Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San, đơn vị trồng hồ tiêu hữu cơ tại Đồng Nai vừa đại diện các HTX sản xuất loại nông sản này theo hướng hữu cơ gửi thư đến Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA), bày tỏ quan điểm về dư lượng axit Phosphonic (H3PO3) trong hồ tiêu.
Qua thư, HTX Lâm San bày tỏ sự quan ngại và mong sớm có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa ESA, Bộ NN-PTNT và các HTX sản xuất hồ tiêu hữu cơ vì lợi ích chung của người sản xuất Việt Nam và người tiêu dùng châu Âu.
Theo HTX này, mùa vụ hồ tiêu năm 2023 vừa kết thúc được khoảng 3 tuần và những nhà trồng đã đem mẫu đi phân tích dư lượng axit Phosphonic cũng như thuốc BVTV trong sản phẩm theo yêu cầu của các khách hàng châu Âu.
"Kết quả phân tích của hơn 100 mẫu tiêu hữu cơ cho thấy phần lớn vượt mức 0,1 mg/kg, là ngưỡng MRL chấp nhận (tối đa cho phép - pv) theo hướng dẫn của Hiệp hội hữu cơ Đức - BNN", trong thư có đoạn.
Vì vậy, HTX Lâm San nói tình trạng này gây ra những mối lo ngại cho nông dân, các tổ chức tư vấn và đánh giá hữu cơ bởi vì axit Phosphonic không những được phát hiện trong hồ tiêu hữu cơ mà còn có trong gạo hữu cơ và những nông sản khác.
Vấn đề này dẫn tới những nghi vấn về nguồn gốc của dư lượng axit Phosphonic trong các sản phẩm hồ tiêu hữu cơ.
Dẫn kết quả một khảo cứu được thực hiện ngay trong năm 2023, HTX Lâm San cho rằng axit Phosphonic cho nguồn gốc tự nhiên trong đất, nước mặt và phân hữu cơ được hấp thụ vào trong cây trồng, tồn lưu trong nông sản.
Thêm một khảo cứu thực nghiệm nữa cũng được nêu ra trong thư về canh tác hữu cơ ở châu Âu cho rằng thường phát hiện dư lượng axit Phosphonic trong nông sản hữu cơ, giúp cho việc điều chỉnh các quy định pháp lý về hữu cơ.
Trước thực tế đó, HTX Lâm San nói rất mong muốn những nghiên cứu thực nghiệm tương tự đối với hồ tiêu hữu cơ Việt Nam để đánh giá định lượng trong điều kiện thực tế về tình trạng dư lượng axit Phosphonic trong nông sản nhiệt đới.
“Kết quả của nghiên cứu sẽ cung cấp những căn cứ cơ bản cho cả chính quyền Việt Nam và châu Âu trong việc quy định MRL phù hợp, dựa trên các chứng cứ đánh giá khoa học trực tiếp tại nơi sản xuất”, bức thư kết lại.