| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi gà hoảng loạn

Thứ Sáu 07/03/2014 , 12:41 (GMT+7)

Suốt từ đầu năm 2013 đến nay, giá gia cầm tại miền Bắc cứ quanh quẩn ở ngưỡng bằng hoặc dưới giá thành, người chăn nuôi mệt lả.

+ Người làm gà giống đang phải bán trứng lộn!

+ Bỏ nhà biệt xứ làm thuê

Suốt từ đầu năm 2013 đến nay, giá gia cầm tại miền Bắc cứ quanh quẩn ở ngưỡng bằng hoặc dưới giá thành, người chăn nuôi mệt lả. Đầu năm 2014, thêm thông tin cúm gia cầm nhan nhản khắp mặt báo đài khiến tình hình thêm bi đát.

BỎ NHÀ LÀM THUÊ TRẢ NỢ

Chúng tôi về Bắc Giang, thủ phủ gà đồi của miền Bắc mà không khỏi xót xa cho hoàn cảnh của người nuôi gà tại đây. Hiện, giá gà lai mía tại Bắc Giang đang ở ngưỡng 35.000-40.000 đồng/kg, với giá bán này, tính sơ sơ cứ 1.000 gà người chăn nuôi lỗ không dưới 40 triệu đồng. Khá khẩm hơn một chút, gà ta lai đang ở ngưỡng 48.000-53.000 đồng/kg, những hộ nào gà đẹp, bán với giá trên 50.000 đồng/kg may mắn hòa vốn, còn nếu bán dưới 50.000 đồng/kg, 1.000 gà lỗ 5-7 triệu đồng.

Theo người chăn nuôi tại Bắc Giang, chưa khi nào giá gà lông màu xuống thấp kỷ lục như vậy. Những năm trước, người chăn nuôi chỉ thua lỗ khi gặp dịch bệnh còn bây giờ gà đẹp, khỏe mạnh, vừa tuổi bán vẫn lỗ nặng vì giá quá thấp.

Chị Nguyễn Thị Huệ, thôn Xuân Lan, xã Bố Hạ (Yên Thế, Bắc Giang), một hộ gia đình vừa nuôi gà kiêm đại lí cám ngậm ngùi tâm sự: Người chăn nuôi tại Yên Thế đang nợ gia đình chị hơn 2 tỉ đồng không có tiền trả vì chăn nuôi thua lỗ.

“Gần như 100% các hộ nuôi gà tại Bắc Giang là đi mua cám chịu nên mỗi hộ nuôi 1.000-2.000 con đại lí như chúng tôi phải ứng ra 150-200 triệu đồng tiền cám, đến khi bán gà bà con mới trả nợ. Nhưng, hiện gà lai mía đã to lộc ngộc hơn 3 kg/con rồi mà chưa bán được, càng để to càng khó bán vì gà tích mỡ. Cứ tình hình như này không chỉ người nuôi gà chết mà các đại lí cám như chúng tôi cũng sập tiệm vì bao nhiêu vốn liếng đều đổ vào gà hết rồi”. Chị Huệ lo lắng.

13-37-38_wp_20140305_037

Cũng là đại lí cám, nhưng chị Trịnh Thị Học ở thôn Đồng Tâm, xã Cầu Gồ (Yên Thế) còn lâm cảnh bi đát hơn, khi tiền đầu tư cám cho dân chưa thu hồi được mà vốn đã cạn kiệt, trong khi các DN TĂCN họ không bán chịu nên chị Học 1 tháng nay như ngồi trên đống lửa chạy đôn, chạy đáo khắp nơi kêu gọi các thợ gà đến mua giúp người chăn nuôi để chị thu hồi lại vốn tiếp tục quay vòng.

Nhưng thông tin dịch cúm gia cầm đang khiến người tiêu dùng quay lưng lại với thịt gà nên chị Học không biết mình có vượt qua được đợt hoạn nạn này không. Rất nhiều khách mua cám của chị Học đã phải đóng cửa nhà, sang Trung Quốc làm thuê kiếm tiền trả nợ.

“Từ đầu năm đến nay, nhiều hộ chăn nuôi là mối cung cấp gà cho tôi đã đóng cửa, gửi con cái cho ông bà để đi sang Trung Quốc làm thuê kiếm tiền trả nợ cám, nợ giống, vacxin… Huyện Yên Thế thời điểm này có cả trăm người bỏ nhà đi làm thuê. Mặc dù là đi lao động chui, rủi ro luôn chực chờ, nhưng bị con gà dồn đến bước đường cùng rồi nên người dân không còn cách nào khác, và ra đi còn để tránh mặt các chủ nợ là đại lí cám”. Chị Trịnh Thị Học, đại lí cám ở Yên Thế, Bắc Giang chia sẻ.

Theo chị Cao Thị Thanh Thế, một lái buôn gà ở huyện Yên Thế, việc người tiêu dùng quay lưng lại với thịt gà một phần do thông tin cúm gia cầm, phần do con gà lai mía phẩm cấp, chất lượng thấp (gà lai mía non tuổi thịt nhão, nhạt, già tuổi quá to, nhiều mỡ) không đáp ứng được yêu cầu của người dân Thủ đô.

Thực tế, trong khi gà lai mía ế la liệt thì gà ta lai, đặc biệt gà J-Dabaco tại Yên Thế không có mà bán, chị Thế phải lên tận Thái Nguyên, Vĩnh Phúc bắt gà về cung cấp cho thị trường Hà Nội.

Ông Phạm Công Vân - Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế cho biết, tổng đàn gà tại Yên Thế thời điểm này trên 2 triệu con, so với cùng kỳ năm 2013 tăng khoảng 15%. Tuy nhiên, trong số 2 triệu đầu gà có tới 1,5 triệu con gà lai mía đã đến tuổi xuất chuồng, nhưng chưa bán được do thị trường ế ẩm. Nếu bán được ngay bây giờ mỗi 1.000 gà người chăn nuôi lỗ khoảng 40 triệu, còn nuôi thêm ngày nào cộng vào hơn 1 triệu tiền cám ngày đó. Mặc dù giá gà đang có chiều hướng nhích lên chút ít vẫn không thấm vào đâu vì thời gian nuôi gà quá dài.

DN GIỐNG PHẢI BÁN TRỨNG GÀ LỘN

Người chăn nuôi chết, đại lí cám chết, DN làm giống cũng chịu chung số phận. Những ngày này, để đi xin gà giống không đâu dễ bằng Yên Thế, Bắc Giang. Hiện, mỗi con gà lai mía 1 ngày tuổi mà các lò ấp thủ công tại Bắc Giang bán cho người dân có 1.500 đồng, trong khi giá một quả trứng đã là 2.000-2.500 đồng.

 Bán rẻ như cho là vậy, song các chủ lò ấp còn cho người dân nợ đến lúc nào có tiền thì trả. Ấy vậy mà không có ai ngó ngàng tới vì ai cũng sợ dịch cúm, sợ giá cả như hiện nay mà vào gà chẳng khác nào “tự vẫn”. Do đó, khẩu phần ăn của rất nhiều gia đình tại Bắc Giang có thêm món “trứng gà lộn”.

Lãnh đạo một công ty gà giống có sản lượng gà ta lai lớn nhất cả nước tâm sự với chúng tôi rằng, hiện mỗi tháng công ty cho ra lò khoảng 400.000 con gà ri lai 1 ngày tuổi thì chỉ bán được 100.000 con, số còn lại phải đem dấp nước bán theo cân cho các hộ nuôi rắn Vĩnh Phúc.

13-37-38_wp_20140305_029

Vị lãnh đạo này bức xúc: “Chỉ vì mấy chục nghìn con gà bị dịch mà giết chết hàng triệu hộ chăn nuôi gà trong nước, đau đớn quá chú ạ, không biết mấy ông quản lí nhà nước của mình thế nào, tuyên truyền định hướng ra sao mà dân bỏ không nuôi gà, người dân bỏ ăn thịt gà. Khéo sắp tới khi hết dịch, gà thiếu lại đắt, các ông lại cho nhập khẩu rồi gà lậu Trung Quốc lại có điều kiện tràn vào nước ta. Chẳng hiểu ngành chăn nuôi trong nước đang đi theo hướng nào nữa”.

Về Hải Phòng, định bụng vào hỏi thăm xem Cty CP Giống gia cầm Lượng Huệ thời điểm khó khăn này hoạt động như thế nào thấy mặt mũi ông giám đốc Phạm Văn Lượng bơ phờ, mệt mỏi vì phải đốc thúc cán bộ, công nhân đi bán trứng gà lộn mà chúng tôi chán không muốn vào công ty nữa vì hình ảnh đó đủ biết đơn vị đang khó khăn đến mức nào.

Không chỉ người nuôi gà, những người nuôi vịt cũng lâm cảnh khốn cùng. Giá trứng vịt tại Thường Tín (Hà Nội) từ 3.200 đồng/quả nay còn 2.100 đồng/quả. Nhiều hộ tiếc của không muốn bán, họ giữ lại đàn vịt nuôi tiếp, hy vọng chờ giá nhích lên sẽ bán. Nào ngờ hy vọng đó bỗng tắt ngấm khi dịch cúm gia cầm xảy ra.

Nói như ông Nguyễn Văn Sơn, Bí thư Chi bộ cũng là hộ chăn nuôi lớn tại thôn Khoái Cầu, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín: "Năm nay, người chăn nuôi mất cả chì lẫn chài. Vừa mất tiền mua thức ăn duy trì đàn gia cầm, vừa mất do giá. Nhà nào nuôi gà, vịt năm nay ở thôn này cũng đều thua lỗ nặng".

+ Chúng tôi khảo sát chợ Hà Vĩ, chợ gia cầm đầu mối lớn nhất tại miền Bắc nhận thấy rất nhiều ô chuồng nhốt gà bỏ trống đã mọc rêu. Ông Lê Xuân Viết, Trưởng ban Quản lý chợ Hà Vĩ cho biết: Bình thường, mỗi ngày có khoảng 50 tấn gia cầm qua chợ, nay số lượng đã giảm đi một nửa còn 25 tấn.

Cũng theo ông Viết, gia cầm được đưa vào chợ Hà Vĩ giờ phải qua khâu kiểm duyệt nghiêm ngặt do 4 cơ quan cùng kiểm định: Chi cục Thú y Hà Nội, công an, lực lượng quản lý thị trường và ban quản lý chợ. Ngoài ra gia cầm chuyển vào chợ phải có giấy tờ xuất xứ rõ ràng.

+ Chị Cao Thị Như, lái buôn gà tại Yên Thế, Bắc Giang ngán ngẩm: Từ khi có dịch cúm gia cầm việc vận chuyển tiêu thụ gà thịt gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, chi phí “luật lá” trên đường tăng gấp đôi so với ngày thường. Đã vậy, khi bán gà tại các chợ đầu mối, muốn bán lẻ ra khỏi chợ bất kể 1 hay 100 con đều phải có giấy kiểm dịch, nhiều người không mua được gà khiến nhu cầu tiêu thụ gà đã thấp lại còn giảm thêm.

 

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm