| Hotline: 0983.970.780

Trà Vinh mỗi năm trồng mới gấp 10 lần diện tích rừng bị mất

Thứ Hai 15/04/2024 , 17:10 (GMT+7)

Sở NN-PTNT Trà Vinh cho biết, địa phương đặt mục tiêu hàng năm trồng mới 150ha rừng, gấp 10 lần diện tích bị mất do sạt lở.

Theo UBND xã Trường Long Hòa hiện có khoảng 36ha đất trồng màu bị ảnh hưởng bởi gió biển và sương muối. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo UBND xã Trường Long Hòa hiện có khoảng 36ha đất trồng màu bị ảnh hưởng bởi gió biển và sương muối. Ảnh: Hồ Thảo.

3km rừng ven biển bị đe dọa

Thời gian gần đây tại khu vực ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải thường xảy ra sạt lở bờ biển, làm mất đất, mất rừng phòng hộ ảnh hưởng đến đời sống mưu sinh của người dân.

Ông Trần Trọng Trí (ngụ tại địa phương) cho biết, sóng biển đã đánh trôi ao nuôi tôm của gia đình ông, gây thiệt hại ước tính hơn 150 triệu đồng. Mặc dù trước đó ông đã trồng 15.000m2 cây dương để bảo vệ đất, nhưng sau 5 năm diện tích này hoàn toàn mất đi do tác động của gió và nước biển dâng.

Theo ông Trí, kể từ khi diện tích cây dương biến mất, ông đã cố gắng mọi cách để giữ đất phía trong bờ, nhưng không khả thi. "Hàng năm, chúng tôi dùng bao chứa cát để be đắp bờ tạm nhưng cũng không khắc phục tình trạng sạt lở, chắc chỉ vài năm nữa sóng biển sẽ đánh trôi hết đất của toàn khu vực này", ông Trí than thở. 

Ao tôm của ông Trí bị sóng biển đánh trôi gây thiệt hại ước tính khoảng 150 triệu đồng. Ảnh: Hồ Thảo.

Ao tôm của ông Trí bị sóng biển đánh trôi gây thiệt hại ước tính khoảng 150 triệu đồng. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo UBND xã Trường Long Hòa, trên địa bàn hiện còn khoảng 6 km đường bờ biển chưa có kè chắn sóng, dự đoán sẽ tiếp tục sạt lở và có khả năng xóa sổ khoảng 3km rừng ven biển chạy qua xã.

Ông Trần Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long Hòa cho biết, trước đây nông dân tại ấp Nhà Mát trồng màu cho năng suất ổn định. Tuy nhiên, mấy năm gần đây sản lượng nông sản của nông dân giảm đáng kể, bởi ảnh hưởng của gió biển và sương muối làm cây trồng còi cọc, kém phát triển. Nguyên nhân do hệ thống rừng chắn sóng bảo vệ hoa màu của bà con bị sóng biển bào mòn theo thời gian.

“Theo thống kê của lực lượng kiểm lâm, hàng năm có khoảng 3 - 4ha cây phi lao bị sóng đánh trôi, ảnh hưởng trực tiếp 36ha đất canh tác của người dân. Còn về lâu dài có nguy cơ đe dọa đến khoảng 200ha đất trồng hoa màu cùng diện tích nuôi tôm của khoảng 600 hộ dân trên địa bàn xã”, ông Phương nói.

 Để đảm bảo tình hình sản xuất của bà con, UBND thị xã Duyên Hải đã đề xuất UBND tỉnh có kế hoạch đầu tư kè chắn sóng để bảo vệ bờ biển và vật kiến trúc, cây cối hoa màu của người dân, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Mỗi năm trồng 150ha rừng bù lại diện tích đã mất

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Trà Vinh, mỗi năm địa phương có khoảng 15ha rừng phòng hộ bị mất đi do sạt lở, ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng. Dự báo, tình trạng sạt lở bờ biển có chiều hướng tăng dần bởi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.

Theo ông Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT  Trà Vinh để bù diện tích rừng đã mất, địa phương đặt chỉ tiêu hàng năm trồng mới 150ha rừng, nâng tỷ lệ rừng che phủ lên 4,5% cho đến năm 2025.

Theo đó, Công ty Mùa Vàng đã cam kết trồng thêm khoảng 6.000ha rừng ven biển giai đoạn từ năm 2021-2025. Và mới đây, một công ty từ Hàn Quốc cũng đã tài trợ tổng kinh phí 4 tỷ đồng để góp phần khôi phục rừng ven biển tại địa phương. 

Tỉnh Trà Vinh đặt chỉ tiêu mỗi năm trồng thêm 150ha rừng để bù lại diện tích đã mất. Ảnh: Hồ Thảo.

Tỉnh Trà Vinh đặt chỉ tiêu mỗi năm trồng thêm 150ha rừng để bù lại diện tích đã mất. Ảnh: Hồ Thảo.

Song song với việc triển khai thực hiện chỉ tiêu trồng mới, Sở NN-PTNT tăng cường quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng hiện có, chú trọng phòng, chống cháy rừng, đồng thời mời gọi các tổ chức trong nước và quốc tế đầu tư phát triển trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ đầu tư 3 dự án kè chắn sóng bảo vệ rừng ngập mặn ven biển. Cụ thể, dự án thứ nhất là xây kè dài 8km từ khu vực ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa đến khu vực xã Hiệp Thạnh, kế tiếp là dự án kè chống sạt lở dài 2km tại khu vực cù lao ấp Long Trị, xã Long Đức và cuối cùng là dự án kè khu vực ấp Long Thành dài 2km. Tổng kinh phí dự kiến đầu tư cho 3 dự án là gần 1.200 tỷ đồng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.