Yahoo Messenger bị virus tấn công
Những ngày gần đây, cộng đồng sử dụng Yahoo Messenger (YM) đang “sốt sình sịch” do bị một loại virus lạ tấn công và đang có tốc độ lây lan rất nhanh.
Với những người sử dụng Yahoo Messenger thì việc thường xuyên bị virus tấn công không còn là quá lạ vì đây là mục tiêu béo bở để khai thác. Xác định “sống chung với lũ” nhưng cũng không ít lần người sử dụng YM phải lao đao vì những loại virus cổ quái. Một trong số đó phải kể đến cái tên Kavo tự động đẩy người dùng thoát khỏi Yahoo hay Nhatquang của Việt Nam có tốc độ lây lan cực lớn.
Tuy nhiên, với đợt tấn công mới của loại virus tạm được gọi với cái tên Foto lại có một số điểm đặc biệt khác so với những loại virus trước đó. Điểm khác biệt là nó không mở cửa sổ chat trên màn hình của người bị nhiễm. Do đó, bản thân nạn nhân đã bị nhiễm virus này không biết máy tính của mình đã bị nhiễm virus, chỉ đến khi nhận được thông báo từ những người khác mới hay mình đã dính “bẫy”.
Theo ghi nhận tại một số diễn đàn lớn về tin học và những phản ánh từ phía người sử dụng Yahoo Messenger từ hôm 30/4 đến nay loại virus lạ này có tốc độ lây lan rất nhanh và tỏ ra “miễn nhiễm” với một số chương trình diệt virus.
“Hôm 1/5 tôi đã nhận được đường link có liên quan đến con virus mới này. Tuy nhiên, lúc đó tôi đã trót kích vào do không nghĩ đó là đường link có chứa virus vì tưởng rằng bạn mình có ảnh đẹp muốn chia sẻ. Sau đó mới biết mình là nạn nhân thì đã muộn. Cứ thi thoảng lại thấy bạn bè vào mắng vốn vì bị spam, quả thực rất bực mình. Tuy nó không gây phiền hà như những loại virus khác là liên tục send vào list group nhưng lại âm thầm chạy nên càng nguy hiểm hơn,” Nguyễn Khoa, một trong những nạn nhân mới nhất của virus Foto bức xúc cho biết.
Còn theo nhận định ban đầu của một số dân chuyên môn thì cho rằng, loại virus này có một đặc điểm khá lạ là có đuôi định dạng .php làm người dùng tưởng rằng đó là một website nào đó về ảnh. Nhưng trên thực tế, khi đã kích vào sẽ tự động download link có gắn kèm trojan về máy nạn nhân.
Hơn nữa, khi phần mềm IDM tự động download thì chỉ hiện ra một website trống trơn và địa chỉ link rắc rối nên có thể nói đây là một trong những dấu hiệu là link giả mạo có gắn kèm Trojan để ăn cắp password hoặc các thông tin nạn nhân người dùng.
(Theo Thể thao& Văn hóa Online)