| Hotline: 0983.970.780

Chuyện nông thôn mới Thanh Hóa: [Bài 1] Làng ngỡ như... phố

Chủ Nhật 10/03/2024 , 15:30 (GMT+7)

'Đất là của nhà nước, chứ không phải của riêng gia đình tôi. Tôi chết đi cũng không mang theo được, nên cần bao nhiêu đất tôi hiến bấy nhiêu…', cụ Tỵ cho biết.

Nông thôn mới khiến bộ mặt nhiều làng quê ở Thanh Hóa dần "thay da đổi thịt". Nhiều nơi từng là làng quê xơ xác, sau gần chục năm đã trở nên khang trang, sạch đẹp, văn minh như chốn đô thị. Nhiều lãnh đạo xã từng nói với chúng tôi rằng, nếu không có quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, để giải quyết khâu trọng yếu hiến đất làm đường thì bộ mặt nông thôn khó chuyển biến như bây giờ.

Hộ đặc biệt khó khăn tiên phong hiến đất

Cụ Tỵ trông khắc khổ và có lẫn đi nhiều do tuổi tác. Cụ mếu máo miếng trầu trong miệng trông có vẻ đậm vị. Cụ tỵ là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Xuân Thọ (huyện Triệu Sơn). Hai người con gái của cụ sinh ra không may mắn như người khác, một người bị câm, điếc bẩm sinh, một người mang trong mình căn bệnh nhược cơ. Trai làng cũng vì thế mà không thèm ngó ngàng gì đến con cụ.

Hoàn cảnh bi đát là vậy, nhưng việc làng, việc nước cụ chẳng bao giờ nề hà. Mảnh đất của cụ Tỵ nằm ngay đầu con ngõ thôn 2, rộng chừng vài trăm mét vuông trông khá vuông vắn. Cụ bảo, từ lâu, gia đình có ý định hiến đất để mở rộng đường nhưng chưa có dịp thực hiện. Ngày cán bộ đến nhà vận động hiến đất, cụ đồng thuận ngay mà không cần suy nghĩ chuyện được mất.

Cụ bảo: “Hiến đất làm đường là làm đẹp cho toàn dân chứ không làm cho cá nhân ai cả. Đất của tôi để lại cũng không làm gì, chính quyền muốn lấy đến đâu thì tôi hiến tới đó. Có tí đất thì có thêm tí rau, bằng không thì thôi chứ tôi không nặng nề chuyện đó”.

Cụ Tỵ hiến 30m2 đất của gia đình để mở rộng con ngõ thôn 2. Ảnh: Quốc Toản.

Cụ Tỵ hiến 30m2 đất của gia đình để mở rộng con ngõ thôn 2. Ảnh: Quốc Toản.

Việc hiến đất cụ Tỵ coi như xong, nhưng cụ còn phân vân mỗi chuyện làm tường rào và cổng sau khi lấy đất. Sức cụ không làm ra tiền, con cái đau ốm triền miên và phải sống dựa vào trợ cấp của nhà nước nên gia đình không thể gánh vác được việc này.

Lãnh đạo xã Xuân Thọ cảm động trước tấm lòng của cụ bà gần trăm tuổi, đồng thời hứa thực hiện nguyện vọng của gia đình cụ Tỵ. Cán bộ xã định đưa mẫu giấy cam kết hiến đất, đề nghị cụ ký, minh chứng cam kết hiến đất của gia đình nhưng cụ gạt phắt đi như thể tự ái: “Đất là của nhà nước, xã hội chứ không phải của riêng gia đình tôi. Tôi chết đi cũng không mang theo được, nên cần bao nhiêu đất tôi hiến bấy nhiêu. Các anh cứ tin tôi là được, không cần ký tá gì cho mất công”, cụ Tỵ kể lại.

Cụ Tỵ mong muốn chính quyền làm lại tường rào cho gia đình sau khi hiến đất. Ảnh: Quốc Toản.

Cụ Tỵ mong muốn chính quyền làm lại tường rào cho gia đình sau khi hiến đất. Ảnh: Quốc Toản.

Con ngõ thôn 2 trước đây rộng chừng 3,5m nay đang hoàn tất việc giải phóng mặt bằng để mở rộng lên 7m. Cụ Tỵ cũng vì thế mà được thơm lây. Dù gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng bà con chòm xóm không ai chê cụ được vì gia đình vẫn trọn trách nhiệm với quê hương.

Tuyến đường liên xã chạy dọc thôn 2 đi qua 49 hộ dân có chiều dài khoảng 1,2km đang được mở rộng từ 6,5m lên 10,5m, đường thôn xóm từ 3,5m lên 6,5m-7m. Sau khi huyện ban hành Nghị quyết hiến đất làm đường, từ cuối năm 2022 đến nay, hầu hết các hộ dân đều đồng ý ký vào cam kết hiến đất làm đường. Hiện nay, xã đã thực hiện giải phóng mặt bằng, xây mương máng và chuẩn bị đổ bê tông nền đường.

Ông Lê Văn Tiện, Bí thư kiêm Trưởng thôn 2 cho biết: “Riêng tuyến đường liên xã, người dân thôn 2, đã 3 lần hiến đất để mở rộng đường. Có hộ dân hiến tới cả trăm m2 đất trị giá vài trăm triệu đồng, tự phá dỡ công trình, xây dựng tường rào mẫu để làm gương cho các hộ khác noi theo. Có hộ vừa mới xây xong tường rào trị giá hàng trăm triệu đồng, sẵn sàng phá để hiến đất cho địa phương. Đối với các hộ dân không có khả năng tài chính làm tường rào, thôn, xã sẽ vận động các mạnh thường quân và bà con lối xóm góp của, góp công xây dựng hoàn thiện”, ông Tiện cho biết.

Chính quyền dân vận thay vì mệnh lệnh

“Ông bà cứ hiến đất đi, việc còn lại xã lo”, ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ cam kết với các hộ dân khi cùng Ban vận động xây dựng nông thôn mới của xã vận động bà con hiến đất làm đường.

Theo ông Hoan, bà con phân vân chuyện đất cát cũng đúng bởi, sau khi hiến đất, các thủ tục đăng ký biến động đất đai tốn khá nhiều thời gian. Bởi vậy, nếu cán bộ không cam kết với người dân, họ sẽ không đồng ý hiến đất.

Ông Hoan cho biết: “Về cơ bản người dân trong xã đồng ý hiến đất mở rộng đường, tuy nhiên có người vì nhiều lý do nên từ chối khéo. Có hộ dân chúng tôi phải đến nhà nhiều lần vận động, thuyết phục mới thành. Có hộ thì tìm cách né tránh. Cho nên đi vận động người dân hiến đất làm đường mà cứ tác phong này nọ hay mệnh lệnh hành chính thì hỏng. Bởi vậy cán bộ cũng phải rèn cho mình tính nhẫn, nhịn, “lì mặt”, thậm chí chấp nhận những lời nói khó nghe để đạt được mục tiêu chung”.

Nhiều tuyến đường tại xã Xuân Thọ được mở rộng hơn 10m, trông không khác nào đô thị. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều tuyến đường tại xã Xuân Thọ được mở rộng hơn 10m, trông không khác nào đô thị. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Hoan ví von: Hiến đất làm đường giống như cuộc “cách mạng” làm đẹp làng xã, bởi thế, nếu dân không đồng thuận thì nhiệm vụ thất bại. Để hoàn thành khối lượng công việc lớn, trong thời gian gấp rút, Ban vận động xây dựng nông thôn mới tại xã gồm đủ ban bệ thành phần từ trưởng thôn, ban công tác mặt trận thôn tới lãnh đạo xã đều phải xắn tay vào việc với tinh thần quên ăn quên ngủ, bằng mọi cách thuyết phục người dân hiến đất. Phương châm của ban vận động xây dựng nông thôn mới là: Làm đến đâu, gọn đến đó. Dân hiến đất đến đâu giải phóng mặt bằng đến đó. Khó mấy cũng phải thuyết phục bằng được người dân.

Xã Xuân Thọ (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) là địa phương điển hình về phong trào người dân hiến đất mở đường, làm hàng rào, xây dựng nông thôn mới. Từ tháng 9/2022 đến nay, với mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhân dân trong xã đã hiến gần 10.000m2 đất để mở đường rộng từ 7,5m đến 10,5m. Ngoài ra, người dân địa phương đã đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để làm đường, chỉnh trang tường rào...

Đáng chú ý, để góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tiến tới hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, ông Nguyễn Hữu Xuân - một người con của xã Xuân Thọ, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đã tài trợ xây dựng nông thôn mới cho địa phương với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng.

Trong đó, ông Xuân đã đóng góp xây dựng công trình phòng học Trường Tiểu học Xuân Thọ gồm nhà 2 tầng với 10 phòng học được trang bị tivi, mạng internet, cùng các hạng mục phụ trợ như nhà vệ sinh, nhà để xe, nhà bảo vệ, cổng tường rào, sân trường… với tổng trị giá 16,5 tỷ đồng. Ngoài ra, với số tiền hơn 30 tỷ đồng được ông Xuân đóng góp vào các công trình an sinh xã hội như làm đường, làm tường rào cho người dân và các công trình an sinh xã hội phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Từ một ngôi làng thuần nông, đường đi lại chật hẹp, thường xuyên bị ngập lụt xã Xuân Thọ vài năm trở lại đây "lột xác" hoàn toàn nhờ xây dựng nông thôn mới mà điển hình là phong trào hiến đất làm đường trong toàn xã. Nhiều tuyến đường ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, rộng khoảng 7m được láng bê tông chạy từ đầu ngõ tới cuối xóm. Hàng chục ngôi nhà khang trang, bạc tỷ được xây cất trông chẳng khác nào đô thị giữa lòng phố.

Ông Hoan khẳng định: "Chỉ nay mai thôi, khi xã Xuân Thọ cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế địa phương, nhiều tuyến đường trong xã sẽ không khác gì phố thị”.

Để xây dựng nông thôn mới, huyện Triệu Sơn đã hộ trợ các xã 200 triệu đồng/km đường xã; đối với đường thôn, huyện hỗ trợ 50 tấn xi măng/km, xã hỗ trợ 150 tấn xi măng/km để xây rãnh thoát nước, mở rộng mặt đường. Đối với đường ngõ, xóm, huyện hỗ trợ 20 tấn xi măng/km... 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

60 gian hàng OCOP tham dự tuần hàng giới thiệu nông sản Hà Nội

Tại phố đi bộ thị xã Sơn Tây, Hội Nông dân thành phố Hà Nội tổ chức Tuần hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chất lượng cao.