| Hotline: 0983.970.780

Người đầu tiên ở đất Tây Đô nuôi chim công thương phẩm thành công

Thứ Năm 18/01/2018 , 07:15 (GMT+7)

Càng nuôi anh lại càng đam mê với loài chim quý hiếm này. Hiện tại, anh thành công với mô hình nuôi chim công, với trên 10 cặp chim công bố mẹ, 20 con chim công từ 7 – 9 tháng tuổi và 10 cặp trĩ ngũ sắc. Hàng năm anh cung cấp ra thị trường hàng trăm con giống...

Anh Trần Văn Toản, ở KV Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở đất Tây Đô mở trang trại nuôi chim công rất thành công.
 

Nuôi chim công đem lại hiệu quả kinh tế cao

Năm 2000, anh Toản, bắt đầu hành trình khởi nghiệp bằng mô hình nuôi gà đông tảo và đạt được nhiều thành công. Năm 2012, anh đã thành lập trang trại Văn Toản, với diện tích 1.000 m2 để chăn nuôi, chuyên cung cấp con giống và gà thương phẩm, gà kiểng. Nhưng chỉ sau vài năm, giống gà đông tảo bắt đầu được nuôi tràn lan, giá giảm dẫn đến thua lỗ nhiều nên anh cũng không còn mặn mà với giống gà này.

10-14-33_nh-nh-ton-dng-chm-soc-dn-chim-cong-cu-minh
Anh Toản đang chăm sóc đàn chim công chuẩn bị vào mùa sinh sản

Năm 2016, tình cờ khi lên mạng tìm hiểu về một số giống vật nuôi mới lạ, đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh bị cuốn hút với loài chim công hoang dã có bộ lông sặc sỡ, múa đẹp, lại dễ nuôi, thị trường tại Cần Thơ lại rất khan hiếm.

Anh Toản cho biết: Chim công được xem là con vật nuôi phong thủy mang đến sự may mắn và hòa khí cho gia đình gia chủ,  nên được các trang trại, người có thu nhập cao, ổn định, rất ưa chuộng và mua về làm cảnh, là loài vật nuôi ưa thích của các khu du lịch sinh thái. Nhưng nguồn cung trên thị trường còn rất hạn chế dẫn đến giá luôn ở mức cao và ổn định nên tôi quyết định đầu tư vào nuôi chim công.

Sau khi tìm hiểu kỹ về loài vật nuôi này, cộng với kinh nghiệm sẵn có khi nuôi gà đông tảo, nên anh nhanh chóng bắt tay vào xây dựng chuồng trại và nhập 2 cặp chim công bố mẹ, giống chim công xanh Ấn Độ với giá 20 triệu đồng/cặp. Chỉ sau một thời gian ngắn chim công sinh sản từ 25 – 27 trứng, anh đem ấp máy và tỷ lệ nở thành công đạt 85%. Sau đó, anh nhập thêm chim công trắng và cho lai tạo với chim công xanh tại trang trại, để cho sinh sản ra công ngũ sắc.

Càng nuôi anh lại càng đam mê với loài chim quý hiếm này. Hiện tại, anh thành công với mô hình nuôi chim công, với trên 10 cặp chim công bố mẹ, 20 con chim công từ 7 – 9 tháng tuổi và 10 cặp trĩ ngũ sắc. Hàng năm anh cung cấp ra thị trường hàng trăm con giống, mỗi con chim công con mới nở được bán với giá 1 triệu đồng, chim công từ 7 – 9 tháng tuổi giá 6 triệu đồng/cặp, chim công bố mẹ có giá 15 – 20 triệu đồng/cặp, trĩ bảy màu có giá 5,5 – 6 triệu đồng/cặp, trĩ bảy màu giống có giá 500.000 đồng/con. Bình quân, một con chim mái mỗi năm có thể thu về từ 20 – 30 triệu đồng từ tiền bán con giống và tổng cộng mỗi năm anh Toản thu trên 200 triệu đồng.
 

Nuôi chim công dễ như nuôi gà

Hỏi về bí quyết thành công, anh Toản cho biết, nuôi chim công khá đơn giản, dễ như nuôi gà. Do chim công có nguồn gốc hoang dã nên dễ sống và có sức đề kháng tốt, thích nghi với môi trường nhân tạo. Nuôi chim công ít tốn công chăm sóc, lại cho ăn uống rất dễ, ít dịch bệnh.

Chim công là loài ăn tạp nên chủ yếu thức ăn là rau xanh, sâu, lúa, thóc, bắp, thức ăn… Có thể cho chim công ăn tự do trong chuồng, chim công lại ăn rất ít, lượng thức ăn chỉ bằng 1/3 của gà nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Nước uống cho chim công phải đảm bảo thật sạch và được thay mới hàng ngày.

Việc xây dựng chuồng trại nuôi công đơn giản, ít tốn chi phí, chỉ cần đảm bảo được tiêu chuẩn sạch, thoáng và khô ráo để các cá thể công luôn khỏe mạnh, ít bệnh tật. Chuồng được rào bằng lưới B40, lợp nóc chuồng bằng lưới cước để chim công không bay ra, lợp lá mái che trong chuồng để chim có chỗ trú mưa, nắng. Tùy vào số lượng chim công nuôi dưỡng, độ rộng hẹp của chuồng có thể khác nhau, một chuồng có thể nuôi từ 4 – 6 cá thể chim trưởng thành, hoặc 10 – 15 cá thể từ 6 - 12 tháng tuổi.

Phải có khoảng sân nhỏ để công tự do nhảy múa, vận động, tắm nắng. Bố trí thêm nhiều cành cây trong chuồng để chim bay đậu cho thoải mái, chim nhanh lớn và có lông đẹp.  Nền chuồng và khoảng sân phía ngoài phải cao, được rải cát để hút ẩm để đảm bảo cho lông đuôi công không bị dính bẩn mỗi khi di chuyển, đồng thời là chỗ để cho công tắm cát làm sạch bộ lông.

Chim công sau 2 năm nuôi đạt đến độ tuổi trưởng thành và bắt đầu có khả năng sinh sản. Mỗi năm chỉ cho sinh sản 1 lần, mỗi lần từ 25 – 27 trứng . Tuy nhiên phải từ năm thứ 3, thứ 4 trở đi thì khả năng sinh sản của chim mới ổn định và cho tỉ lệ ấp nở đạt hiệu quả cao hơn. “Nếu muốn lai tạo ra loại công ngũ sắc, thì ghép công xanh với công trắng, tỉ lệ cho ra công ngũ sắc khoảng 50%, do gen con mái cao nên phụ thuộc rất lớn vào con mái”, anh Toản cho biết.

Khi chim non nở, sử dụng một số kháng sinh để phòng trị bệnh cho chim giống như việc phòng, trị bệnh cho gà con. Một số bệnh thường gặp như bệnh về đường hô hấp và tiêu chảy. Trị bệnh cho chim công giống như việc phòng và trị bệnh cho gia cầm, có thể sử dụng các loại thuốc kháng sinh của gia cầm đang bán tại các tiệm thuốc thú y để để điều trị cho chim. 

Chim công từ 3 – 4 năm tuổi trở lên lông đuôi có những đốm đồng tiền to óng ánh, lông đuôi dài hơn so với công 2 năm tuổi trở xuống.  Chính vì vậy loài chim công có số tuổi càng cao thì sẽ càng đẹp và càng có giá...

Hiện anh Toản vẫn đang tiếp tục nhân giống và phát triển quy mô đàn chim công cung cấp ra thị trường, đầu tư mở rộng chuồng trại và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho những người có chung niềm đam mê về loài chim quý hiếm này.

Xem thêm
Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.