| Hotline: 0983.970.780

Người Sài Gòn tránh kẹt xe nhờ bảng báo điện tử

Thứ Hai 04/03/2013 , 09:23 (GMT+7)

Hơn chục bảng báo điện tử được đặt gần các điểm thường xuyên ùn tắc để người đi đường lựa chọn lộ trình thông thoáng nhất.

Hơn chục bảng báo điện tử được đặt gần các điểm thường xuyên ùn tắc để người đi đường lựa chọn lộ trình thông thoáng nhất. Sau 3 tháng triển khai, đây được cho là giải pháp hiệu quả để chống kẹt xe tại TP HCM.

Tháng12/2012, Sở Giao thông vận tải TP HCM, Công ty TNHH Giải pháp công nghệ cao FPT (FTS) và Đài Tiếng nói Việt Nam đã phối hợp đưa thông tin về tình hình giao thông trên địa bàn thành phố lên các bảng thông báo điện tử được đặt ở các cửa ngõ và tuyến đường quan trọng, điểm thường xuyên ùn tắc nhằm cung cấp thông tin cho người tham gia giao thông.

Bảng báo hoạt động theo nguyên tắc, các thông tin giao thông do VOV Giao thông cung cấp sẽ được đưa lên hệ thống bảng quang báo điện tử dựa trên giải pháp công nghệ của FTS. Các thông tin này được FTS mã hóa và xử lý thành hình ảnh, màu sắc để cập nhật tức thời trên bảng báo (màu xanh lá cây là đường đang thông thoáng; màu vàng là đường đang đông xe và màu đỏ là đường đang kẹt xe).

Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải TP HCM, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, các thông tin về giao thông theo thời gian thực được cung cấp tức thời lên hệ thống bảng quang báo điện tử để người dân nắm bắt kịp thời, lựa chọn lộ trình thích hợp nhằm giảm ùn tắc giao thông. Dự án cũng là tiền đề cho việc triển khai hệ thống giao thông thông minh của thành phố trong thời gian tới.


Bảng quang báo thể hiện nội dung qua màu sắc, theo đó màu xanh cho biết đường đang thông thoáng, màu vàng là đường đang đông xe, và màu đỏ là đang kẹt xe

Anh Minh, tài xế một hãng taxi cho biết, muốn biết tình hình giao thông trên radio thì phải đợi khá lâu, nhưng nhờ những bảng báo điện tử này mà việc đi lại thuận lợi hơn. "Khi thấy tín hiệu đông xe, ùn tắc mình có lựa chọn lộ trình khác để tránh kẹt xe", anh Minh nói.

Còn chị Hà, nhà ở Tân Bình cho biết, do đi làm bằng xe máy nên không thể nghe được tình hình giao thông qua radio. Từ khi thành phố đưa các thông tin về giao thông lên các bảng điện tử, người đi xe máy như chị "hưởng lợi" nhiều nhất.

"Khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả thường xuyên bị kẹt xe, lúc trước tôi phải chờ sau giờ cao điểm mới về, nhưng hiện nay đến gần khu vực này, nếu thấy bảng thông báo kẹt xe hay đông xe thì có thể tìm hướng khác, đường có thể xa hơn chút nhưng không bị kẹt xe. Thành phố nên nhân rộng mô hình này trên nhiều tuyến đường khác", chị Hà chia sẻ.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, hiện đã lắp đặt 14 bảng quang báo điện tử trên các tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cộng Hòa, Phan Đình Giót, Trường Chinh... Năm nay sẽ lắp thêm nhiều bảng báo trên các tuyến có lượng xe lớn. "Đây sẽ là hướng đi hiệu quả của ngành giao thông thành phố. Sau khi thử nghiệm, nhiều người dân đã gọi điện và gửi thư với những phản hồi rất tích cực", đại diện Sở này chia sẻ.

Ông Trần Hồng Minh, Giám đốc dự án cho biết, bảng quang báo điện tử sẽ liên tục cập nhật tình hình giao thông trong giờ cao điểm. Ngoài thời gian này, bảng sẽ tuyên truyền giao thông như đội mũ bảo hiểm, quy định về tốc độ, mức phạt và cả hướng dẫn đường.


Sau 3 tháng quan sát bảng quang báo, nhiều người đánh giá đây là giải pháp khá hiệu quả để giảm ùn tắc

Đại diện FTS cho rằng, hiện nguồn tin của VOV và VOH (Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM) mới chỉ phục vụ 200.000 ôtô tham gia giao thông trên các tuyến của của thành phố, trong khi nếu được triển khai rộng rãi, bảng quang báo sẽ đáp ứng nhu cầu của khoảng 6 triệu phương tiện giao thông (cả ôtô và xe máy).

Còn Sở Giao thông Vận tải TP HCM thông tin, thành phố đang nghiên cứu triển khai dự án Trung tâm điều khiển giao thông với tổng số vốn 187 triệu USD (3.800 tỷ đồng). Dự án sẽ lắp đặt thiết bị giao thông tại hơn 1.000 giao lộ, xây dựng trung tâm và hệ thống điều khiển đèn tín hiệu, quản lý xe buýt, thu phí cầu đường điện tử, quản lý an toàn giao thông...

Sau khi được đưa vào hoạt động, toàn bộ dữ liệu hình ảnh tại các giao lộ sẽ được truyền về trung tâm điều hành giao thông. Việc phân tích hình ảnh qua bộ nhớ ghi hình sẽ được cơ quan chức năng xử lý và điều tiết trực tiếp hệ thống đèn tín hiệu tại các giao lộ, thay cho việc cảnh sát giao thông phải túc trực để quan sát bấm đèn điều tiết.

Theo Ban quản trị dự án, trong tương lai, hệ thống sẽ kết nối với các nguồn tin và hệ thống khác như camera, cảm biến để lượng hóa mức độ tình trạng giao thông từ đó cung cấp thêm thông tin về tốc độ trung bình, mật độ xe trên đường... cũng như thông tin tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố như trạm xe buýt, các trung tâm thương mại và trên các thiết bị di động để người dân có thể tiếp cận thông tin dễ dàng.

Gần đây, tại Hà Nội, nhiều bảng điện tử được lắp đặt trên các tuyến phố lớn. Tuy nhiên, do đặt trên các phố không xảy ra ùn tắc nên các bảng điện tử này thực chất chỉ phục vụ cho một công ty khai thác quảng cáo. Các dòng tuyên truyền giao thông xuất hiện chóng vánh để nhường không gian cho quảng cáo.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm