| Hotline: 0983.970.780

Thức dậy du lịch nông thôn

Những 'củ khoai tây trong bao tải' ở đảo cò Chi Lăng Nam

Thứ Năm 21/04/2022 , 14:25 (GMT+7)

'Củ khoai tây' ấy chính là những cá nhân tiên phong, những tiềm năng về cảnh quan, nông nghiệp và du lịch nhưng đang thiếu vắng sự kết nối…

Bắt đầu từ tình yêu

Tôi đi dưới một mái vòm trải dài tưởng như bất tận, phủ toàn màu xanh của cà chua nhót Nhật với những quả chín, quả ương, quả non như muốn đua tranh dưới ánh mặt trời. Cảnh đó mà chụp checkin thì quả là tốn pin đến nóng máy. Rồi là nhiều góc đẹp khác nữa như những dây dưa chuột, dưa lưới sai trĩu quả, những đàn gà vi sinh lông trắng tựa bông, những con lợn rừng lông đen như bóng tối…

Ngồi hóng mát bên bờ ao, tôi nhẩn nha nhai những quả dưa chuột. Nó giòn tan, đậm đà, ngọt mát đến tận chân răng. Vũ Văn Phong - chủ nhân của trang trại đẹp đẽ ấy ở xã Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện, Hải Dương) giải thích, giọng không giấu nổi sự tự hào: “Dù ăn luôn hay để tủ lạnh 2-3 ngày chúng vẫn không hề thay đổi mùi vị vì được trồng bằng các loại dịch dinh dưỡng như sữa bột, dịch cá, dịch chuối, dịch trùn quế đấy anh”.

Vợ chồng anh Phong đang thu hái cà chua nhót Nhật. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vợ chồng anh Phong đang thu hái cà chua nhót Nhật. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vốn là chủ xưởng cơ khí, năm 2014 anh dựng mô hình nhà màng đầu tiên trong vùng với tổng diện tích hơn 3.000m2 nhưng ngày ngày vẫn đi nhận công trình, để mặc cho bố ở nhà tự sản xuất. Khi quyết định bỏ nghề về tiếp quản trang trại thì đất đai đã chết vì dùng quá nhiều hóa chất, cả năm không thể canh tác được gì.

Cuối cùng anh chỉ thành công khi áp dụng giải pháp dùng men vi sinh và IMO để ủ xác bã động thực vật làm phân, làm men chăn nuôi, hay phun dưỡng cho cây để kháng nấm. Chỉ cho tôi 1 téc chứa 2 vạn quả trứng đang được ủ bằng IMO, anh bảo học được từ Liên minh Nông nghiệp Tử tế, còn men EM gốc mua từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

"Cuộc sống của tôi ở đây, gia đình tôi ở đây, ngay giữa trang trại này. Nếu tôi không làm an toàn thì sẽ chịu độc hại đầu tiên. Tôi cố gắng làm để cho con cái sau này có một nền tảng nghề nông lương thiện, chứ nếu vì bản thân thì chỉ cần đi làm cơ khí như trước mỗi tháng kiếm 15-20 triệu nhàn tênh”, anh trải lòng và cho biết chặng đường làm nông tử tế của anh mất 3-4 năm để tìm hiểu, thử nghiệm, không ít lần thất bại, không ít phen hoảng hồn.

Niềm vui lúc thu hoạch cà chua nhót Nhật. Ảnh: Dương Đình Tường.

Niềm vui lúc thu hoạch cà chua nhót Nhật. Ảnh: Dương Đình Tường.

Như đợt tháng 7 năm ngoái mưa 4 ngày liên tiếp làm úng hết cả vườn dưa lưới trị giá 70-80 triệu đồng. Như những ngày chốt chặn vì Covid, cả tấn dưa chuột phải bỏ đi do không ship được. Những lúc như thế vợ chồng chỉ còn nước cười trừ động viên nhau bởi lẽ mất mát nhiều đã thành quen. Tiền đầu tư vào trang trại họ không nhớ cụ thể bao nhiêu mà chỉ biết nợ giờ đã hơn 1 tỉ.

“Làm cái gì cũng phải bắt đầu từ yêu. Với tôi đã xác định bỏ tất cả để theo nông nghiệp thì chắc chắn là yêu rồi. Không thể nói một hai câu là hết được. Có những trận gà ốm cả tối không thể ngủ yên; có những khi lợn đẻ phải đêm hôm ra mà đỡ, lau chùi rồi bấm răng nanh; có những khi trời nóng, vợ chồng phải tranh thủ cuốn cây, tỉa nhánh đến 1-2 giờ sáng…”.

Cũng vì yêu nghề nông mà anh muốn lan tỏa nó đến với nhiều người, giúp họ có nơi tham quan, xả stress cuối tuần. Trang trại tuy nhỏ nhưng có đủ các phân khu như khu trồng rau củ cao cấp gồm súp lơ, cải kale, cà chua; khu trồng cây ăn quả gồm dưa lê, dưa chuột, dưa lưới; khu trồng cúc vạn thọ vừa đẹp vừa để xua đuổi sâu bọ; khu chăn nuôi lúc nào cũng có hơn 20 con lợn, 500-600 con gà.  

Anh Phong ngâm ủ các loại dịch hữu cơ để tưới cây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Phong ngâm ủ các loại dịch hữu cơ để tưới cây. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Từ đầu năm cứ dăm ba ngày lại có khách từ Hải Dương thậm chí Hà Nội về, dẫn theo con cái đến trải nghiệm. Tôi không bán vé, mà giá bán tại vườn cũng bằng giá bán lẻ thôi, như dưa chuột 25.000đ/kg, cà chua nhót Nhật 50.000đ, dưa lê 60.000đ, gà 110.000đ/kg, lợn 100.000đ/kg...

Có bạn ở Hà Nội muốn lấy hàng của tôi nhưng thời gian đầu thì chưa tin tưởng đâu, theo dõi cả năm trên facebook mới đưa chồng con về. Khi chứng kiến cách thức sản xuất của tôi bạn ấy nói: “Anh làm đúng theo lương tâm, chụp ảnh cái gì là có hết cái đấy chứ không phải lấy ảnh bên ngoài để đăng. Em là giáo viên, không phải muốn lấy hàng để bán mà chỉ muốn làm thương mại giúp anh”.

Nhờ khách, tôi không phải quảng bá mà tự họ lan truyền bằng cách  giới thiệu hay tặng cho bạn bè. Rất nhiều khách của tôi bắt đầu từ chuyện được tặng sản phẩm như thế rồi chính họ lại mua để tặng cho người khác nên sản lượng mỗi ngày của trang trại trung bình 100kg mà có khi còn không đủ bán. Theo tôi muốn làm du lịch phải tháo gỡ ngay từ trong tư tưởng của người sản xuất, làm theo cách an toàn. Cuộc sống đang thay đổi mà nông dân không biết thay đổi thì rất khó”, anh tâm sự.

Cảnh sắc hữu tình của trang trại nhà anh Phong. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cảnh sắc hữu tình của trang trại nhà anh Phong. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngủ quên trên kho báu

Ít có nơi nào ở vùng đồng bằng sông Hồng lại được thiên nhiên ban tặng cho các hòn đảo như Chi Lăng Nam, nơi sinh sống của trên 15.000 con cò trắng, cò lửa, cò bợ, cò ruồi, cò đen, cò hương, cò nghênh, cò ngang và của trên 5.000 con vạc cùng nhiều loại chim khác. Dưới lòng hồ còn có nhiều tôm cá, đặc biệt mới đây phát hiện ra loại cá măng kìm, rái cá. Thế mà cả xã chỉ có 2 hộ làm homestay nhưng vẫn èo uột khách.

Chị Nguyễn Thị Lánh bắt đầu làm homestay năm 2012. Với lợi thế sân rộng, nhìn thẳng ra đảo cò, tiện tổ chức các hoạt động như chơi cầu kiều, bắt vịt, nướng ngô, khoai rồi thưởng thức các món ăn đồng quê cùng với gia chủ. Ăn xong khách đạp xe lên làng nghề bánh đa Hội Yên, sang Thanh Giang xem làng nghề đan lát, lên đền mẫu hay ra thăm đồng trong đó chính vợ chồng chị làm hướng dẫn.

Chị Lánh đang kể về những giai đoạn đón được khách Tây đến homestay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Lánh đang kể về những giai đoạn đón được khách Tây đến homestay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thời gian đầu mô hình thu hút được cả khách Tây lẫn khách ta nhưng 4 năm gần đây thì kém hơn. Phần bởi khách Tây được lãnh đạo ngành du lịch giới thiệu về nhưng khi chị này nghỉ hưu thì hết, phần bởi khách ta do dịch Covid ít lui tới: “Tôi làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, con cái đi học hết nên chỉ có hai vợ chồng tham gia phục vụ khách, thu nhập được khoảng 2-3 triệu đồng/tháng/người”...

Sáp mặt anh Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam tôi lại nhớ đến cuộc gặp 7 năm trước, khi đó anh ước mỗi thôn chỉ cần 5 - 7 chủ đất thay vì hàng trăm, phải có khoảng 10 ha thì mới mong hiệu quả, còn đâu rút lao động ra ngoài làm. Trước đó, năm 2013 cũng chính anh từng bị kỷ luật vì để cho dân tự chuyển đổi đất. Thế nhưng giờ anh bảo, xã mới giảm được 20-25% lao động nông nghiệp, rất thấp so với kỳ vọng bởi giá đất gần đây tăng cao nên dân vẫn giữ chặt, dù có khi chỉ là để bỏ hoang.

Đảo cò nhìn từ trên cao. Ảnh: Tư liệu.

Đảo cò nhìn từ trên cao. Ảnh: Tư liệu.

Tôi hỏi anh Minh, du lịch kết hợp với nông nghiệp tại sao Trung ương, tỉnh, huyện, xã cùng dân đều nói ủng hộ mà lại khó như thế trong khi xã có lợi thế là đảo cò? Anh trả lời: Khó bởi dự án cải tạo đường dạo quanh cùng bổ sung thêm một đảo gần 3 năm nay mới khởi động lại; khó bởi việc kích cầu thu hút du lịch tỉnh và huyện không có, trong khi đó xã thì lúng túng. Phải có những đơn vị, doanh nghiệp vào tổ chức các hoạt động kiểu cầm tay chỉ việc, tập hợp được mọi người.

Khó bởi quỹ đất công dành cho du lịch quá ít, ai muốn đầu tư thì phải mua ruộng của dân, tại chỗ thì ít người đủ khả năng, còn bên ngoài thì muốn chờ dự án cải tạo đảo xong mới nhảy vào; Khó bởi năng lực các hộ homestay khá hạn chế dù đã được xã đưa đi học tập ở nhiều nơi. Khó bởi nông sản tuy có nhiều nhưng mà thiếu thương hiệu…"

Khu di tích quốc gia đảo cò Chi Lăng Nam được công nhận năm 2014 nhưng tới nay du lịch mới chỉ là tự phát, nhỏ lẻ, rời rạc chứ không thành cộng đồng, thành vòng tuần hoàn khép kín. Đang có sự đứt đoạn giữa du lịch và nông nghiệp ở đây, bởi mọi thứ vẫn chỉ như những củ khoai tây, rời rạc không kết nối.  

Cận cảnh một đàn cò. Ảnh: Tư liệu.

Cận cảnh một đàn cò. Ảnh: Tư liệu.

Tôi cầm đề án xây dựng mô hình điểm “Phát triển du lịch cộng đồng ở đảo cò Chi Lăng Nam” của UBND tỉnh Hải Dương do anh Minh đưa. Nó được viết năm 2012 nhưng buồn thay 10 năm sau phần lớn vẫn ở trên giấy: “Tại đảo cò, nếu chỉ chú trọng vào mục tiêu chính là đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách mà không chú ý đến nhu cầu thưởng thức và hoạt động thì thời gian lưu khách sẽ rất ngắn và chi tiêu thấp.

Để kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách cần quan tâm đầu tư theo xu hướng là “khách đi du lịch như thế nào” chứ không chỉ là “khách du lịch xem cái gì”, bởi nguồn tài nguyên chỉ có hạn, còn sức sáng tạo của con người thì vô hạn. Nếu sản phẩm của du lịch đảo cò chỉ có vốn tự nhiên thì giá trị không cao, nếu có tính tri thức trong đó sẽ bán được giá rất cao mà khách vẫn vui vẻ chấp nhận và tạo ưu thế khác biệt…

Do vậy ngoài đầu tư bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn văn hóa cây đa, giếng nước, sân đình, cần đầu tư theo hướng tạo ra một sân chơi của chính nông dân nhưng lại dành đón khách thành phố và quốc tế”.

“Vấn đề quan trọng của du lịch nông nghiệp vẫn là ruộng đất, không có nhiều đất thì rất khó. Như trang trại nhà anh Phong, rất muốn mở rộng diện tích nhưng hỏi mua dân không bán, hỏi thuê dân không cho”. Anh Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất