| Hotline: 0983.970.780

Người gieo rừng từ những mầm xanh

Thứ Hai 07/12/2020 , 08:41 (GMT+7)

Sau câu chuyện tưởng chừng liên miên khó dứt với chị Thúy, tôi vỡ vạc một triết lý giản đơn: để làm được thứ lớn lao, chỉ cần bắt đầu từ những điều nho nhỏ.

Chị Thúy (mặc áo dài hoa) cùng các bậc phụ huynh và các bạn nhỏ về thăm lại những hàng thông đã lên xanh được trồng từ quỹ Trồng cây gây rừng.

Chị Thúy (mặc áo dài hoa) cùng các bậc phụ huynh và các bạn nhỏ về thăm lại những hàng thông đã lên xanh được trồng từ quỹ Trồng cây gây rừng.

Nguyễn Thị Thanh Thúy sinh ra ở Lâm Đồng, nơi từng có nhiều cánh rừng với khí hậu mát mẻ nhưng càng ngày khi hậu nơi đây càng biến đổi theo chiều hướng xấu hơn.

Khi cảm nhận được sự quan trọng của rừng thì mới chợt nhận ra rằng rừng ở Lâm Đồng đã mất đi rất nhiều. Chính điều này khiến chị miệt mài đi tìm câu trả lời.

Và lời đáp cho câu hỏi của chị chính là hãy tuân theo trật tự của tự nhiên, phải sống chung với thiên nhiên. Đó chính là điều thôi thúc chị phải làm gì đó để bảo vệ rừng, dù hiện giờ chị đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chị Thúy là người đồng sáng lập và là Hội trưởng “Hội quán các bà mẹ” Thành phố Hồ Chí Minh - nơi san sẻ những giá trị gia đình và cuộc sống. “Hội quán của mình làm toàn những chuyện nhỏ xíu thôi hà”, chị Thúy bảo.

Chuyện nhỏ xíu của “ ngôi nhà chung” hội quán là những dự án hoạt động bền bỉ hơn chục năm qua, dự án nào cũng thấm đẫm nhân văn. Và một trong những dự án luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ không chỉ của các bậc phụ huynh mà còn thu hút  rất nhiều các em nhỏ hào hứng tham gia.

Chị Thúy đã cùng một nhóm phụ huynh học sinh ngày ngày cần mẫn góp nhặt sự ủng hộ của bạn bè, người thân để mua cây giống, mang đi trồng ở khắp nhiều nơi.

Người mẹ hai con sinh năm 1973 này hơn 5 năm qua vẫn thường xuyên đồng hành cùng các bạn nhỏ trên khắp mọi miền đất nước đi “vá”  những mảnh non xanh tươi mát trên bức tường xám xịt của sắt thép bê tông, giúp tăng thêm màu xanh, đồng thời dạy cho các bạn trẻ học cách sống xanh.

Chị Thúy chia sẻ: “Tôi ấp ủ quỹ trồng cây gây rừng trong nhiều năm. Tôi cũng biết lựa chọn trẻ em là đối tượng chính của quỹ là một việc rất khó khăn. Nếu quỹ “ trồng cây gây rừng” dành cho người lớn thì sẽ dễ dàng có nhiều người đồng hành hơn nhưng tôi muốn thông qua quỹ này để giúp các con hiểu hơn về rừng, qua đó truyền ngọn lửa tình yêu rừng cho các con. Bởi các con chính là những người chủ tương lai của đất nước”.

Chị Thúy (đầu tiên từ phải sang), nhà tài trợ cây trồng cho trường chuyên Nguyễn Chí Thanh - Đắk Nông trong Lễ phát động trồng cây gây rừng.

Chị Thúy (đầu tiên từ phải sang), nhà tài trợ cây trồng cho trường chuyên Nguyễn Chí Thanh - Đắk Nông trong Lễ phát động trồng cây gây rừng.

Sáng sớm, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy cùng một số các bạn nhỏ đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đã có mặt tại trường chuyên Nguyễn Chí Thanh – Thành phố Gia Nghĩa – tỉnh Đắk Nông để trồng 500 cây xanh xung quanh trường học và hai bên ven đường bờ hồ trung tâm. Số cây được mua từ tiền quỹ “Trồng cây gây rừng”.

Quỹ “ trồng cây gây rừng” được tích góp từ nhiều nguồn tiền khác nhau như: sự đóng góp của các bạn nhỏ; từ việc bán sách của các tác giả có liên quan đến rừng; từ sự kêu gọi ủng hộ, hộ trợ của các bậc phụ huynh yêu rừng; từ các phiên chợ quê bán các đặc sản có từ rừng mà ra...

Đây cũng là cách chị Thúy cùng các bà mẹ giáo dục con không thải rác nhựa ra môi trường. Vừa được vui chơi, vừa được tham gia các hoạt động xã hội nên các bạn rất hào hứng và nhiệt tình làm việc dưới sự hướng dẫn của phụ huynh.

Em Nguyễn Duy An – trường THCS Lê Lợi– TP HCM chia sẻ “ Ở thành phố ít khi được hít thở không khí trong lành thế này. Việc trồng cây như thế này giúp em gần gũi với thiên nhiên và cũng biết bảo vệ môi trường tốt hơn”.

Còn với các bạn học sinh trường chuyên Nguyễn Chí Thanh thì đây là một dịp để các em hiểu hơn về môi trường sống của mình, thấy mình thật sung sướng khi được sống trong một môi trường thiên nhiên trong lành, không ô nhiễm khi có thật nhiều cây xanh xung quanh.

Với cách làm trên, trong mấy năm qua chị Nguyễn Thị Thanh Thúy đã huy động các em nhỏ trồng và chăm sóc hơn 10.000 cây xanh ở khắp địa phương trên cả nước. Chính các em học sinh tại địa phương sẽ tiếp nhận và chăm sóc những cây xanh trong khuôn viên trường hay ngay trước cửa nhà mình. Tuy không quá lớn về số lượng nhưng điều đáng nói đây sẽ là bài học giáo dục ý nghĩa về môi trường, tinh thần cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ “Mong muốn được trồng nhiều hơn ở những nơi mà bà con và các hội đoàn tình nguyện. Tình nguyện ở đây là sẵn sàng trong các tâm thế cùng nhau chăm sóc cây để tạo ra một môi trường thiên nhiên thân thiện với tất cả chúng ta.

Chia sẻ lý do Quỹ trồng cây gây rừng chỉ dành cho các bạn nhỏ thay vì phụ huynh, chị Thúy cho biết “ Là một người được đào tạo và nghiên cứu về xã hội học, lại sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, nơi có khí hậu trong lành, những năm 1990 môi trường trong lành đến gần như tuyệt đối  với mật độ cây xanh và rừng bao phủ đến 90% diện tích của tỉnh Lâm Đồng.

Nhưng những năm gần đây nạn phá rừng, hủy diệt cây xanh ngày càng tràn lan, những cánh rừng biến mất hoàn toàn, môi trường  ô nhiễm nghiêm trọng. Thông qua “Quỹ trồng cây gây rừng” tôi muốn các em nhỏ làm quen với rừng, biết được những lợi ích từ rừng mang lại ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.

Chính vì lẽ đó mà chị Thúy đã “rủ rê” mọi người cùng góp sức để mang cây giống đi trồng ở nhiều nơi trong 5 năm qua. Mỗi ngày chị đều tìm cách truyền đi thông điệp trồng cây gây rừng với những người xung quanh mình. Nhất là các bạn nhỏ đang tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Ngôi sao Nhí nơi Hội quán Các bà mẹ “ đóng đô”. Tự bản thân chị thấy đau cho những hàng cây, cánh rừng đang dần chết đi nên cứ vậy mà bắt tay làm thôi.

Chị Thúy cho các em trồng cây ở Lâm Đồng.

Chị Thúy cho các em trồng cây ở Lâm Đồng.

Đó cũng là lời tâm tình mộc mạc của chị trên Facebook như: “Mai tụi mình lại mang cây lên đây trồng”, “Cần thêm nhiều cây xanh dọc các con đường, mọi người có ai muốn thì chung sức cùng tụi mình”...

Vậy đó mà suốt 5 năm qua chị cùng mọi người đã mang nhiều giống cây lên trồng ở Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đắk Nông cùng nhiều vùng miền khác nữa... Không góp tiền thì góp sức, từ các bà mẹ đến những đứa trẻ đã rất tích cực hưởng ứng và tham gia cùng.

Từ năm 2015, chị Thúy chính thức khởi động chương trình trồng cây, trồng rừng tạo cảnh quan. Mục đích trồng thêm cây xanh, giúp tăng thêm màu xanh đồng thời dạy cho thế hệ trẻ học cách sống xanh. Các gia đình, người lớn trẻ em cùng học, cùng thể hiện tình yêu thiên nhiên qua hành động thiết thực là trồng và chăm sóc cây.

Sau 5 năm triển khai, chị Thúy đã tổ chức ba mươi đợt trồng cây tạo cảnh quan  với hơn 10.000 cây tại các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước, Ninh Thuận… và tổ chức cho cả ngàn  trẻ em tham gia chương trình trồng mới và chăm sóc số cây xanh đã trồng trước đó.

Cùng với  phụ huynh trong “Hội quán các bà mẹ” đã tổ chức các phiên chợ Mầm xanh bán các sản phẩm hữu cơ do chính mình làm ra, khuyến khích trẻ nhỏ phát triển theo cách tự nhiên nhất. Chị Thúy cũng cho rằng thiên nhiên chính là liều thuốc hiệu quả nhất để bản thân mỗi người có thể tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.

Trước tình trạng nhiều cánh rừng tự nhiên  đang dần mất đi, chị Thúy cho rằng mọi người đều có thể lan tỏa thông điệp bảo vệ rừng bằng cách tự nâng cao ý thức rồi kêu gọi mọi người cùng hành động. Đó có thể đơn giản cùng nhau trồng cây để cùng thực hành ý thức sống xanh,bảo vệ môi trường chính nơi mình đang sống.

Chị Thúy (mặc áo bông) bán sách làm Quỹ trồng cây gây rừng.

Chị Thúy (mặc áo bông) bán sách làm Quỹ trồng cây gây rừng.

5 năm gây quỹ “Trồng cây gây rừng” cùng phụ huynh và các bạn nhỏ trồng ngàn cây xanh trên khắp cả nước, chị Thúy chưa bao giờ cảm thấy hối hận. Bởi với chị, niềm vui là được làm điều mình tâm huyết, hạnh phúc chính là lúc được cho đi.

“Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy yêu và đã gieo tình yêu với những cánh rừng trong lòng các bạn nhỏ một cách nhẹ nhàng như vậy”- lời chị phụ huynh của bạn Trần Khánh Chi – lớp 8 Trường Nguyễn Khuyến – Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.