Vườn ươm cây giống lâm nghiệp của anh Bùi Văn Cường ở ấp 20, xã Khánh Thuận (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) được đầu tư hệ thống vòi phun tưới tự động, ứng dụng khoa học kỹ thuật nên chất lượng cây giống bảo đảm, là địa chỉ tin cậy cung cấp cây giống trồng rừng cho bà con.
Anh Cường cho biết đến vùng đất U Minh từ năm 2018 và nhận thấy keo lai là cây sinh trưởng nhanh, chịu được khô hạn và có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, năng suất trồng keo lai có thể lên đến 20m3/ha mỗi năm. Vì vậy, việc đưa các loài keo lai vào trồng rừng sản xuất, đặc biệt là trồng rừng cung cấp gỗ làm nguyên liệu giấy là điều hết sức cần thiết, giúp tăng thu nhập cho người trồng rừng.
Với những lợi thế ở địa phương, anh Cường vừa nhập cây lâm nghiệp về bán tại nhà vừa học hỏi kỹ thuật làm vườn ươm. Từ quy mô nhỏ, anh vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay, mỗi năm anh xuất bán khoảng 700 ngàn cây giống, chủ yếu là giống keo lai, ngoài ra còn có cây bạch đàn, tràm và một số cây ăn trái.
Với hơn 6 năm gắn bó với nghề, anh Cường đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong ươm cây giống. Theo anh, mỗi loại cây đòi hỏi một kỹ thuật ươm và chế độ chăm sóc khác nhau. Vì vậy, ngay từ khi xây dựng vườn ươm, anh đã đầu tư hệ thống tưới phun tự động để phục vụ việc ươm cây giống.
Thời gian qua, rừng U Minh Hạ được chuyển đổi từ trồng tràm truyền thống sang lên liếp trồng rừng theo hướng thâm canh tăng năng suất, tăng chất lượng rừng, trong đó cây keo lai là 11.250ha, tràm 12.250ha. Keo lai sinh trưởng nhanh, rừng trồng 5 năm tuổi trữ lượng gỗ bình quân từ 200 - 260m3/ha, có những nơi trên 300m3/ha (cây có đường kính trên 20cm chiếm trên 35%).
Ông Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ cho biết, hiện đơn vị quản lý gần 24.000ha rừng, trong đó diện tích quy hoạch trồng rừng trên 19.400ha. Ngoài cây tràm bản địa, khu vực rừng tràm đã được nhập nội cây keo lai và tràm Úc về trồng. Trong đó, diện tích keo lai là hơn 5.900ha, chiếm 32%, năng suất bình quân khoảng 160 - 180m3/ha, giá trị 140 - 160 triệu đồng/ha.
Thời gian tới, Cà Mau tập trung chuyển đổi từ trồng rừng quảng canh sang trồng rừng thâm canh với diện tích 29.000ha, bao gồm cây keo lai khoảng 12.000ha, cây tràm các loại 17.000ha, trong đó rừng gỗ lớn loài cây keo lai chiếm khoảng 10% diện tích trồng keo tại khu vực rừng U Minh Hạ.
Ðối với khu vực rừng ngập mặn, rừng sản xuất và rừng phòng hộ (nơi sản xuất kết hợp) tập trung phát triển mô hình rừng - tôm bền vững theo hướng chứng nhận tôm sinh thái (hữu cơ) theo tiêu chuẩn quốc tế với diện tích 38.000ha, sản phẩm gỗ khai thác cung cấp nguyên liệu cho chế biến.
Từ kinh nghiệm tích lũy được, anh Cường còn tư vấn, hướng dẫn người mua cách trồng và chăm sóc từng giống cây phù hợp với từng loại đất, sử dụng các loại phân bón, thuốc phòng trị bệnh theo mùa và hỗ trợ vận chuyển cây giống đến tận nơi. Anh còn bán các giống cây ăn quả, hoa, cây cảnh theo mùa. Nhờ phát triển mô hình sản xuất cây giống, gia đình anh Cường có lãi khoảng 100 triệu đồng mỗi năm.
Mô hình ươm, kinh doanh các giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp của anh Bùi Văn Cường là gương sáng về nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế tại vùng rừng U Minh.