| Hotline: 0983.970.780

Người lao động ở Bình Định không thiếu việc làm

Thứ Sáu 11/12/2020 , 17:54 (GMT+7)

Nhờ phát huy vai trò kết nối của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định và nỗ lực khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp, lao động không thiếu việc làm.

Bình Định là tỉnh có lợi thế lớn về lực lượng lao động trẻ, dồi dào và ổn định. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong năm 2019 ước tính là có 891.238 người. Trong đó, lao động đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế ước khoảng 864.557 người, chiếm khoảng 97%; lực lượng lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước có khoảng 308.360 người, chiếm 35,6%; lực lượng lao động làm việc trong ngành công nghiệp và xây dựng ước có 252.239 người, chiếm 29,2%. Ngoài ra, có khoảng 303.958 lao động làm việc trong ngành thương mại dịch vụ, chiếm 35,2%. Tỷ lệ lao động  từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo đạt 19,2%.

Năng suất lao động của Bình Định trong thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể, tăng đều qua các năm. Do đó, Bình Định được đánh giá là tỉnh có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực Duyên hải miền Trung. Theo Cục Thống kê Bình Định, năng suất lao động theo tổng sản phẩm địa phương theo giá hiện hành năm 2019 ước tính đạt 95,4 triệu đồng/lao động/năm, tăng  10,8 triệu đồng so với năm 2018. Tính theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2019 tăng 12,7% so với năm 2018.

Hàng ngày ở huyện Tây Sơn (Bình Định) có 500 lao động về làm việc tại các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu tại TP Quy Nhơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hàng ngày ở huyện Tây Sơn (Bình Định) có 500 lao động về làm việc tại các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu tại TP Quy Nhơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Định đã xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường lao động, danh bạ nghề nghiệp từ nhiều nguồn khác nhau. Ví như khai thác chỗ việc làm còn trống của của doanh nghiệp; danh bạ nghề nghiệp của các trường Cao đẳng, Trung cấp kỹ thuật, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp từ cơ quan quản lý nhà nước.

Danh sách các vị trí việc làm trống được chia theo nhóm ngành; danh bạ nghề nghiệp được sắp xếp theo khối nghề để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho người lao động và được lưu trữ trên hệ thống dữ liệu của Trung tâm.

Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Định đã thành lập bộ phận tư vấn ban đầu, tất cả người lao động được đón tiếp và thực hiện các công việc tại đây, qua đó giúp người lao động tiếp cận nhanh các thông tin về vị trí việc làm mới cũng như các ngành nghề đào tạo, từ đó định hướng được nghề nghiệp, sớm quay lại với thị trường lao động và tìm được việc làm phù hợp.

Trung tâm cũng thường xuyên có những giải pháp nhằm giúp người lao động thất nghiệp tìm được nghề học phù hợp để có thể chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, sớm trở lại với thị trường lao động hoặc tự tạo việc làm tại địa phương hay gia đình.

Các doanh nghiệp hoạt động tại Khu kinh tế Nhơn Hội (TP Quy Nhơn, Bình Định) vực dậy sản xuất sau 2 đợt dịch Covid-19 thu hút được nhiều lao động. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Các doanh nghiệp hoạt động tại Khu kinh tế Nhơn Hội (TP Quy Nhơn, Bình Định) vực dậy sản xuất sau 2 đợt dịch Covid-19 thu hút được nhiều lao động. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, sự cố gắng vực dậy sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn Bình Định sau 2 đợt dịch Covid-19 vừa qua đã giúp người lao động trên địa bàn tỉnh này không bị thất nghiệp.

Ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, cho biết chỉ số tăng trưởng lao động trên địa bàn tỉnh Bình Định trong 10 tháng đầu năm 2020 tăng 0,4%, trong đó riêng lao động của Khu Kinh tế Bình Định tăng được 2,4%.

Lao động ở các vùng nông thôn Bình Định cũng không bị thất nghiệp nhờ việc làm tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất tại các địa phương. Ví như ở huyện Tây Sơn, mỗi ngày có đến 500 lao động địa phương đổ về các công ty chế gỗ ở TP Quy Nhơn để làm việc.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (27 tuổi) ở thôn Dõng Hòa, xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn), chia sẻ: “Trước đây tôi làm công nhân giày da tại TP Hồ Chí Minh. Bây giờ, cả hai vợ chồng đều làm việc tại Công ty  CP Thương mại sản xuất Khải Vy ở TP Quy Nhơn. Với mức lương trên 7 triệu đồng/người/tháng so khi còn làm việc trong TP HCM là không cao, nhưng bù lại, vợ chồng tôi được làm gần nhà, tiện chăm sóc con cái”.

Theo ông Lâm Văn Lành, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Sơn, trước đây, số người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm ở Tây Sơn là rất nhiều, do có một lượng lớn lao động thất nghiệp sau khi nhà máy đường của Công ty CP Đường Bình Định đóng cửa. Thêm vào đó, các lò sản xuất gạch, ngói thủ công cũng ngừng hoạt động, nhất là địa phương phải tiếp nhận lượng lớn công nhân từ các tỉnh thành mất việc làm do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 quay về địa phương. Trước tình hình đó, việc lực lượng lao động ở huyện Tây Sơn làm việc tại các xí nghiệp, công ty trong tỉnh đã giải quyết bài toán việc làm cho địa phương.

Bất chấp dịch Covid-19, xuất khẩu dăm gỗ ở Bình Định vẫn ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động làm việc tại các nhà máy chế biến dăm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bất chấp dịch Covid-19, xuất khẩu dăm gỗ ở Bình Định vẫn ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động làm việc tại các nhà máy chế biến dăm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Còn ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh, nhờ sự kế nối của Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Định, mỗi năm cũng có trên 3.500 lao động được giải quyết việc làm, trong đó ngoài số nhân công làm việc tại các công ty, nhà máy ở Cụm công nghiệp Tà Súc, các công trình xây dựng trên địa bàn chiếm quá nửa số lao động. UBND huyện Vĩnh Thạnh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể; các xã, thị trấn kết hợp giữa tạo việc làm và đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho người lao động để giải phóng nguồn lao động nông thôn. Huyện đã vận động các doanh nghiệp xây dựng sử dụng lực lượng lao động tại chỗ để giải quyết nguồn lao động của địa phương.

Bình Định hiện có khoảng hơn 6.853 đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 147.850 lao động. Dựa trên thế mạnh có nhiều doanh nghiệp sản xuất hoạt động trên địa bàn, trong những năm qua, đặc biệt là năm 2020, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Định thuộc Sở LĐ-TB&XH Bình Định đã phát huy tốt vai trò tư vấn, kết nối, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người lao động, góp phần tích cực để lao động Bình Định không thiếu việc làm.

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Bình Định, trong 10 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp hoạt động trong Khu Kinh tế đều tăng trưởng từ 2-4%; tăng trưởng kể cả doanh thu lẫn kim ngạch xuất khẩu. Tất cả các ngành sản xuất đều bị ảnh hưởng sau 2 đợt dịch Covid-19 nhưng hiện đã khôi phục và có chiều hướng tăng trưởng, trừ ngành du lịch. Các ngành đang tăng trưởng mạnh là sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng; riêng ngành sản xuất dăm gỗ, viên nén đang tăng trưởng rất tốt. Nhờ đó, hơn 17.500 lao động làm việc tại các doanh nghiệp hoạt động trong Khu Kinh tế Bình Định đang có việc làm ổn định.

Xem thêm
Xuất khẩu quả hồng của Hàn Quốc và bài học cho trái cây Việt Nam

Khi nhắc đến Việt Nam, người Hàn Quốc thường nghĩ đến các loại trái cây nhiệt đới như xoài, dứa… Do đó, Việt Nam nên tập trung xuất khẩu các loại trái cây thế mạnh này.

Vinaseed Quảng Nam khánh thành nhà máy chế biến hạt giống hiện đại nhất miền Trung

Với nhà máy được đầu tư hiện đại, trong những năm tới, Vinaseed Quảng Nam sẽ không ngừng lớn mạnh, vươn xa, tạo nên những diện mạo mới ở vùng miền Trung đầy nắng gió.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...

Bình luận mới nhất