| Hotline: 0983.970.780

Chuyện nông thôn mới Thanh Hóa [Bài 2]: Lão ‘gàn’ chi 50 tỷ làm đường, trường

Thứ Ba 12/03/2024 , 10:45 (GMT+7)

Để đóng góp cho địa phương xây dựng nông thôn mới, ông Xuân đã bỏ gần 50 tỷ đồng để làm đường, trường và nhiều công trình phúc lợi tại xã Xuân Thọ.

Chết có mang theo tiền được đâu

Ở xã Xuân Thọ (Triệu Sơn, Thanh Hóa) chả ai “khác người” như lão Xuân. Lão đang khỏe như vâm nhưng lại tính chuyện hậu sự cho mình. Lão bảo: Ai chả muốn chết ở nơi mình được sinh ra và lớn lên. Bởi vậy, cách đây không lâu đã xí được phần đất trong nghĩa trang của xã Xuân Thọ, để sau này về già còn có chỗ chôn cất.

“Nhiều tiền như lão sao không kiếm mảnh đất ở phố mà an dưỡng” - tôi hỏi lão. Lão cười khà khà rồi đáp: “Tôi thích sống với nông dân hơn. Ngần này tuổi rồi cần gì phải bon chen cho mệt. Chết có mang theo được tiền bạc đâu”, lão nói.

Năm 1992 lão rời quê vào miền Nam mưu sinh. Lão làm đủ thứ nghề từ buôn bán sắt vụn, phế liệu rồi san lấp mặt bằng để kiếm sống. Lão có vẻ tin vào số phận sau nhiều phen lận đận, nhưng hơn hết, cái khó, cái khổ không thể dìm chết ý chí và nghị lực thoát nghèo của lão: "Ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy đi của ai tất cả. Số tôi sinh ra để làm những việc đã đặt định", lão triết lý sau bao năm kiên trì vượt qua khó khăn.

Thời đến, lão làm ăn khấm khá. Lão tạo được nhiều mối quan hệ và cơ sở kinh doanh vững chắc tại Đồng Nai. Dù học chưa cao, nhưng lão khá nhạy bén với thị trường, và thời cuộc. Thời đó, nhận thấy nhu cầu xử lý các nguồn nguyên liệu đảm bảo trước khi đưa vào sản xuất lão mạnh dạn đầu tư nghiên cứu và đi tiên phong vào lĩnh vực này. Các nhà máy thép khi đưa nguyên liệu vào để sản xuất đều phải qua giai đoạn xử lý nguyên liệu của doanh nghiệp lão. 

Lão bảo, sau hơn nửa đời lập nghiệp, giờ lão cũng có 2 công ty và giao lại cho hai đứa con quản lý. Lão bươn trải thế đủ rồi. Giờ lão chả say mê thứ gì ngoài làm từ thiện. Lão càng làm càng ham. Lão xây nhà đẹp nhất xã, nhưng nhờ người trông coi, để lấy chỗ đi về. Hễ có thời gian rỗi, lão lập tức đáp máy bay về quê.

Ông Nguyễn Hữu Xuân (phải) cùng lãnh đạo xã Xuân Thọ khảo sát khu vực xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nguyễn Hữu Xuân (phải) cùng lãnh đạo xã Xuân Thọ khảo sát khu vực xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Quốc Toản.

Lão suy nghĩ khá giản đơn về chuyện tiền bạc. Lão có tiền thật đấy, nhưng cấm tiệt lối suy nghĩ của con cái, rằng khi sinh ra đã ở vạch đích mà quên đi việc phải cố gắng, nỗ lực. Thay vì dành hết tài sản cho con cái, lão quyết định đầu tư cho quê hương để răn dạy lũ trẻ bài học hướng về cội nguồn. Lão cho đi nhiều chứ không vụ lợi điều gì ở mảnh đất này cả.

Dù có cơ ngơi bạc tỷ nhưng trông lão có vẻ không giống doanh nhân cho lắm! Da lão sạm đen, mặc chiếc quần rộng lếch thếch, tay cầm thước đo cặn kẽ từng mét đất giữa trưa nắng để lấy tim đường cho chuẩn. Lão kể: Ở làng lão, cứ đến mùa mưa là nước ngậm nhiều tuyến đường làng. Có khu đồng chỉ cấy được 1 vụ, nên dân không đủ ăn. Bởi vậy khó đến mấy cũng phải làm đường xá, mương máng cho ổn thỏa để thuận lợi cho dân cày cấy, đi lại.

Lão bảo, cái khó nhất ở quê không phải chuyện tiền nong, kinh tế mà đó là làm thay đổi nhận thức của người dân. Lão lấy ví dụ chuyện hiến đất làm đường: "Nhiều người dân coi đất như “của ăn, của để” cho thế hệ sau. Có người dân đã đồng ý hiến đất, sau đó lại thay đổi ý kiến chỉ vì thấy hộ dân khác chưa đồng tình. Tôi khuyên dân mạnh dạn hiến đất, bởi khi đường thông, hè thoáng thì mảnh đất mới có giá trị nhưng có người không nghe. Bây giờ, ai cũng ôm khư khư tí đất rồi chờ dự án đền bù thì đến khi nào mới xây dựng được nông thôn mới".

Cái khó ló cái khôn. Lão chơi bài ngửa khiến dân làng ai cũng phải chịu thua. Để có đất làm đường, lão đặt "điều kiện" với dân, tất nhiên lão chấp nhận chịu thiệt: "Bà con cứ mạnh dạn hiến đất, còn tiền làm đường đường, tường rào tôi sẽ tài trợ. Nếu bà con bận việc đồng áng, tôi sẽ thuê thợ làm để bà con yên tâm sản xuất”. Thậm chí lão đã tính đến chuyện mua đất của các hộ dân không chịu hiến để làm đường nếu vận động hiến đất không thành.

Ông Xuân bỏ hàng chục tỷ đồng, đầu tư xây dựng đường xá, tường rào cho các tuyến đường trục chính tại xã Xuân Thọ. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Xuân bỏ hàng chục tỷ đồng, đầu tư xây dựng đường xá, tường rào cho các tuyến đường trục chính tại xã Xuân Thọ. Ảnh: Quốc Toản.

Lão đã quyết thì phải làm bằng được. Lão cùng chính quyền địa phương suốt ngày rong ruổi trên đường, đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động người dân hiến đất. Phương án của lão đâm ra không chỉ có hiệu quả cho chính quyền mà còn làm lợi cho dân. Chỉ sau vài tháng, nhiều tuyến đường trục chính trong thôn, xã được giải phóng mặt bằng, thi công mở rộng tới gần chục mét. Hàng tường rào chạy tít tắp từ đầu ngõ đến cuối xóm được xây chung một bản thiết kế trong rất bắt mắt.

Mặt đường thôn, xóm được đổ xi măng kiên cố sáng bóng, hai bên đường là hàng chục ngôi nhà cao tầng mọc sát nhau, trông chẳng khác nào phố thị. Lão làm xong đường, dân mới nghiệm ra lời lão nói đúng: "Hiến đất một lần nhưng đường dùng tới vài chục năm mới hỏng. Đời này đến đời khác được hưởng thành quả chung chứ có ai lấy mất đâu mà sợ”, lão kể.

Hết chuyện làm đường, năm ngoái, lão đề xuất với chính quyền địa phương, thực hiện tích tụ đất đai, hình thành mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Lão ý định trong đầu sẽ xây dựng nhà màng, nhà lưới, gian trưng bày ngay khu sản xuất để bà con quanh vùng đến trải nghiệm và thưởng thức nông sản sạch của xã lão. Lão quyết tâm năm sau sẽ có sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên trưng diện cho khách hàng.

Bỏ tiền xây trường vì quá khứ không may mắn

Lão có quá khứ không may mắn. Lão học hết lớp 4 và thoát ly làng xã từ khá sớm vì hoàn cảnh gia đình. Lão bươn trải, lập nghiệp trong miền Nam mấy chục năm nay, nhưng chưa bao giờ gia đình phải phiền lòng về lão. Lão lăn lộn đến mức không còn biết là mình khổ nữa.

Có đợt, lão về thăm lại trường cũ (Trường tiểu học Xuân Thọ). Lão có vẻ chạnh lòng khi thấy mấy chục năm qua, cơ sở vật chất không mấy thay đổi. Lão quyết trong nốt nhạc, sẽ hỗ trợ nhà trường 10 phòng học kiên cố, khuôn viên, nhà để xe, cùng hàng loạt trang thiết bị dạy học. Giờ lão bảo, bản thân thấy tiếc vì ngày xưa không có điều kiện học hành, nay muốn học cũng khó vì tuổi tác không cho phép và đầu lão giờ chỉ phù hợp với việc kinh doanh.

Ông Xuân đầu tư 10 phòng học kiên cố, khang trang cùng nhiều trang thiết bị cho Trường tiểu học Xuân Thọ. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Xuân đầu tư 10 phòng học kiên cố, khang trang cùng nhiều trang thiết bị cho Trường tiểu học Xuân Thọ. Ảnh: Quốc Toản.

Ngày khởi công, lão đóng vai giám sát thi công kiêm cả công nhân. Lão cặn kẽ, tỉ mỉ đến mức, nếu thợ thuyền làm không đúng ý lão (đúng thiết kế), lão bắt làm lại cho đẹp thì thôi, dù tốn bao nhiêu công cũng được. Có người nói lão tự mua cái khổ vào người, nhưng vẫn không ngăn được đam mê của lão.

Giữa trời nắng hầm hập, lão vẫn vận trên chiếc áo lót, cổ ố vàng, nách ướt sũng mồ hôi, lằng xắng ngoài công trường, khuân vác như một anh thợ lành nghề. Tay lão sần sùi, đầu ngón tay vuông cạnh như cái đục, rộp lên từng miếng, nhưng lão vẫn cặm cụi làm từ sáng sớm, đến tối mịt mới về nhà. Nhà trường thấy lão và công nhân vất vả nên cắt cử giáo viên trợ giúp chuyện nước nôi, cơm nước cho tốp thợ.

Ngày 6/8/2023, lễ khánh thành Trường tiểu học Xuân Thọ gồm nhà 2 tầng 10 phòng học được trang bị tivi, mạng internet, nhà vệ sinh.. với tổng trị giá 16,5 tỷ đồng. Ngôi trường ngày trước lão học, giờ khang trang nhất huyện. Lão vui vì được chính quyền, bà con hàng xóm trân trọng công sức của vợ chồng lão đối với quê hương. 

Sau lần đó, lão còn nhận đỡ đầu một vài học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã. Mỗi năm lão cấp cho các em 5 triệu đồng để mua sắm đồ dùng, tư trang đến trường. Lão ngẫm, bản thân mình đã có tuổi thơ không may mắn, nên không muốn thế hệ sau này vì hoàn cảnh nên phải học “ngắn” như lão. Lão làm còn với mong muốn những người con xa quê, có điều kiện hơn lão cùng góp sức xây dựng quê hương.

Lão bảo: Sẽ tiếp tục đóng góp cho quê hương đến khi nào còn có thể… Với lão, tình yêu quê hương, lớn hơn tiền tài, danh vọng mà lão đang có.

Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ cho biết, ông Nguyễn Hữu Xuân đã đóng góp gần 50 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới tại quê hương (xây trường, làm đường bê tông, mua sắm trang thiết bị trường học, ủng hộ người nghèo, đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong xã). Sự đóng góp lớn của ông Xuân cho xã Xuân Thọ nói riêng, huyện Triệu Sơn nói chung đã và đang góp phần giúp địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

60 gian hàng OCOP tham dự tuần hàng giới thiệu nông sản Hà Nội

Tại phố đi bộ thị xã Sơn Tây, Hội Nông dân thành phố Hà Nội tổ chức Tuần hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chất lượng cao.