| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh thành công với giống vật nuôi bản địa

Người đưa giống gà Tiên Yên bay xa

Thứ Tư 02/08/2023 , 07:58 (GMT+7)

Gà Tiên Yên từng có nguy cơ mai một, nhưng nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo của nhà khoa học Lý Văn Diểng, giống gà bản địa này đã cất cánh bay xa.

'Nhà khoa học' của nhà nông Lý Văn Diểng. Ảnh: Nguyễn Thành.

"Nhà khoa học" của nhà nông Lý Văn Diểng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Thụ tinh nhân tạo vực dậy giống gà bản địa

Gà Tiên Yên là một trong những giống vật nuôi bản địa của Quảng Ninh hiện được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Cách đây chừng 10 năm, giống gà ấy có nguy cơ bị mai một, song nhờ ông Lý Văn Diểng, người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tiên Yên dày công nghiên cứu, phục tráng nên mới có được thành quả như ngày hôm nay.

Đầu năm 2013, ông Diểng bắt đầu thực hiện dự định đã ấp ủ. Trước ông cũng đã có nhiều người làm giống gà Tiên Yên nhưng không thành công. Do đó, ông Diểng lặn lội tìm đến Viện Chăn nuôi, các địa phương trên cả nước rồi sang cả Thái Lan, Trung Quốc để tìm hiểu cách làm con giống.

Trong một lần chứng kiến cách thụ tinh nhân tạo trên đàn vịt, ông Diểng tự hỏi, nếu vịt làm được tại sao không thử xem gà có làm thụ tinh nhân tạo được không bởi đều là gia cầm? Nghĩ là làm, ông Diểng bắt tay vào thử nghiệm, nghiên cứu cách thụ tinh nhân tạo trên gà Tiên Yên. Trời không phụ lòng người, chỉ sau nửa năm, công trình khoa học của ông đã thành công.

“Tôi đã đến từng hộ dân để tìm mua giống gà Tiên Yên, chọn những con có màu lông đẹp, da vàng, bao gồm cả mái và trống. Lúc ấy, việc tuyển chọn gà rất vất vả, từ việc thuyết phục người dân bán gà cho đến việc tìm được mẫu gà ưng ý. Đến khi có trong tay khoảng 500 con tôi bắt đầu xây dựng mô hình”, ông Diểng nhớ lại.

Kể về bí quyết thụ tinh nhân tạo, ông Diểng cho biết, phải nắm được điểm nhạy cảm của gà trống, chỉ cần chạm vào đúng "chỗ" là nhân viên kỹ thuật của ông Diểng sẽ lấy được tinh trùng một cách dễ dàng để bơm thụ tinh vào gà mái.

Do số lượng gà cần thụ tinh hàng ngày rất lớn, nên việc thụ tinh cần diễn ra nhanh, chính xác. Chứng kiến công việc này, chúng tôi nhẩm tính chỉ khoảng 2 - 3 giây đã thụ tinh xong cho một con gà. 

Gà Tiên Yên là một trong những giống vật nuôi bản địa nổi tiếng ở Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Gà Tiên Yên là một trong những giống vật nuôi bản địa nổi tiếng ở Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

"Đối với việc chăm sóc các “nàng hậu”, phải để các "chị ấy" luôn khỏe mạnh, tinh thần thoải mái. Chẳng may có bệnh tật gì phải chữa ngay tức thì, không được chậm trễ dù chỉ một phút. Với mỗi nhân viên của công ty, chăm các "chị" gà mái không khác gì chăm sóc cho bà bầu vậy”, ông Diểng ví von.

Khi gà mái đẻ trứng, những quả trứng sẽ bắt đầu một chu trình mới hệt như quá trình ấp của gà mẹ. Chỉ khác đây là quá trình ấp nhân tạo bằng máy móc hiện đại của ông Diểng mô phỏng gần như tự nhiên. 

Ông Diểng giải thích, trước kia chưa có máy, nhiều khi gà mẹ không biết đường mà mổ vỏ trứng để gà con chui ra. Do đó, máy này sẽ tạo ra ngoại lực vào vỏ trứng hệt như công đoạn gà mẹ mổ vỏ để gà con chào đời nên tỷ lệ ấp nở thành công sẽ cao hơn, lên đến trên 90%.

Cụ thể, giai đoạn đầu mới áp dụng công nghệ sản xuất giống gà bằng thụ tinh nhân tạo, do kinh nghiệm còn hạn chế nên tỉ lệ ấp nở thành công chỉ đạt 700 - 800 con/1.000 trứng. Đến nay, tỷ lệ ấp nở thành công lên tới 900 con/1.000 trứng.

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo sẽ góp phần tăng sản lượng gà thương phẩm cho thị trường, đồng thời, qua thời gian dài chọn lọc từ 7 - 8 đời đã giúp bảo tồn, phát triển và duy trì nguồn gen quý của gà Tiên Yên. Hiện mỗi năm công ty của ông Diểng cung cấp khoảng trên 200.000 con gà giống Tiên Yên khỏe mạnh ra thị trường.

Tháng 12/2022, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Lễ tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ tư năm 2022. Quảng Ninh có 1 cá nhân được trao danh hiệu này, đó chính là Thạc sĩ Lý Văn Diểng, người dân tộc Sán Dìu, hiện là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Yên với công trình ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để sản xuất giống và phát triển đàn gà Tiên Yên.

Mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên thảo dược của ông Nguyễn Văn Ước. Ảnh: Quang Dũng.

Mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên thảo dược của ông Nguyễn Văn Ước. Ảnh: Quang Dũng.

Xây dựng thương hiệu gà Tiên Yên thảo dược và OCOP

Ông Lý Văn Diểng cho biết, hiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như sự suy thoái kinh tế toàn cầu nên nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản đều có xu hướng giảm so với trước, trong đó có sản phẩm gà Tiên Yên.

Bên cạnh đó, việc làm mới sản phẩm gà Tiên Yên được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết để nâng cao chất lượng thịt và mang đến hương vị mới lạ, độc đáo của gà Tiên Yên đến với người tiêu dùng.

“Hiện, tỉnh Quảng Ninh đang làm mới và đưa vào hoạt động một số mô hình du lịch độc đáo để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. Con gà Tiên Yên cũng giống như vậy, cũng cần làm mới, tạo hướng đi mới, có như vậy mới duy trì được sức hấp dẫn với thực khách”, ông Diểng nhấn mạnh.

Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Ước, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên đang triển khai mô hình nuôi gà Tiên Yên thảo dược quy mô 2.000 con. Toàn bộ đầu ra hiện có doanh nghiệp đặt hàng bao tiêu.

Theo ông Diểng, Công ty CP Phát triển Chăn nuôi và Nông lâm ngư nghiệp Phúc Long đã làm chủ công nghệ nuôi gà Tiên Yên thảo dược. Thảo dược đối với đàn gà có 2 tác dụng, thứ nhất tăng kháng thể, giúp gà không bị các bệnh như hen, bệnh đường ruột và đặc biệt không phải dùng kháng sinh cho gà. Thứ hai, tạo ra chất lượng thịt gà Tiên Yên có vị thảo dược quyện cùng hương vị vốn đã thơm ngon của gà Tiên Yên.

Thảo dược được sấy khô, xay thành bột, trộn theo tỉ lệ với ngô, thóc, cám gạo, thân chuối… tạo thành hỗn hợp riêng, từ tháng thứ 2 bắt đầu cho gà ăn. Thảo dược được sử dụng bao gồm hồi, quế, đinh hương, xuyên khung, thảo quả, sa nhân… Hộ nuôi phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt trong việc cho ăn, ghi chép theo nhật ký hàng ngày.

Hiện gà Tiên Yên thảo dược chỉ cung cấp theo đơn đặt hàng. Ảnh: Quang Dũng.

Hiện gà Tiên Yên thảo dược chỉ cung cấp theo đơn đặt hàng. Ảnh: Quang Dũng.

Ông Lý Văn Diểng cho biết, sẽ kiểm nghiệm lại một lần nữa chất lượng vụ gà Tiên Yên thảo dược, xem có đạt đúng chất lượng đã đặt ra hay không. Trong thời gian tới, huyện Tiên Yên sẽ mở rộng thêm một số mô hình gà Tiên Yên thảo dược, không chỉ có một hộ nhà ông Ước mà sẽ ra nhiều hộ như vậy.

Đây là mô hình, là hướng đi mới cho con gà Tiên Yên khi chất lượng, hương vị đều cao hơn so với cách nuôi thông thường. Ngoài ra, giá bán gà Tiên Yên thảo dược cũng cao hơn từ 15 - 20%, góp phần tăng thu nhập cho bà con chăn nuôi.

Huyện Tiên Yên cũng tập trung cho việc xây dựng thương hiệu OCOP gà Tiên Yên. Đến nay đã có 1 HTX Chăn nuôi gà Tiên Yên có sản phẩm được cấp 4 sao, 5 HTX có sản phẩm được cấp 3 sao. Ngoài ra, huyện Tiên Yên đang triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý gà Tiên Yên, nhằm quản lý và bảo vệ thương hiệu giống gà đặc sản bản địa này.

Việc phát triển đàn gà Tiên Yên đã giúp mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quản lý tốt chất lượng, nhãn hiệu, tạo ra sản phẩm gà Tiên Yên đồng đều, sản xuất ổn định, tăng giá trị thu nhập cho người dân, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài huyện.

Huyện Tiên Yên đặt mục tiêu đến năm 2025, tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 9%, xây dựng các chuỗi sản xuất gà Tiên Yên. Định hướng đến năm 2030, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển kinh tế du lịch gắn với sản xuất, văn hóa bản địa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, tự nhiên với ngành hàng được chỉ dẫn địa lý...

6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp huyện Tiên Yên đạt 509 tỷ đồng. Trong năm 2023, Tiên Yên sẽ tổ chức các hội nghị thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển chế biến sản phẩm gà Tiên Yên, nuôi lợn công nghệ cao, nuôi tôm công nghệ cao…

Xem thêm
Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.