Câu chuyện anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) tìm cách cứu em bé 3 tuổi treo lơ lửng ở lan can chung cư tầng 12 rồi rơi xuống mái tôn vào đêm 28/2, thực sự đã lan tỏa năng lượng tích cực cho cộng đồng.
Cảm hứng về một người hùng bất chợt, khiến xã hội cảm thấy ấm áp và tin yêu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhiều tổ chức đã có sự khen thưởng kịp thời dành cho anh Nguyễn Ngọc Mạnh, như một tấm gương sáng của người Việt thời hội nhập.
Đó là sự ghi nhận xứng đáng, bởi lẽ hành động của anh Nguyễn Ngọc Mạnh giúp chúng ta thấm thía giá trị sâu sắc về tình đồng loại tương thân tương ái lúc nguy nan.
Những lời ngợi ca anh Nguyễn Ngọc Mạnh chưa dứt, thì tối 2/3 lại có thêm vụ nữ sinh lớp 6 của Trường THCS Minh Đức - TPHCM trèo ra lan can tầng 3 đã được một bảo vệ giúp thoát khỏi bi kịch. Không giống em bé 3 tuổi ở Hà Nội, nữ sinh lớp 6 vì tâm lý bất ổn nên có ý định dại dột.
Tuy khác nhau về bản chất và diễn biến, nhưng hai sự cố nói trên đã trực tiếp báo động về biên độ an toàn ở những tòa nhà cao tầng. Sự xuất hiện của người hùng bất chợt là vẻ đẹp lương tri và nhân văn, nhưng không phải là cái cớ để chủ quan trước những nguy hiểm khó lường.
Hiện nay, tốc độ xây dựng những tòa nhà cao tầng ngày càng nhiều. Lan can của những tòa nhà cao tầng phải đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật nhất định.
Tuy nhiên, nếu trẻ em vẫn có thể leo ra lan can, thì mọi thứ phải được tư duy lại một cách nghiêm khắc hơn. Tính mạng con người luôn đặt ở vị trí ưu tiên, không thể trông chờ vào vận may người hùng bất chợt có mặt đúng lúc.
Để lan can những tòa nhà cao tầng không còn rình rập những tai ương, thì không thể không nâng cao ý thức đề phòng rủi ro. Hai yêu cầu tối thiểu được đặt ra, thứ nhất là sự giám sát của người lớn dành cho trẻ em, thứ hai là ngăn chặn hành vi lạm dụng khu vực lan can để chất chứa đồ đạc hoặc phơi phóng.
Vì sao trẻ em có thể leo ra lan can? Vì không có người lớn trông chừng. Trẻ em tò mò và hiếu động, không thể biết phía ngoài lan can có gì.
Chỉ cần một khoảnh khắc hiếu động tinh nghịch, trẻ em sẽ chồm lên lan can và nhoài người khỏi lan can, nếu bên cạnh không có ai nhắc nhở hoặc cảnh giác.
Ở các trường tiểu học và trung học cơ sở, cần có camera theo dõi thường xuyên khu vực lan can để tránh những trường hợp đáng tiếc, bởi lứa tuổi hồn nhiên ấy thích đùa giỡn và khám phá.
Bây giờ, các chung cư cao tầng được xây dựng rất quy mô. Tuy nhiên, phần lớn chỉ chú trọng đến an ninh chung mà ít chú ý mức độ an toàn khu vực lan can. Do khẳng định là tài sản riêng, nên nhiều người biến khu vực lan can của căn hộ mình thành một nơi lưu trữ các vật dụng ít khi đụng đến.
Cần báo động, chính vật dụng ngổn ngang ấy cản trở sự quan sát của người lớn dành cho trẻ em. Và trẻ em khi leo trèo lên những vật dụng ngổn ngang ấy, sẽ lọt ra ngoài lan can.