| Hotline: 0983.970.780

Thức dậy du lịch nông thôn

Trang trại 76ha của người đàn ông 60 năm chìm nổi

Thứ Ba 19/04/2022 , 09:36 (GMT+7)

LTS: Ngày 31/3/2022, Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Chương trình được phê duyệt sẽ tạo khung chính sách làm thức dậy du lịch nông thôn vốn giàu tiềm năng. Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải loạt bài về một số mô hình 'xé rào' trong phát triển du lịch nông thôn tại một số địa phương hiện nay.

--------------

Tôi thức dậy trong 'bản nhạc giao hưởng' của tiếng gà gáy, tiếng chó kêu, tiếng chim hót, tiếng cá quẫy và mở mắt ra đã thấy một dòng sông chảy ngay trước mặt.

--------------

Cuộc đời chìm nổi của Họa "cá"

Khi tôi tả lại cảm giác khoan khoái ấy, ông Bùi Minh Họa, chủ trang trại Đảo Bầu (xã Mỹ Đức, huyện An Lão, TP Hải Phòng) cười bảo: “Ở đây tuy không có nhiều tiền nhưng những thứ như thế kể cả có nhiều tiền cũng không mua được.

Trước đây, khi còn kinh doanh xăng dầu, vận tải tôi kiếm được nhiều tiền nhưng lại cảm thấy chân tay không được làm mà chỉ được mỗi cái mồm làm thôi, tức là chỉ đạo. Từ hồi làm nông, trừ lúc ngủ ra chứ thức dậy lúc nào cũng có việc, nào là ra ao cho cá, tôm ăn, vào chuồng cho công, bồ câu, lợn ăn với anh em công nhân. Đó cũng là số phận của tôi, là đam mê của tôi chứ làm nông chẳng mấy khi thấy tiền, hễ được vài đồng thì lại dồn vào đầu tư cơ sở vật chất, cải tạo đất hết”.

Lấy xe máy ông chở tôi đi một vòng quanh trang trại khổng lồ gồm: Khu trồng trọt với hàng vạn cây ăn quả như bưởi Diễn, ổi lê, chuối, mít được trồng theo hướng hữu cơ; Khu chăn nuôi với 4 trại lợn 8.000 con giống, 10 trại gà đẻ theo mô hình nghe nhạc mỗi ngày xuất bán 30.000 quả trứng; Khu nuôi trồng thủy sản, mỗi ngày có thể sản xuất 20 triệu cá giống, mỗi năm bán hàng ngàn tấn cá thịt.

Ông 'Họa cá' đang kiểm tra tôm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông "Họa cá" đang kiểm tra tôm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước khi có Covid, mỗi năm trang trại thu hút cỡ trên dưới 1 vạn khách đến tham quan, nhưng không mấy ai biết để có được cơ ngơi đó, ông phải trải qua 37 phiên tòa, hơn 3.000 ngày ăn không ngon, ngủ không yên, bạc trắng tóc. Đây vốn là khu đất hoang hay đất lúa một vụ của dân được ông mua lại rồi để đổ tiền vào cải tạo thành một trang trại bề thế vào năm 2005, nhưng sau đó một số bà con nghe kẻ xấu xúi giục bỗng dưng đòi lại đất mà không muốn trả lại tiền.

Khi yêu sách không được thực hiện thì cả trăm con người bừng bừng nộ khí kéo đến với dao và gậy gộc trên tay, họ chặt hết cây cối, đánh bả chuột chết hết 50 con bò, thả thuốc sâu xuống ao chết cả trăm tấn cá. Thậm chí có bà, có chị còn tụt cả… quần để trêu tức, thách thức ông cùng đám công nhân, chỉ cần lỡ tay đánh thì họ sẽ có cớ để tàn phá tiếp.

Ngày đã như vậy, đêm đến cũng chẳng yên bởi vẫn có kẻ đột nhập vào, khi thì họ đập tan các thùng nuôi ong, lúc lại tẩm xăng đốt cháy cả nhà kho chứa nhiều loại nông cụ. 7 - 8 năm ròng như thế, vài ba tháng ông mới dám về nhà gặp mẹ một lần dù quê chỉ cách hơn 10 cây số, mà thường là về vào buổi tối, lúc mẹ đã ngủ và đi lúc mẹ còn chưa thức giấc. Khi thắng kiện, kẻ đầu trò phá rối bị đi tù thì biết bao cây xăng, xe vận tải đã phải bán, biết bao năm tháng của đời người đã bị mất đi nhưng ông vẫn kiên cường  vực dậy tất cả…

Một góc của khu du lịch đảo Bầu- mô hình trải nghiệm du lịch nông thôn của ông Bùi Minh Họa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc của khu du lịch đảo Bầu- mô hình trải nghiệm du lịch nông thôn của ông Bùi Minh Họa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chỉ tay vào cây gạo ở một góc trang trại, ông kể, đó là cột mốc năm 12 tuổi, khi quyết định mang 3 tấm lưới bỏ nhà lên Hà Nội rồi vô tình đi tiếp lên Tuyên Quang, đến huyện Sơn Dương thì ngồi bên vạt đồi dưới gốc cây này, phần vì đói, phần vì nhớ nhà mà nằm khóc. Sáng hôm sau, ông thức dậy chặt 5 cây chuối rừng làm bè, thả lưới đánh cá men theo sông ra tận bến phà Bình Ca, đổi cá lấy bánh chưng ăn. Hơn 50 năm sau, khi kinh doanh xăng dầu, vận tải thành đạt, ông quay lại mua đúng cây gạo năm xưa của nhà cụ Xuân ấy mang về trồng làm kỷ niệm.

Tôi hỏi ông tại sao lại có ý tưởng kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch? Ông trả lời, trước chỉ nghĩ làm nông thuần túy nhưng bạn bè nhiều người đến động viên ông làm thêm du lịch bởi thiên nhiên đã ban tặng nơi đây một đàn cò, một khúc sông cong hình chữ C đẹp hiếm có.

Bởi vậy, ông muốn kể cho lớp trẻ mà nhất là các học sinh về cuộc sống ngày xưa của tổ tiên cũng như cuộc đời ông từ năm 7 tuổi đến năm 70 tuổi với hơn 60 năm gắn bó với nghề sông nước: “Nhà nghèo, bố mẹ tôi đều sống bằng nghề đánh cá. Mùa đông rét buốt, 5 giờ sáng, trước lúc đi làm cho hợp tác, mẹ gọi tôi dậy cho đi bắt cá giá (cá bị cóng) cùng.

Ông Họa (ngoài cùng bên phải) trao đổi cùng các công nhân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Họa (ngoài cùng bên phải) trao đổi cùng các công nhân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đến đầu bờ ruộng, mẹ vơ ít rạ che bốn phía xung quanh cho tôi khỏi lạnh rồi lội xuống tìm bắt những con cá vì lạnh quá mà không bơi được, thân cứ cứng đơ. Tay người lúc đó cũng không nắm chặt lại được để bắt cá mà chỉ xúc chúng lên. Khi bị bỏ vào giỏ, cá không giẫy được, đến khi có nắng lên thì mới cựa quậy nổi.

Mẹ dạy tôi, để trốn khỏi cái lạnh, cá rô thường ngóc đầu kề vào bờ, còn cá trê, cá chuối thường bơi trên mặt ruộng, đuôi vẫy quẹt hai bên thành một vệt bùn đục lờ nhờ, cứ đi theo dấu vết đó sẽ tìm thấy chúng đang vùi thân dưới bùn, chỉ ngóc mỗi mũi lên thở.

Trời rét, chỉ có cá diếc là còn hoạt động được. Hễ thấy chúng chạy loăng quăng ở một góc sâu nhất dưới ruộng thì đứng ở trên bờ thò chân xuống, ngoáy thành một vũng rồi đi hết một vòng tìm các loại cá rô, cá trê, cá chuối, khi quay lại là lũ diếc đã chui xuống hết vũng cho ấm, chỉ việc lấy nơm úp.

Tháng tám heo may, mẹ tôi đắp cái rãnh chảy từ ruộng này sang ruộng khác, khoét sâu xuống rồi tát cạn, xoa nhẵn hai bờ, ban ngày đám cá đi quen, buổi tối vẫn men theo lối đó, thấy bờ lạ là đồng loạt nhảy vào…

Những kỹ năng đó mẹ chỉ cho tôi lúc hơn 5 tuổi thì đến 7 tuổi tôi đã tự bắt cá rồi góp nhặt để may được bộ quần áo Tây đầu tiên, 12 tuổi đã có vốn đủ để mua 1 cái xe đạp Favorit, 1 cái đồng hồ Poljot, 1 cái đài Xiêng Mao, vào loại sớm nhất trong làng.

Khu nhà 'bần cố nông' năm xưa được dựng lên giữa cơ ngơi của ông Họa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu nhà "bần cố nông" năm xưa được dựng lên giữa cơ ngơi của ông Họa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Về sau vì ham đánh cá quá mà tôi quyết định bỏ học, đi thả lưới trên một chiếc thuyền nhỏ, đổi cá lấy bánh chưng để ăn còn tối thì buộc thuyền ngay dưới gốc cây để ngủ, nếu mưa gió thì chui vào gầm cầu. Thầy giáo đến tận nhà bảo với bố mẹ tôi rằng: “Bác động viên cho cháu đi học, nó học toán giỏi lắm! Tôi dạy mà chưa thấy đứa nào học giỏi như nó cả”.

Bố mẹ tôi không biết con sống chết thế nào, cứ nắm cơm đi tìm trên bờ sông, hết sông nọ lại đến sông kia, cuối cùng mất cả tuần mới tìm thấy tôi ở chỗ đoạn sông giáp với tỉnh Hải Dương. Về nhà, tôi bị bố đánh cho một trận rồi đào cái hố chôn chân xuống nhưng khi ông đi rồi tôi lại bới đất lên để trốn lên Tuyên Quang đánh cá tiếp”…

Một con công đang múa giữa vườn nhà ông Họa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một con công đang múa giữa vườn nhà ông Họa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đệ nhất trang trại nơi đất Cảng

Về sau, dù làm công nhân, lái xe hay buôn bán xăng dầu, kinh doanh vận tải nhưng ông Họa vẫn không bao giờ dứt ra khỏi nghiệp kiếm cá. Sự cố kiện tụng qua đi, trang trại của ông là 1 trong 2 cơ sở ở Hải Phòng được chính quyền cho phép thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp trong 2 năm nhưng lại dính ngay vào dịch Covid, chỉ đón được lượng khách không đáng kể nên lại được thử tiếp 2 năm.

Hiện thành phố đang giao 10 sở, ngành giúp đỡ ông như Sở Du lịch giúp về đào tạo, quảng bá, kết nối khách; Sở NN-PTNT giúp về trồng trọt và chăn nuôi, còn huyện An Lão thì giúp về đường đi, lối vào. Nhưng để làm được du lịch, ông ước ao Hải Phòng cho phép một cơ chế để có thể xây dựng một số hạng mục công trình cho khách có chỗ ăn, chỗ nghỉ.

Dẫn mọi người vào “bảo tàng nông nghiệp” thu nhỏ của mình, ông thử xay thóc, giã gạo rồi chỉ cho từng vật dụng quen thuộc của nhà nông như cái lờ cá rô, cái lờ cá diếc, cái đó đơm tép, cái dậm, cái nơm, cái đèn soi cá…hay cái cày cái bừa, cái xe cải tiến của ngày xưa đến giờ là mô hình cơ giới hóa đồng bộ gồm máy cày, máy gieo hạt, máy cấy, máy gặt của Nhật.

Niềm vui của các cháu học sinh khi đến cơ sở của ông Họa trải nghiệm du lịch nông thôn. Ảnh: Tư liệu.

Niềm vui của các cháu học sinh khi đến cơ sở của ông Họa trải nghiệm du lịch nông thôn. Ảnh: Tư liệu.

Ông giải thích với các học sinh đến trải nghiệm rằng: “Nếu như không được đi học như bác Họa hay các ông bà nhà mình ngày trước thì phải làm nông bằng cách con trâu đi trước cái cày theo sau, thậm chí người kéo cày thay trâu rất vất vả.

Xay thóc, giã gạo hay đi tát nước bằng gầu dây, gầu sòng rất mệt mà người vẫn không đủ cơm mà ăn. Các cháu mà không học thì bác sẽ kể lại câu chuyện ngày bé bác không học, giờ thấy tiếc thì tuổi đã già. Nếu các cháu chịu khó học hành thì khi làm nông thời đại 4.0 này, 1 máy cấy mỗi ngày cấy được 10 mẫu, bằng cả 100 con người, 1 máy cày bằng cả 100 con trâu”.

Công nhân trong trang trại cho chim bồ câu ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Công nhân trong trang trại cho chim bồ câu ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu nhà bần nông, mặt ngoảnh ra sông với vách đất, mái rạ mới được phục dựng từ trong ký ức hồi nhỏ của ông cũng như những người thợ quê chưa từng được làm trước đó, còn khu nhà địa chủ khoảng 200 năm tuổi được ông sưu tầm về để giới thiệu cho các học sinh để biết đến chúng ngoài đời thực chứ không chỉ trên sách vở.

Trong trang trại còn có thủy đình để tổ chức múa rối nước, mô tả lại hết các công việc của nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Công nhân trong trang trại có thể đang kéo cá nhưng có khách cái là dừng tay để về biểu diễn ngay vì trước đó họ đã được đào tạo bởi các nghệ nhân. Bình thường chỉ nhìn thấy con rối ở đằng trước nhưng ở đây học sinh có thể ra sau hậu trường để xem người ta điều khiển con rối thế nào, cơ cấu làm sao mà con rối hoạt động được.

Ngoài các hoạt động bắt cá bằng úp nơm, kéo lưới hay bắt vịt, ông Họa còn cho học sinh đóng bè để không may có lũ lụt, thiên tai biết cách mà sinh tồn. Cho chúng tập cấy, cày, bừa… làm thế nào để có sản phẩm sạch, xem cái cây trồng bằng hạt ra sao, bằng chiết ghép thì thế nào. Cho chúng xem cảnh đàn cò sớm chiều về làm tổ, xem đàn ong về làm mật để, xem những con cào cào, châu chấu, lươn chạch, ếch nhái sống trong tự nhiên ra sao để còn biết sau này mà giữ gìn.

Khu thủy đình múa rối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu thủy đình múa rối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mắt ông rực sáng khi nói về những thứ mình đang chuẩn bị làm như sân bóng đá, bể bơi cho trẻ lớn, bể nghịch vầy cho trẻ nhỏ, khu trồng các loại hoa cho phụ huynh check in hay khu câu cá, hái quả trong lúc chờ con họ trải nghiệm.

Tâm nguyện từ nay đến cuối đời ông là làm được trọn vẹn các phân khu trong trang trại theo từng chức năng, trọn vẹn mô hình du lịch nông thôn, nông nghiệp trải nghiệm và trả hết được nợ nần.

  • Làng Nủ trước ngày khánh thành
    Phóng sự 14/12/2024 - 21:19

    40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.

  • Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’
    Phóng sự 14/12/2024 - 10:15

    Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.

  • Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh
    Phóng sự 12/12/2024 - 10:57

    YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.

  • Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao
    Phóng sự 06/12/2024 - 14:00

    Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.

  • Lãng du - những ấn tượng khó phai
    Phóng sự 06/12/2024 - 10:18

    Miền núi phía Bắc luôn níu chân du khách, từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cho đến những sản vật đặc trưng, cùng sự nồng hậu của người dân địa phương.

  • Cây vàng trên Mỏ Vàng
    Phóng sự 06/12/2024 - 06:00

    Trời còn đẫm sương đêm, ông Đặng Nho Hưng (thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng) đã thức giấc, mượn người lên đồi dọn thân củi quế chuẩn bị cho một mùa mới...

  • Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng
    Phóng sự 05/12/2024 - 15:15

    Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

  • Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung
    Phóng sự 05/12/2024 - 14:00

    Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.

  • Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin
    Phóng sự 05/12/2024 - 06:00

    Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

  • Canh giữ linh hồn của rừng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:53

    Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng.

  • 'Cá thần' dưới chân thác Trăng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:50

    Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

  • Đem hoa quả xứ người lên đất dốc
    Phóng sự 04/12/2024 - 13:45

    Thuở ban đầu, Sơn La chỉ toàn ngô, sắn và cây lâm nghiệp, tìm đỏ mắt không thấy bơ, nhãn, chứ đừng nói đề huề như bây giờ.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.