| Hotline: 0983.970.780

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người dân trồng rừng gỗ lớn

Thứ Sáu 22/03/2024 , 09:51 (GMT+7)

Cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ liên kết, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm để người dân yên tâm đầu tư, phát triển trồng rừng gỗ lớn.

Những năm qua, huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) đã đẩy mạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: L.K.

Những năm qua, huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) đã đẩy mạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: L.K.

Là địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam, huyện Hiệp Đức có nhiều lợi thế trong việc phát triển ngành lâm nghiệp. Những năm qua, huyện này đã tích cực hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển trồng rừng, đặc biệt là rừng gỗ lớn. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện Hiệp Đức đã có khoảng 7.800ha diện tích trồng rừng gỗ lớn. Riêng về rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, toàn huyện có hơn 3.800ha đạt chuẩn, chiếm hơn 52% diện tích của tỉnh Quảng Nam.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hiệp Thuận (xã Hiệp Thuận) được xem là đơn vị tiên phong triển mạnh về lâm nghiệp và trồng rừng gỗ lớn ở huyện Hiệp Đức. Những năm qua, đơn vị này đã tích cực hỗ trợ cây giống chất lượng cao, tập huấn kỹ thuật trồng cho người dân. Ngoài ra, HTX còn xây dựng quỹ hỗ trợ rủi ro trồng rừng để hỗ trợ các hộ liên kết có rừng bị thiệt hại do thiên tai, cháy rừng.

Những cách làm này của HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận đã giúp người dân địa phương yên tâm trong việc trồng và phát triển những cánh rừng gỗ lớn. Theo ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận, đến nay đã có hơn 200 hộ dân tham gia liên kết trồng rừng với HTX với khoảng 1.200ha đạt chứng chỉ phát triển rừng bền vững.

“Vừa qua, HTX chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm từ dự án dự án VFBC về quản lý rừng bền vững hỗ trợ cho người dân giống cây chất lượng tốt. Trong đó, năm 2023 vừa qua, người dân được hỗ trợ miễn phí giống cấy mô. Sau này, chúng tôi cam kết thu mua lại toàn bộ sản phẩm với giá cao cho các chủ rừng”, ông Dương chia sẻ.

Trồng rừng gỗ lớn theo hình thức liên kết sản xuất sẽ giúp hạn chế rủi ro cũng như nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: L.K.

Trồng rừng gỗ lớn theo hình thức liên kết sản xuất sẽ giúp hạn chế rủi ro cũng như nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: L.K.

Ông Ngô Văn Dũng (trú xã Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức) có 5ha trồng rừng gỗ lớn đang liên kết với HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận. Rừng trồng của ông Dũng được đánh giá chất lượng tốt, trồng đúng kỹ thuật và đã bước qua chu kỳ phát triển thứ 4.

“Lúc đầu khi tham gia liên kết người dân chúng tôi còn tương đối mơ hồ. Tuy nhiên, khi bán được gỗ với giá cả, lợi nhuận cao thì mới thấy được hiệu quả, lợi ích của rừng trồng đạt chứng chỉ. Vậy nên, đến giờ, nhiều bà con đã mạnh dạn tham gia trồng, phát triển rừng theo tiêu chuẩn FSC nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế”, ông Dũng nói.

Với những tiềm năng, lợi thế có được, trong nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu nội bộ nội bộ ngành nông nghiệp, huyện Hiệp Đức cũng đã xác định rõ việc phát triển kinh tế lâm nghiệp là mũi nhọn của địa phương. Tuy nhiên, nhìn lại công tác trồng rừng của người dân trên địa bàn huyện này cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định. Trong đó, các loại hình thiên tai như gió bão, nắng nóng thường xuyên xảy ra tiềm ẩn rủi ro rất lớn trong việc phát triển rừng gỗ lớn. Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ phát triển rừng gỗ lớn của tỉnh Quảng Nam hiện nay cũng đang tạm dừng.

Từ thực tế này, ông Nguyễn Ngọc Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho rằng, để giải quyết những vấn đề này, huyện đang tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chế biến gỗ, ván ghép thanh, viên nén năng lượng về đầu tư nhà máy trong cụm công nghiệp. “Trong thỏa thuận hợp tác giữa huyện và các doanh nghiệp về đầu tư sẽ có yêu cầu cam kết phối hợp với bà con trồng rừng gỗ lớn.

Hiện nay các dự án này đang triển khai thực hiện và sắp bắt đầu đi vào hoạt động. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương này. Một số doanh nghiệp lớn như Hào Hưng, Rừng Phú Xanh sẽ liên kết với bà con trồng rừng gỗ lớn, tạo nguyên liệu cho nhà máy và phát triển diện tích rừng của huyện”, ông Việt nói.

Trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 xác định, diện tích trồng rừng sản xuất đến năm 2030 là hơn 274.000ha. Trong đó, diện tích trồng rừng gỗ lớn chiếm hơn 30% diện tích được quy hoạch (khoảng 45.000ha); khoảng 30.000ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ phát triển rừng bền vững. Đây chính là tiền đề quan trọng để nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Quảng Nam từ 58,8% lên 61% vào năm 2030. Đồng thời, hướng đến việc tham gia thị trường tín chí carbon để nâng cao hiệu quả trồng, phát triển rừng và tăng nguồn thu nhập dưới tán rừng cho người dân.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.