| Hotline: 0983.970.780

Hơn 16.000 hộ dân hưởng lợi từ Dự án lâm nghiệp FMCR

Thứ Năm 11/04/2024 , 10:43 (GMT+7)

Dự án 'Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển' (FMCR) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ được Thủ tướng phê duyệt gia hạn đến 2026.

Hiện trạng vùng rừng ven biển được trồng trong giai đoạn 1 của Dự án FMCR tại Quảng Ninh. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện trạng vùng rừng ven biển được trồng trong giai đoạn 1 của Dự án FMCR tại Quảng Ninh. Ảnh: Tùng Đinh.

Xét đề nghị của Bộ NN-PTNT và báo cáo kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến dự án FMCR, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định gia hạn thời gian thực hiện dự án đến 2026 kèm theo các mục tiêu cụ thể.

Theo đó, dự án sẽ tổ chức quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên, thông qua các nghiên cứu, đánh giá thực trạng sử dụng các nguồn tài nguyên khu vực ven bờ, xây dựng, chuyển giao kỹ thuật nhận diện một số loài cây lâm nghiệp chính, hỗ trợ trang thiết bị sản xuất giống và định lượng dịch vụ carbon...

Trồng, chăm sóc và quản lý rừng hiệu quả để tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Tạo ra các cơ chế (thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sinh kế và công nghệ...) để khuyến khích hộ gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp, hợp tác xã, chính quyền địa phương tham gia quản lý và bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên rừng hiện có.

Hơn 16.000 hộ dân được hưởng lợi

Về kết quả sau điều chỉnh, dự án sẽ trồng mới 1.384ha và trồng phục hồi 3.287ha rừng phòng hộ ven biển. Bảo vệ rừng ven biển bền vững thông qua hình thức khoán quản lý bảo vệ rừng theo cơ chế chính sách hiện hành trên diện tích 37.000ha. Ngoài ra, rừng phòng hộ ven biển vùng dự án được đóng mốc ranh giới trên thực địa, đảm bảo ổn định lâm phận, ranh giới giữa rừng phòng hộ và các loại đất khác.

Theo điều chỉnh, dự kiến khoảng 16.000 hộ gia đình được hưởng lợi trực tiếp thông qua các cơ chế khuyến khích các hộ gia đình, cộng đồng tham gia bảo vệ, trồng và phục hồi rừng ven biển để tăng thu nhập và cải thiện sinh kế. Những khu vực ven biển có nguy cơ rủi ro cao do thiên tai bão lũ gây thiệt hại lớn đến các khu dân cư, sản xuất sẽ được đầu tư bằng các giải pháp công trình chống sạt lở, gây bồi, tạo bãi để phục hồi, phát triển rừng ven biển.

Các khu vực đất công cộng thuộc vùng dự án được hỗ trợ trồng cây phân tán thông qua đề xuất cạnh tranh từ các tổ chức đoàn thể trên địa bàn xã để trồng, chăm sóc và bảo vệ lâu dài.

Việc trồng rừng ven biển không chỉ giúp phục hồi, bảo vệ sinh thái mà còn cải thiện, nâng cao sinh kế cho bà con. Ảnh: Tùng Đinh.

Việc trồng rừng ven biển không chỉ giúp phục hồi, bảo vệ sinh thái mà còn cải thiện, nâng cao sinh kế cho bà con. Ảnh: Tùng Đinh.

Dự án cũng sẽ cung cấp khoảng 130 gói đầu tư với giá trị ban đầu khoảng 10.000 USD/gói được xác định thông qua quá trình lựa chọn cạnh tranh nhằm tạo lợi ích bền vững cho cộng đồng ven biển từ kết hợp giữa bảo vệ rừng và phát triển sinh kế.

Thêm một mục tiêu nữa của dự án FMCR là hỗ trợ ít nhất 47 gói nâng cấp các cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ sản xuất, chế biến và tiếp thị hàng hóa, dịch vụ từ các khu rừng ven biển, với giá trị không quá 600.000 USD/gói.

Những gói hỗ trợ này sẽ dành cho các xã thuộc 47 huyện dự án nhằm gia tăng lợi ích kinh tế và thiết lập liên kết các hoạt động tạo thu nhập của các nhóm cộng đồng địa phương tham gia bảo vệ rừng ven biển. Ngoài ra, dự án sẽ cung cấp ít nhất 27 gói đầu tư công nghệ phục vụ phát triển sản xuất làm tăng thu nhập của hộ dân ven biển tham gia quản lý rừng bền vững với giá trị không quá 400.000 USD/gói. Cùng với đó là nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân, cộng đồng địa phương tham gia quản lý, bảo vệ bền vững rừng ven biển sau khi dự án kết thúc.

Về nội dung quản lý rừng bền vững, dự án FMCR sau điều chỉnh sẽ hỗ trợ trang thiết bị/công nghệ sản xuất giống cho cơ sở nghiên cứu phục vụ phát triển giống lâm nghiệp phục vụ trồng rừng. Khảo sát đánh giá và đề xuất thực hiện thí điểm mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng ven biển (rừng ngập mặn) để phục vụ nghiên cứu phát triển chính sách chỉ trả dịch vụ môi trường rừng ven biển.

Đã trồng hơn 4.000ha rừng ven biển

Dự án FMCR được phê duyệt vào năm 2017, kéo dài trong 6 năm, dự kiến kết thúc vào năm 2023. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, thời gian thực tế triển khai dự án đến thời điểm này chỉ được hơn 2 năm. Mặc dù vậy, giai đoạn đầu của dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo ông Phạm Hồng Vích, Phó Trưởng Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), đến cuối năm 2023 đã hoàn thành trồng mới và phục hồi cho 4.040ha rừng ven biển hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt, có tỷ lệ sống đạt yêu cầu theo quy định.

Về cải thiện sinh kế và công nghệ phục vụ sản xuất, dự án FMCR đã hoàn thành đầu tư 50 gói sinh kế, 22 gói đầu tư công nghệ sản xuất và 85 gói đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và công tác quản lý bảo vệ rừng. Các đối tượng hưởng lợi từ dự án bao gồm các cá nhân và hộ gia đình là thành viên của cộng đồng sinh sống trong vùng thực hiện dự án, đang hoặc đã tham gia vào các hoạt động đầu tư trồng rừng, sinh kế, công nghệ sản xuất và cơ sở hạ tầng của dự án và nhận được lợi ích từ các hoạt động đầu tư.

“Theo thống kê, có khoảng 6.525 hộ gia đình được hưởng lợi trực tiếp và 12.080 hộ gia đình được hưởng lợi gián tiếp từ các hoạt động đầu tư của dự án với tỷ lệ phụ nữ chiếm khoảng 40%”, ông Phạm Hồng Vích cho biết thêm.

Mặc dù vậy, đại diện Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp cũng thừa nhận một số khó khăn trong quá trình triển khai dự án thời gian tới. Theo đó, hoạt động trồng và phục hồi rừng là hoạt động đầu tư gắn liền với cây là sinh vật sống sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những thời tiết bất lợi như nắng nóng kéo dài, thay đổi thủy triều, dòng chảy… nên công tác chăm sóc và duy trì tỷ lệ sống gặp nhiều rủi ro.

Ngoài ra, khoán quản lý bảo vệ rừng hiện tại đơn giá không cao từ 300 - 400 ngàn cho 1ha cho 1 năm chưa thực sự hấp dẫn và khuyến khích cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ. “Giai đoạn 2 không còn các khoản đầu tư công nghệ phục vụ phát triển sản xuất, một khoản đầu tư có giá trị và tác động rất lớn đến công tác quản lý bảo vệ diện tích rừng hiện có tại các địa phương”, ông Vích chia sẻ.

Hơn 4.000ha rừng ven biển đã được trồng mới, trồng phục hồi trong giai đoạn 1 của Dự án FMCR. Ảnh: Tùng Đinh.

Hơn 4.000ha rừng ven biển đã được trồng mới, trồng phục hồi trong giai đoạn 1 của Dự án FMCR. Ảnh: Tùng Đinh.

Tuy nhiên, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp vẫn xác định quan điểm bảo vệ, duy trì tính bền vững cho thành quả của dự án sau năm 2026. Các gói sinh kế, công nghệ, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất sẽ được bàn giao cho các cộng đồng, chính quyền địa phương các xã, huyện tham gia dự án để tiếp tục nhân rộng, duy trì, sử dụng lâu dài.

Các đối tượng hưởng lợi sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động phát triển sản xuất bằng nguồn vốn huy động khác dựa trên kết quả từ những hỗ trợ ban đầu của dự án. Đây sẽ là cơ sở để hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả và bền vững giữa cộng đồng dân cư địa phương với doanh nghiệp và thị trường. Ngoài ra, diện tích hơn 40.000ha rừng trồng, phục hồi và quản lý bảo vệ được dự án tác động sẽ bàn giao cho các chủ rừng để quản lý , bảo vệ lâu dài để thụ hưởng các nguồn lợi kinh tế trực tiếp và các lợi ích từ các giá trị dịch vụ của rừng dựa trên các quy chế quản lý rừng và các cơ chế liên kết đã được thiết lập.

Hạn mức vốn

Theo điều chỉnh được Thủ tướng phê duyệt, dự án FMCR sẽ có tổng mức đầu tư Dự án được điều chỉnh thành 95 triệu USD, tương đương 2.248 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn vay WB từ nguồn IDA là 65 triệu USD, tương đương 1.538 tỷ đồng, bao gồm ngân sách trung ương cấp phát 100% là 18,760 triệu USD, địa phương vay lại 46,240 triệu USD.

Phần vốn đối ứng sẽ là 710 tỷ đồng, tương đương 30 triệu USD, gồm ngân sách trung ương cấp phát cho Bộ NN-PTNT là 11,151 triệu USD, ngân sách địa phương bố trí 18,849 triệu USD.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.