phí xây dựng mới tường rào, ngõ xóm. Tổng giá trị khoảng 400 triệu đồng.

“Mình là đảng viên, phải người gương mẫu thì các hộ dân trong xóm mới làm theo. Khi một hộ dân hiến đất thì các hộ khác sẽ đồng lòng thực hiện chủ trương. Chỉ trong thời gian ngắn, người dân trong xóm đã hiến cả trăm m2 đất để làm đường. Tuyến đường gõ xóm trước đây chỉ rộng 2,5-3m nay đã được nâng lên 5m, giúp bộ mặt nông thôn trở nên khang trang sạch đẹp. Đến nay, các tuyến đường giao thông trên địa bàn thôn Nhơn trạch đã đảm bảo yêu cầu tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao", ông Quế cho biết.

Tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 vừa diễn ra, ông Quế là một trong số ít các hộ dân được vinh dự phát biểu tham gia tham luận để truyền đạt kinh nghiệm hiến đất làm đường trong thôn và cũng bởi tấm lòng thơm thảo của gia đình ông đối với quê hương. Cá nhân ông cũng được biểu dương vì có đóng góp cho địa phương trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, giai đoạn 2021-2023, phong trào hiến đất, đóng góp tiền của chung sức xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả quan trọng. Người dân trên địa bàn tỉnh đã hiến gần 1,5 triệu m2 đất (trong đó, đất ở hơn 600 nghìn m2, đất khác gần 900 nghìn m2); di dời, phá dỡ khoảng 650 nhà ở dân cư (trị giá hơn 57 tỷ đồng); phá dỡ hơn 2,4 nghìn công trình (gồm tường rào, cổng nhà, sân, nhà vệ sinh..., trị giá hơn 90 tỷ đồng); nhân dân đóng góp tiền mặt hơn 640 tỷ đồng và hơn 590 nghìn ngày công lao động (trị giá khoảng 202 tỷ đồng).

Điển hình trong phong trào hiến đất, đóng góp tiền của là hộ gia đình ông Lê Quang Hòa, thôn Thạch Khê Tiên, xã Đông Khê (Đông Sơn), đã đã hiến 150m2 đất ở, cùng các công trình: Nhà ở cấp 4, diện tích 50m2, nhà máy xay xát gạo 40m2, 50m tường rào, với tổng trị giá 300 triệu đồng để mở rộng đường giao thông; gia đình ông Phan Xuân Thịnh, thôn 5 xã Đông Minh (Đông Sơn) đã hiến hơn 250m2 đất ở, giá trị trên 2 tỷ đồng, động viên con cháu, người thân trong gia đình hiến đất và các công trình trên đất, góp phần hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu của thôn và xã...

Không ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm

Phát biểu tham luận tại hội nghị đánh giá tình tình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2023, ông Lê Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn (Thanh Hóa) cho biết, để làm tốt công tác hiến đất làm đường trên địa bàn huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo tất cả các cuộc họp, sinh hoạt chi bộ cơ sở phải đưa nội dung hiến đất vào nội dung sinh hoạt để thảo luận, bàn bạc và định hướng để lãnh đạo, chỉ đạo.

Huyện thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết hiến đất làm đường cấp huyện, cấp xã do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo, phải thường xuyên đi cơ sở động viên nhân dân, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết, phản ánh những khó khăn, vướng mắc với Ban chỉ đạo để giải quyết kịp thời.

"Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập 9 đoàn kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết; Bộ phận thường trực Ban chỉ đạo thường xuyên đi cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn, động viên cơ sở và người dân, đồng thời chấn chỉnh những nơi cấp ủy, cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, ngại khó, ngại va chạm, hiệu quả không cao.

Tổ chức tuyên truyền chủ trương hiến đất làm đường trên hệ thống loa truyền thanh, trên các trang facebook, Zalo, Youtube, cổng thông tin điện tử của huyện và của các đơn vị. Kịp thời nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào hiến đất làm đường, để tạo sự đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới", ông Tuấn chia sẻ.

Phong trào xây dựng nông thôn mới tại Thanh Hóa có sức lan tỏa rộng khắp từ đồng bằng đến miền núi. Trong ảnh: Khu du lịch Pù Luông, Bá Thước, Thanh Hóa. 

Phong trào xây dựng nông thôn mới tại Thanh Hóa có sức lan tỏa rộng khắp từ đồng bằng đến miền núi. Trong ảnh: Khu du lịch Pù Luông, Bá Thước, Thanh Hóa. 

Tính đến 25/3/2024 (20 tháng) toàn huyện đã hiến để xây dựng được 462km đường; diện tích hiến đất là 48,9 ha; số thôn đã thực hiện hiến đất 254/254 đạt 100%; toàn huyện có hơn 15 nghìn hộ dân hiến tổng kinh phí huy động ước khoảng 3,7 nghìn tỷ đồng.

Theo Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, trong quá trình thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới. Một số địa phương đã ban hành Nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch để vận động nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. Thông qua việc ban hành chủ trương, phong trào hiến đất làm đường giao thông đã mang lại kết quả tích cực, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết: "Qua triển khai thực hiện phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, nhất là phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông đã phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp nối những thành quả đó, hiện nay, phong trào hiến đất đang được nhân dân các địa phương trên địa bàn tỉnh nhiệt tình hưởng ứng, góp phần lan tỏa tinh thần sống có trách nhiệm với địa phương, tạo nên những phong trào ý nghĩa, thiết thực. Nông thôn mới với những con đường mới mở rộng, khang trang, sạch đẹp không chỉ giúp cho việc đi lại dễ dàng, mà còn tạo điều kiện cho người dân giao thương, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống".

Thanh Hóa có số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới thuộc tốp đầu cả nước

Tính đến nay, Thanh Hóa đã có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 363 xã và 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 97 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 23 xã, 480 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 23 thôn thông minh thuộc các xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số.

Thanh Hóa có số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới thuộc tốp đầu cả nước. Chất lượng của các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được nâng lên. Số lượng sản phẩm OCOP thuộc top 5 cả nước và đa dạng về chủng loại.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Mắm Lê Gia đạt OCOP 5 sao: Thành công là hành trình, không phải điểm đến

Sản phẩm nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N của Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.