| Hotline: 0983.970.780

Người đứng trên vai những người khổng lồ

Thứ Năm 15/10/2015 , 18:17 (GMT+7)

Nhờ biết cách đứng trên vai những người khổng lồ để phát triển, đứng trên những người cao hơn để có tầm nhìn xa, ngày nay Cty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) đã trở thành đơn vị dẫn đầu trong ngành giống Việt.

10 năm trước, đại hội cổ đông lần đầu bầu ra Hội đồng Quản trị của Vinaseed, đứng ở trên bục danh dự đội ngũ lãnh đạo mới vẫn còn nghe văng vẳng tiếng của cán bộ, công nhân bên dưới đàm tiếu. Họ không tin đội ngũ lãnh đạo mới có thể vực dậy Cty đang trong tình cảnh bết bát.

Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty nhớ lại, lúc đó lực lượng giỏi đã ra đi vãn, lưng vốn tiếng hơn 13 tỷ đồng nhưng 6,5 tỷ là tài sản cố định còn đâu là…nợ khó đòi, sản phẩm toàn là giống “nhân dân” không bản quyền. Bi đát đến mức Cty định SX 20 ha ngô lai LVN10 nhưng khi đặt vấn đề xin giống bố mẹ liền bị từ chối thẳng thừng.

Các Cty giống khác nhìn vào thì thào: “Đây chẳng phải là Cty Giống cây trồng Trung ương nữa rồi mà là Cty Giống cây trồng Phương Mai”.

8 đơn vị trực thuộc là 8 “sứ quân” tự SX, tiêu thụ với thương hiệu riêng, sống chung trong cảnh “đồng sàng, dị mộng”. Nội bộ từng có thời kiện cáo nhiều đến mức từ đứa “con đẻ” trở thành “con nuôi”, thành gánh nặng của Bộ NN-PTNT, có lúc phải bàn đến chuyện giải thể để nhập vào một Cty khác.

Bởi thế GS Trần Hồng Uy dẫn bà Trần Kim Liên đi đến đâu cũng phải giới thiệu: “Đây là giám đốc mới không phải như thời trước đâu!”. Vì ngại mọi người không ai dám quan hệ. Tiếng là mang cái tên trung ương nhưng thực lực hồi đó chỉ ở tầm cấp tỉnh, còn khoảng cách rất xa sau Cty Giống cây trồng miền Nam, Cty Giống cây trồng Thái Bình.

dsc-0702110025856
Sản xuất giống

Tại sao Cty Giống cây trồng miền Nam, Cty Giống cây trồng Thái Bình làm được mà mình thì không? Không tổ chức lại không bao giờ có Vinaseed. Vậy là dấy lên một niềm tin, một khát vọng mới.

Lãnh đạo Cty cầm quân vào Cty Giống cây trồng miền Nam, đơn vị đầu đàn trong ngành giống lúc đó học cách quản trị, tư duy để rồi không copy nguyên gốc mà mở lối riêng.

Lấy khoa học công nghệ làm kim chỉ nam, biết cách đứng trên vai những người khổng lồ để phát triển, đứng trên những người cao hơn để có tầm nhìn xa.

Đối ngoại, tập trung vào hợp tác quốc tế. Đối nội tranh thủ hết sức các nguồn lực xã hội đặc biệt là những chuyên gia đầu ngành. Bền bỉ xây dựng hệ thống quản trị minh bạch, chia sẻ và đối xử công bằng với tất cả các đối tác đầu tư.

Từ chỗ chỉ SXKD những loại giống lúa phổ thông đến nay đơn vị có khối lượng sản phẩm tiêu thụ và bộ sản phẩm đa dạng nhất Việt Nam với sản lượng tiêu thụ gần 3 vạn tấn hạt giống, tương đương 1,2 triệu ha gieo trồng.

dsc-0687110025591
Một góc khu chế biến

Thị phần của Cty về lúa chiếm 18%, về ngô chiếm 14% và về hạt rau chiếm hơn 8% với hệ thống mạng lưới trên 1.200 đại lý phủ rộng khắp toàn quốc.

Vinaseed là doanh nghiệp Khoa học - công nghệ đầu tiên trong ngành giống cây trồng Việt Nam với doanh thu từ sản phẩm khoa học - công nghệ chiếm tới 75%, liên tục được đánh giá là 1 trong 50 Cty tốt nhất thị trường VN.

Sở hữu trong tay 30 giống, trong đó có những loại cạnh tranh mạnh mẽ như lúa Thiên ưu 8 mới tung ra đã chiếm gần 400.000 ha canh tác với khoảng 8.000 tấn giống được bán. Điểm ưu việt của Thiên ưu 8 là năng suất cao, chất lượng khá và đặc biệt chống chịu sâu bệnh, bảo vệ môi trường.

Ngô nếp chiếm 40% thị phần toàn quốc với HN88 và hướng sắp tới là ngô nếp đường, ngô nếp thực phẩm chức năng.

Tuy là lính mới “chân ướt chân ráo” của làng rau nhưng Cty đã kịp chiếm trên 8% thị phần với các giống rau lai nhiệt đới. Với loại dưa lưới mới khác hoàn toàn Kim cô nương, Kim Hoàng hậu của Đài Loan ở các yếu tố năng suất, chất lượng và nhất là có gene giúp cho công tác vận chuyển, bảo quản được dễ dàng bởi vỏ rắn, thịt quả chắc, lại có cả loại mùi ổi, mùi lê.

Một khi sản phẩm có sự khác biệt lớn sẽ rất thuận lợi cho việc định giá cả nhưng mục tiêu của Cty không phải là tối đa hóa lợi nhuận mà là phát triển bền vững, cải thiện thu nhập cho người nông dân.

Thế nên một nguyên tắc về giá của giống được định ra không bao giờ được quá 5% doanh thu của người nông dân từ sản phẩm đó.

Năm 2015 ước lợi nhuận của Cty đạt khoảng 170 tỷ đồng, tăng gấp 40 lần, doanh thu 1.200 tỷ, tăng 20 lần so với 10 năm trước.

dsc-0716110026128
Bên trong kho hàng

Từ một doanh nghiệp chỉ có 8 đơn vị thành viên đến nay đã tăng lên 15 đơn vị thành viên. Từ chỗ tên trung ương đẳng cấp địa phương nay đã nổi lên thành một đơn vị giống hàng đầu của Việt Nam, đủ tự tin để phát triển thêm một ngành hàng mới hoàn toàn là gạo.

Chỉ đơn thuần SX một khâu gạo sẽ dễ lỗ nhưng nếu tổ chức được vùng nguyên liệu, đưa vào chế biến, bán hàng sẽ tạo thành một chuỗi khép kín có lợi và có thương hiệu. Đi theo hướng đó, Trung tâm Công nghiệp chế biến giống cây trồng Trung ương Hà Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển Cty giai đoạn 2016-2020.

 Nhà máy tại Đồng Văn (Hà Nam) được xây dựng trên quy mô 3 ha, với tổng vốn đầu tư 130 tỷ đồng. Công suất chế biến 10.000 tấn giống/năm và 20.000 tấn gạo/năm, chủ yếu SX gạo thực phẩm chức năng và gạo Nhật Japonica, hệ thống kho bảo quản 10.000 tấn.

Đây là dịp đại hỉ của Cty khi cùng lúc đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, khánh thành Trung tâm Công nghiệp chế biến giống cây trồng Trung ương Hà Nam, kỷ niệm 10 cổ phần hóa, thành lập Quỹ Tấm lòng nhân ái Vinaseed.

Máy móc tự động, khép kín trong đó đặc biệt hiện đại phải kể đến hệ thống sấy và máy bắn màu. Dây chuyền sấy tuần hoàn của Nhật gồm 4 tháp với công suất 120 tấn/mẻ đốt bằng nguyên liệu trấu của chính nhà máy xay. Sau khi đốt, luồng không khí nóng được thổi vào, máy tính tự động điều khiển chế độ thủy phần, áp suất bên trong tháp sao cho trăm hạt như một…

Nếu như các hệ thống bắn màu khác chỉ loại được các hạt gạo khác màu, bạc bụng còn chịu thua những hạt “gạo nhựa” thì hệ thống bắn màu của Nhật sẽ loại ra bằng hết. Đi kèm với đó là phòng đóng gói đạt tiêu chuẩn HACCP sẵn sàng cho xuất khẩu.

Có nhà máy ắt phải có vùng nguyên liệu liền vùng liền khoảnh, thâm canh tốt, quản lý kỹ thuật nghiêm và đặc biệt hạn chế sử dụng thuốc BVTV để đảm bảo an toàn thực phẩm tuyệt đối.

Định hướng về sản phẩm xuất khẩu của Cty là dòng gạo Nhật Japonica, gạo thực phẩm chức năng, còn nội địa là dòng gạo Indica chất lượng. Tất cả đều phải xây dựng thương hiệu, đóng gói nhỏ chứ không xuất thô, đóng bao 50 kg kiểu hàng chợ.

Định hướng về giống lúa lai của Cty sẽ phải là năng suất cao, chất lượng tốt, về lúa thuần sẽ phải thích ứng với biến đổi khí hậu, ngắn ngày, chất lượng cao và cả siêu lúa để phục vụ công nghiệp chế biến.

Hiện tại Cty đã đủ vốn, đủ tiềm lực để có thể đàm phán sòng phẳng trong những thương vụ mua bản quyền, công nghệ của nước ngoài chứ không chỉ bó hẹp ở trong nước. Con đường còn xa, khó khăn còn nhiều nhưng với một khát vọng cháy bỏng, với một quyết tâm tiến bước sẽ giúp cho Cty băng qua tất thảy những chông gai.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm