| Hotline: 0983.970.780

Người quản đốc làm... nhà sư phạm

Thứ Sáu 24/07/2020 , 08:14 (GMT+7)

Nhắc đến anh Phan Tấn Đề có lẽ phải nhắc đến mô hình đào tạo mà anh là người xây dựng, triển khai, mang lại những hiệu quả rất tích cực trong nhiều năm qua.

Trước khi gặp anh Phan Tấn Đề, Quản đốc Xưởng Điện, Nhà máy Đạm Phú Mỹ (thuộc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - PVFCCo), tôi đã nghe nhiều kỹ sư nhắc đến anh, một người giỏi chuyên môn, có tâm trong điều hành công việc.

Kỹ sư Phan Tấn Đề, Quản đốc Xưởng Điện. Ảnh: Đình Khôi.

Kỹ sư Phan Tấn Đề, Quản đốc Xưởng Điện. Ảnh: Đình Khôi.

Nhắc đến anh Phan Tấn Đề có lẽ phải nhắc đến mô hình đào tạo mà anh là người xây dựng, triển khai, mang lại những hiệu quả tích cực trong 4-5 năm qua. Tại Xưởng Điện, đa số mọi người là công nhân, kỹ sư chuyên môn nên hầu hết không có kỹ năng sư phạm để đứng lớp đào tạo, giáo trình lại không chuyên... Trong khi đó, nhu cầu học tập, nâng cao kiến thức của công nhân, kỹ sư rất cao. Nếu đào tạo một chiều, thụ động, kiểu người nói - người nghe thì không ổn bởi sẽ rơi vào tình trạng học trước quên sau, hoặc chưa chắc đã hợp với nhu cầu của người nghe... Từ thực tế đó, mô hình đào tạo “anh em” đã ra đời.

Đây là một mô hình rất thú vị, có thể giải quyết được những hạn chế của phương thức đào tạo cũ. Theo mô hình này, anh em trong xưởng sẽ chủ động đăng ký đề tài, là những vấn đề trong công việc hằng ngày mà bản thân anh em đang bị thiếu hụt kiến thức, cần tìm hiểu sâu hơn. Sau đó, cũng chính tự bản thân anh em sẽ chủ động tìm hiểu và tự thực hiện hầu hết đề tài.

Người hướng dẫn chỉ hỗ trợ khi cần thiết và cung cấp tài liệu. Sau khi hoàn thành đề tài, anh em sẽ trình bày trước tập thể xưởng, mọi người sẽ đặt câu hỏi, phản biện. Từ đó, không chỉ người làm đề tài được học mà cả những người ngồi nghe cũng được bổ sung hoặc ôn lại kiến thức mà mình cần. Hơn nữa, chính cách học chủ động đó còn giúp anh em nâng cao ý thức học tập, kỹ năng làm việc nhóm, làm bài thuyết trình, kỹ năng trình bày... điều hạn chế của đa số người làm kỹ thuật.

Anh Đề cũng chính là giảng viên nội bộ đào tạo về “7 thói quen hiệu quả” cho CBCNV trong toàn nhà máy. Anh thú thật: “Ban đầu bản thân cảm thấy khá áp lực vì không quen làm nhà sư phạm, công việc chuyên môn tại xưởng nhiều mà để đứng lớp giảng được thì phải mất vài tháng để chuẩn bị kiến thức chuyên sâu, phải đầu tư nhiều thời gian, công sức để thay đổi chương trình sao cho phù hợp”. Nhưng rồi tâm huyết của anh Đề cũng được đáp đền xứng đáng khi những chương trình, mô hình đào tạo đều rất thành công.

Những thông điệp ý nghĩa của 7 thói quen hiệu quả tại các lối đi trong Xưởng Điện. Ảnh: Đình Khôi.
Những thông điệp ý nghĩa của 7 thói quen hiệu quả tại các lối đi trong Xưởng Điện. Ảnh: Đình Khôi.

Những thông điệp ý nghĩa của 7 thói quen hiệu quả tại các lối đi trong Xưởng Điện. Ảnh: Đình Khôi.

Câu chuyện lột xác để tái sinh của đại bàng

Chuyện kể rằng, khi đến khoảng 40 năm tuổi, đại bàng bay lên một đỉnh núi cao, gõ chiếc mỏ cũ cong queo vào đá cho đến khi gãy rời ra. Sau một thời gian, nó dùng chiếc mỏ mới bẻ gãy các móng vuốt cũ đã mòn, rồi sau đó tiếp tục dùng mỏ và vuốt mới nhổ hết bộ lông đã già, nặng nề trên mình. Nếu vượt qua được, với bộ móng vuốt, bộ lông mới, mấy tháng sau, đại bàng có thể bay lượn làm chủ bầu trời, sống thêm 30 năm.

Đây cũng chính là câu chuyện mà anh Đề hay nhắc với anh em trong xưởng như là một bài học ý nghĩa về sự thay đổi, làm mới mình.

Công việc chính ở Xưởng Điện là vận hành và bảo dưỡng tất cả các thiết bị điện để nhà máy luôn vận hành an toàn, liên tục và hiệu quả. Đây là công việc thường xuyên lặp lại, nhiều anh em chỉ làm cố định một công việc qua nhiều năm nên rất dễ gây nhàm chán, tạo sức ì với những người làm việc lâu năm. Vì vậy, anh Đề lấy câu chuyện “lột xác” của đại bàng để động viên anh em phải làm mới mình mỗi ngày.

Anh Đề tâm niệm: “Cùng là một công việc cũ, nhưng với góc nhìn mới, chịu khó tìm tòi thay đổi cách làm một chút thì mọi thứ sẽ trở nên thú vị hơn. Đến giai đoạn nào đó, ai cũng cần học gì đó mới mẻ để tự nâng cao bản thân, nếu chỉ khư khư những kiến thức cũ kỹ thì sẽ bị tụt hậu. Tôi mong muốn anh em mỗi ngày học kỹ năng mới, mỗi ngày làm mới bản thân để phát triển và tiếp tục vươn lên”. Với quan điểm đó, anh Đề liên tục sốc lại tinh thần, động viên anh em làm mới mình cả về tri thức lẫn thái độ sống.

Kết quả là ở Xưởng Điện, tuy sáng kiến không quá nhiều nhưng công việc thì luôn được anh em sáng tạo, làm mới, hiệu quả hơn, mọi người hứng thú với công việc hơn. Ở Xưởng Điện, tinh thần “Together - Cùng nhau” được anh Đề vun đắp từ lâu. Hiệu quả công việc là quan trọng, nhưng đó không phải là tất cả, sự đoàn kết, hòa đồng, cùng nhau vui vẻ làm việc, cùng hướng đến những điều tích cực lớn lao hơn mới là quan trọng nhất.

Đội ngũ là vốn quý. Để có đội ngũ tốt, anh Đề đã quản lý xưởng theo phương châm ủy thác và tạo môi trường cho anh em phát huy thế mạnh của mình một cách tốt nhất. Dĩ nhiên, anh sẽ phải chấp nhận có thể có những sai sót nhất định. Nhưng đổi lại là sự tự tin và trách nhiệm của anh em cao hơn sau đó. “Mình thích tạo ra người hùng hơn là mình làm người hùng”, anh Đề nói.

Cũng từ đó, Xưởng Điện đã tạo ra nhiều “ngôi sao: Thế Anh làm lập trình; Nguyễn Phi Diệu, Nguyễn Văn Hưng sáng tạo những con robot, thiết bị khử khuẩn phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19...

Trong những công trình được khen thưởng, anh Đề đều có đóng góp rất lớn, từ gợi mở đề tài, trực tiếp hỗ trợ, động viên và tạo mọi điều kiện cho anh em thực hiện. Tuy nhiên, mọi người chỉ biết được điều đó qua lời kể của các công nhân, kỹ sư mà thôi. Còn với bản thân anh Đề thì “đó là nhiệm vụ, trách nhiệm không cần nhắc đến”. Có người thuyền trưởng giỏi thì con thuyền lớn sẽ vững vàng lướt sóng. Anh Phan Tấn Đề xứng đáng là “thuyền trưởng” ở Xưởng Điện Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.